Sâu lắng trong hình bóng nước nhà

Thứ Bảy, 04/10/2014, 18:09
18h09’ ngày 4/10 tròn một năm về trước, cả dân tộc nghẹn ngào khi tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người học trò xuất sắc của Bác Hồ, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, vị tướng lỗi lạc của thế giới qua đời.

Phát thanh viên Đài truyền hình Việt Nam anh Quang Minh nghẹn ngào độc bản tin thời sự đặc biệt đưa tin về Đại tướng. Triệu triệu trái tim người Việt thổn thức, rơi lệ.

Hàng vạn người dân cả nước hướng về số nhà 30 Hoàng Diệu nơi Đại tướng sinh sống, hướng về làng An Xá, nơi Đại tướng cất tiếng khóc chào đời trong điệu hò khoan Lệ Thuỷ, hướng về Vũng Chùa - Đảo Yến nơi người con huyền thoại của dân tộc an giấc ngàn thu.

"Nếu ai hỏi vì sao quê hương chúng ta nhiều ngói mới - Rằng: có đắng cay nên chừ mới có ngọt bùi. Nếu ai hỏi vì sao quê hương chúng ta đồng lúa tốt - Có nhớ những ngày cơ cực tối tăm ngày xưa...", lời bài hát "Quảng Bình quê ta ơi" Đại tướng rất thích nghe trong những ngày nằm trên giường bệnh, giờ đây nghe mà nước mắt chày tràn. Đưa Đại tướng về đất mẹ, hàng vạn người lặng đi trong tiếng khóc vang vọng trời xanh.

11h55’ ngày 13/10, chuyên cơ mang số hiệu VN103 (Đại tướng 103 tuổi) chở linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp hạ cánh an toàn xuống sân bay Đồng Hới. Từ ngoài hàng rào sân bay, hàng vạn người dân hướng về phía chiếc máy bay mắt dõi theo trong im lặng. Và khi các tiêu binh đặt linh cữu Đại tướng lên linh xa, phủ Quốc kỳ và đặt vào lồng kính, những giây phút nén lặng của nhiều người bật thành tiếng khóc.

Lúc này đây, Đại tướng không chỉ là vị tướng huyền thoại trong lòng dân, mọi người tiếc thương ông như người cha, người ông, người bác thân thương trong mỗi gia đình. Đoàn xe chở linh cữu Đại tướng lăn bánh ra quốc lộ 1A chạy chậm lại trong dòng người đưa tiễn. Lịch sử có bao giờ lặp lại hai lần?

Đường quốc lộ 1A nơi hành trình linh cữu Đại tướng đi qua đẹp như một dải lụa chạy nép mình giữa những bãi cát vàng và dải núi hùng vĩ Trường Sơn.

Theo đoàn đưa tiễn, tôi chợt lạnh toát người khi nghĩ tới những con số kỳ lạ. Chuyên cơ mang số hiệu VN103 trùng số với tuổi sinh Đại tướng có thể do ai đó nghĩ ra, song Đoàn xe đưa linh cữu Đại tướng đi qua 2 huyện Bố Trạch và Quảng Trạch, Quảng Bình, mỗi huyện đều có đúng 13 xã dọc theo quốc lộ 1A thành kính, linh thiêng vĩnh biệt Người là một con số trùng hợp kỳ lạ. Và tất cả 13 xã của mỗi huyện nơi đây đều là những xã anh hùng trong cuộc chiến quật cường của dân tộc Việt Nam.

Trước ngày Đại tướng về với quê hương, người dân các xã dọc theo Quốc lộ 1A ấy không ai bảo ai nhưng nhiều nhà treo cờ rủ, quét dọn sạch sẽ để đón Bác Giáp về. Đoàn linh cữu đi qua cầu Gianh, nơi ấy còn có tượng đài sừng sững ghi chứng tích Hải quân nhân dân Việt Nam đánh thắng trận đầu.

Hai bên cầu Gianh cả dòng người xếp hàng đưa tiễn Đại tướng. Lúc này đây, những tham, sân, si, hỷ, nộ, ái, ố của mỗi cuộc đời, mỗi con người đều khép lại. Bởi tất cả trái tim đã cùng rung lên một nhịp: nghiêng mình tiễn đưa vĩnh biệt người con ưu tú của dân tộc Việt Nam.

Một năm sau ngày mất của Đại tướng, mời bạn đọc xem lại những hình ảnh xúc động trong ngày lễ tang Đại tướng do phóng viên Báo Công an nhân dân thực hiện.

Lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Quảng Bình.

Đoàn xe phục vụ lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Người dân Việt khắp cả nước về Vũng Chùa-Đảo Yến tiễn đưa Đại tướng.

Các cựu chiến binh nghiêng mình chờ xe chở linh cữu Đại tướng đi qua.

Những phụ nữ Thanh niên xung phong đường Trường Sơn năm xưa thổn thức nhớ hình ảnh Đại tướng.

Học sinh xếp hàng vào tiễn đưa Đại tướng về đất mẹ.

Thế hệ trẻ đoàn viên, thanh niên xúc động xếp hành tiễn đưa linh cữu Đại tướng đi qua.

Linh cữu Đại tướng về Vũng Chùa-Đảo Yến.

Đất nước nghẹn ngào tiễn đưa Đại tướng về đất mẹ.

Gia đình, người thân bên huyệt mộ Đại tướng.

Giây phút thiêng liêng vĩnh biệt Đại tướng.

Ngày ngày hàng ngàn người đến thắp hương, tưởng nhớ nơi Đại tướng an giấc ngàn thu.
 

Dương Sông Lam
.
.
.