Sĩ tử cần lắm những tấm lòng như chị

Thứ Tư, 08/07/2009, 10:10
Chị là Lê Thị Mai Trang, số 121, đường Nguyễn Lương Bằng, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, đã tự nguyện dành gần 60 suất trọ vừa ở, ăn miễn phí cho các sĩ tử vào mỗi kỳ thi. Ngoài ra, gần 10 năm nay, chị còn là người dang rộng đôi cánh tay giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn...

Giữa lúc chủ trọ cho các sĩ tử thuê phòng đang ra sức đua nhau tăng giá, ghép phòng, chèn thêm người trọ để kiếm thêm thu nhập vì đây là cơ hội cả năm mới có một lần... giữa cuộc sống "kinh tế hóa" bon chen từng đồng, từng xu nhân kỳ thi đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) đang đến gần... lại có một con người làm cho chúng ta phải suy ngẫm lại chính mình.

Đó là chị là Lê Thị Mai Trang, số 121, đường Nguyễn Lương Bằng, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, đã tự nguyện dành gần 60 suất trọ vừa ở, ăn miễn phí cho các sĩ tử vào mỗi kỳ thi. Ngoài ra, gần 10 năm nay, chị còn là người dang rộng đôi cánh tay giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn...

Người "bảo mẫu" của các lớp sĩ tử

Với giọng nói thân thiện, vô tư, khuôn mặt hiền hậu, chị tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang mà gia đình mới cất cách đây không lâu. Chị bồi hồi kể lại những năm tháng còn khó khăn: "Thời gian trước đây, nhà tôi thiếu thốn và chật chội lắm, nhà lại đông người nữa nên tôi chỉ dành được mươi lăm chỗ cho các em đến trọ để thi thôi. Nhà còn khó khăn, các em còn khó khăn hơn khi chân ướt chân ráo đến thành phố, nhiều em không có người thân nên tội lắm...".

Năm nay nhà chị đã cất xong một căn nhà khang trang vừa là để ở vừa là cửa hàng của gia đình làm nghề thuốc gia truyền. Vừa nhìn căn nhà sẽ chẳng ai có thể tưởng tượng ra trong căn nhà này lại có đến 20 đến 30 sĩ tử đang ăn, ở miễn phí để chuẩn bị thi ĐH, CĐ. Chị cho biết thêm: "Nhà mình còn 2 căn nhà cũ nữa ở số 472 Nguyễn Lương Bằng cũng sẵn sàng đón tiếp khoảng 15 đến 30 người cả học sinh và người nhà".

Chị Trang cho biết: "Rút kinh nghiệm nhiều năm trước, các em đi thi ăn các loại thức ăn đường phố, thường nấu để đã lâu, lại không vệ sinh... đã có nhiều em ăn vào đau bụng phải đi viện thế là bỏ thi... khổ! Chỉ tiếc công 12 năm đèn sách lại bị một việc không đâu...".

Thế là mỗi ngày gia đình chị phải tăng thêm vài chục suất ăn nhưng đều được chị và các thành viên trong gia đình chuẩn bị rất tươm tất, vừa đảm bảo chất lượng và số lượng. Và một điều làm chúng tôi rất ngạc nhiên là tất cả những công việc chị làm đều miễn phí...

Với công việc của một lương y, chị đã tất bật, nghề này cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình nhưng mùa thi đến, chị đã gác lại tất cả bởi chị nghĩ đã làm tình nguyện thì phải làm đến nơi đến chốn. Chị coi các em như người nhà,... "Phải tạo cho các em cảm giác thoải mái, tự tin thì mới thi tốt được...", chị nói.

Hiện tại, gia đình chị vẫn còn chỗ trống cho các em có nhu cầu thi tại các điểm thi: Trường THPT Ngô Sĩ Liên, Lương Thế Vinh, ĐH Bách khoa, và Trường THPT Nguyễn Trãi... ở Đà Nẵng. Thí sinh có thể liên hệ tại các điểm "tiếp sức mùa thi", hoặc trực tiếp gọi đến cho chị Trang theo số máy 05113.841240.

Những suy nghĩ giản dị...

Khi được hỏi xuất phát từ đâu mà chị có một tấm lòng nhân ái, cao cả đến vậy, chị chỉ cười và nói: Mình đều là con người, sẽ có lúc này, lúc khác. Trước đây mình cũng khó khăn, vất vả thiếu thốn nên mình hiểu và thông cảm với các em... bây giờ mình đỡ hơn ai lại làm khó cho họ, có ai giàu sang lên vì những đồng tiền này đâu...

Chị Trang tâm sự: Thuở nhỏ, gia đình mình nghèo lắm, lại đông anh em, chị khát khao được thi ĐH. Học xong cấp III, vì nhà quá nghèo, chị không có tiền để đi thi đại học. Vì thế khát khao vào ĐH của chị đành gác lại mà chỉ đã nối nghiệp làm thuốc gia truyền.

Không chỉ là một "bảo mẫu" của các sĩ tử, mà chị còn là một người thầy thuốc hết lòng vì người bệnh. Chị sẵn sàng giúp đỡ, miễn, giảm toàn bộ tiền thuốc nếu các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn khi đến với chị. Những ngày thường chị Trang vẫn được mọi người khu phố gọi là một "Mạnh Thường Quân" trong việc giúp đỡ các hoàn cảnh, mảnh đời bất hạnh vượt qua khó khăn.

Chị Trang còn kể cho chúng tôi nghe một kỷ niệm của chị với người em trai của mình. Năm 1990, cậu em trai đi thi ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh, cả nhà chạy vạy mãi vay được ít tiền, chỉ đủ để cho cậu đi. Vậy nhưng, những ngày nơi đất khách quê người, cậu em bị mất trộm nên phải nhịn đói để thi. Bây giờ người em trai này đã thành đạt.

Nhiều năm, nhiều lớp các sĩ tử đã thành đạt từ chính sự đùm bọc, giúp đỡ của gia đình chị, họ đã bày tỏ lòng cảm ơn và muốn hậu tạ chị, nhưng tất cả chị đều từ chối. Cảm ơn thì chị nhận chứ đừng làm như vậy còn nhớ tới chị là chị vui rồi... chị không mong muốn gì hơn

M.T.
.
.
.