Siêu thị cũng khuyến mãi... lừa

Thứ Ba, 05/06/2007, 19:05
Biết là giá "chát", nhưng nghĩ tới cái nắng 37-380C, lại thấy hứa hẹn tặng 1 túi du lịch và 1 chảo lẩu, chị Phương đành nghiến răng mua chiếc điều hòa hiệu Panasonic. Thế nhưng, khi lắp xong máy, chị chỉ nhận được chiếc balô bé tí, còn chảo lẩu thì cửa hàng xin... nợ, khi nào có sẽ đem đến.

"Xin nợ khách hàng sản phẩm khuyến mãi"

Hà Nội đang vào mùa cao điểm nắng nóng, hàng loạt mặt hàng cao cấp phục vụ mùa hè đang bán chạy như tôm tươi, các nhà phân phối cũng tranh thủ thời cơ để gặt hái. Chỉ cần lướt qua các trang quảng cáo sản phẩm, các tờ rơi áp phích trên phố hay tại những siêu thị, trung tâm bán hàng lớn có thể bắt gặp nhan nhản các khẩu hiệu khuyến mãi.

Tuy nhiên, trên thực tế không phải tất cả những gì nhà cung cấp nói đều là sự thật. Chúng tôi đã làm một cuộc khảo sát "dạo quanh phố phường, dạo qua thị trường" khuyến mãi để tìm hiểu sự thật phía sau những lời có cánh đó. Một trong những mặt hàng đang bán chạy trên thị trường là các sản phẩm điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, quạt điện cao cấp... với đủ trò khuyến mãi kèm theo làm cho khách hàng như rơi vào mê hồn trận.

Ngày 17/5, vợ chồng chị Trần Thị Phương ở 19 Liễu Giai, Hà Nội tìm đến Trung tâm Carings, một trung tâm buôn bán điện máy lớn nằm trên đường Bà Triệu, Hà Nội để tìm mua một chiếc điều hòa nhiệt độ. Vốn là người cẩn thận nên vợ chồng chị bỏ qua các cửa hàng nhỏ lẻ mà tìm đến trung tâm này với hy vọng mua được hàng đảm bảo.

Khi đặt vấn đề mua một chiếc điều hòa hiệu Panasonic một chiều, công suất 9.000 BTU, chị được thông báo mức giá là 7.150.000đ. Ngoài ra, khách hàng phải chịu tiền công 150.000đ và chi phí mua các loại linh kiện đi kèm như: ống đồng, dây điện, ốc vít, giá đỡ...

Khi thắc mắc vì sao cùng loại sản phẩm nhưng tại đây bán đắt hơn những nơi khác, nhân viên tư vấn chỉ vào một tờ rơi đang được đính kèm sản phẩm: Nếu mua sản phẩm này, anh chị sẽ được khuyến mãi thêm một túi du lịch và một chiếc chảo lẩu. Hai sản phẩm này cũng trị giá hàng trăm ngàn đồng.

Do đang có nhu cầu lắp máy điều hòa để chống chọi với cái nắng 37-38 độ C nên mặc dù biết phải chịu mức giá chát hơn những nơi khác, vợ chồng anh vẫn nghiến răng quyết định mua máy. Đóng tiền mua máy đầy đủ từ thứ 7, nhưng tới thứ hai tuần sau anh lại phải xin nghỉ một ngày làm việc ở nhà để chờ nhân viên của trung tâm này đến lắp đặt.

Sau khi đã lắp đặt xong, nhóm thợ của trung tâm này chìa ra một tờ hóa đơn trị giá hơn 700.000đ gồm đủ loại chi phí từ tiền công lắp đặt, tiền ống đồng, dây điện, ốc vít... Thế nhưng, điều bức xúc hơn là khi nhận máy, anh chỉ được nhận một chiếc balô du lịch bé tí mà không hề có chảo lẩu như lời cô nhân viên bán máy thông báo mà không một lời giải thích.

Chỉ đến khi vợ chồng anh điện thoại tới trung tâm này thì sau một hồi vòng vo, ấp úng, nhân viên tại đây đã nói với vợ chồng anh rằng: "Hiện nay, trong kho hết chảo lẩu, bọn em xin nợ anh khi nào có sẽ đem đến sau". Chờ mãi gần một tuần sau điện lại, vợ chồng anh lại được hứa hôm sau sẽ cho người đem chảo đến tận nhà.

Tuy nhiên, từ hôm đó đến nay, vợ chồng anh vẫn chờ trong sự bức xúc. Theo như chị Phương cho biết: Điều bức xúc ở đây không phải vì gia đình chị cần thêm một chiếc chảo lẩu mà vì sự thất tín của cửa hàng, đặc biệt là những thủ thuật bán hàng và sự giảo hoạt của những nhân viên bán hàng khiến gia đình chị cảm thấy mình đã bị lừa dối.

Luật đã quy định rõ quyền lợi người tiêu dùng vẫn bị xâm phạm.

Dạo qua một số cửa hàng, siêu thị lớn, chúng tôi còn nhận được những lời khuyến mãi nghe rất hớp hồn. Ví dụ như mua một sản phẩm tivi màn hình Plasma trị giá 32 triệu đồng hiệu T sẽ được tặng một chiếc máy ảnh trị giá... gần 5 triệu đồng; mua sản phẩm trị giá 19.990.000đ thì sẽ được tăng một máy ảnh trị giá hơn 3 triệu đồng...

Cứ theo như quảng cáo nêu trên thì đúng là người tiêu dùng hoa cả mắt và cũng không kém phần hoang mang vì chẳng biết đâu là giá trị đích thực của chiếc tivi nọ, khi mà giá trị hàng khuyến mãi kèm theo đã chiếm gần 1/6 giá bán máy.

Cách đây ít lâu, một khách hàng mua một chiếc tivi Samsung 32 inch trị giá 12,9 triệu đồng tại một siêu thị lớn ở Hà Nội cũng đã không được nhận quà khuyến mãi là máy DVD theo như thông báo của hãng này. Khi nhận được phản ứng của khách hàng, đại diện siêu thị này đã trả lời vòng vo để bao biện cho việc thực hiện chương trình khuyến mãi nhập nhèm của mình.

Không chỉ các mặt hàng điện máy cao cấp với mức giá lên tới tiền triệu, ngay cả những đồ tiêu dùng hằng ngày với giá trị nhỏ cũng được áp dụng các hình thức khuyến mãi kiểu treo đầu dê bán thịt chó. Đó là các mặt hàng thời trang quần áo, giày dép... đang đắt khách những ngày hè.

Những tấm băng rôn với lời mời khuyến mãi hấp dẫn như: giảm giá 50%, 70%, mua 1 tặng 2... xuất hiện dày đặc trên đường phố, trong các cửa hàng, trung tâm thương mại. Nhưng trong số ấy chỉ có một số cửa hàng thực hiện nghiêm túc theo quy định khuyến mãi, còn lại phần lớn đều đưa ra các sản phẩm kém chất lượng để tặng khách hoặc giảm giá.

Khó quản lý các chương trình khuyến mãi

Đó là thực tế đang diễn ra trong hoạt động thương mại hiện nay. Theo quy định, để thực hiện một chương trình khuyến mãi, các thương nhân phải tiến hành từng bước với các thủ tục, từ hợp đồng dịch vụ khuyến mãi, đăng ký hoạt động khuyến mãi, công khai hoạt động khuyến mãi, thông báo kết quả khuyến mãi với cơ quan quản lý Nhà nước...

Tuy nhiên, nhiều đơn vị đã lợi dụng thời gian khuyến mãi, trí trá hình thức khuyến mãi để đánh lừa khách hàng. Theo Điều 88 (mục 1, Chương IV) về khuyến mãi của Luật Thương mại: "Khuyến mãi là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân nhằm xúc tiến việc mua bán, cung ứng dịch vụ bằng cách dành cho khách hàng những lợi ích nhất định".

Nhưng trên thực tế, việc "dành cho khách hàng những lợi ích nhất định" chỉ chiếm số lượng nhỏ. Bởi vậy, theo thông tin từ Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, mỗi năm Hội phải giải quyết hàng trăm vụ việc liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng, trong đó có hàng chục vụ liên quan đến chương trình khuyến mãi.

Mặc dù hoạt động khuyến mãi đã được quy định chi tiết trong Luật Thương mại, nhưng hoạt động khuyến mãi vẫn đang ở dạng tự phát và chưa thực hiện nghiêm túc, một phần vì công tác quản lý bị buông lỏng, một phần do ý thức của chính doanh nghiệp khi chưa đặt lợi ích người tiêu dùng lên hàng đầu.

Những hành vi bị cấm trong hoạt động khuyến mãi như: "Khuyến mãi thiếu trung thực về hàng hóa, dịch vụ để lừa dối khách hàng, hứa tặng thưởng nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng..." vẫn chưa bị xử lý nghiêm nên vẫn diễn ra khá phổ biến. Vì vậy, để tự bảo vệ mình, người tiêu dùng cần cảnh giác và thận trọng trước những chiếc bánh vẽ khuyến mãi, chớ ham rẻ mà mua bực vào mình

Việt Hà-Đức Thọ
.
.
.