Chủ trương di dời trụ sở một số cơ quan, đơn vị ra khỏi nội thành Hà Nội:

Sau 10 năm vẫn ... ì ạch

Chủ Nhật, 17/06/2018, 10:15
Thực hiện Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP của Chính phủ về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội, đến nay, các cơ quan chức năng thừa nhận: Công tác di dời các cơ quan đơn vị, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, cơ sở sản xuất công nghiệp 10 năm qua triển khai còn chậm, chưa đồng bộ, manh mún.

Việc di dời các cơ quan, đơn vị, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, cơ sở sản xuất công nghiệp ra ngoài khu vực nội đô đã được định hướng trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, đồng thời đã được luật hoá tại điều 9, 15 Luật Thủ đô, trong đó giao Thủ tướng Chính phủ quy định biện pháp và lộ trình di dời các cơ quan, đơn vị, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục công nghiệp ra ngoài khu vực nội thành. 

Bệnh viện Bạch Mai thuộc diện được cấp 20ha diện tích mới, nhưng vẫn đang  tiếp tục sử dụng cơ sở cũ.

Song trên thực tế, định hướng và việc thực thi chưa cùng song hành. Theo đánh giá từ phía Hà Nội, công tác di dời các cơ quan, đơn vị, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục do các bộ, ngành chủ trì. 

Tuy nhiên đến nay, các bộ chưa trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt danh mục, tiêu chí, lộ trình và biện pháp, cơ chế tài chính về di dời các cơ quan, đơn vị, cơ sở y tế cơ sở giáo dục cần phải di dời ra ngoài khu vực nội thành. 

Trong giai đoạn vừa qua, mặc dù thành phố Hà Nội đã tổ chức triển khai thực hiện theo đúng quy đinh tại điều 9 Luật Thủ đô là không xem xét giải quyết các trường hợp mở rộng diện tích sử dụng đất và quy mô giường bệnh của các bệnh viện hiện có; không xây dựng mới các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp (chỉ chấp thuận một số dự án cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất, chất lượng phục vụ, không tăng giường bệnh như Bạch Mai, Việt Đức...). 

Đồng thời thực hiện theo nhu cầu thực tiễn của các bộ, ngành, thành phố cũng đã xem xét, giới thiệu địa điểm đầu tư xây dựng các cơ sở bệnh viện, cơ sở giáo dục, các cơ quan đơn vị để phục vụ di dời. 

Cụ thể, tổng số cơ sở bệnh viện đã và đang thực hiện di dời 8 cơ sở, trong đó có 2 cơ sở đã đi vào sử dụng (như Bệnh viện K cơ sở 2 và Bệnh viện nội tiết Trung ương), nhưng tiếp tục sử dụng cơ sở cũ; một số đã được phê duyệt quy hoạch khu đất xây dựng các Bệnh viện mới: Bệnh viện Mắt Trung ương-Cơ sở 2 tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm; Bệnh viện phụ sản Trung ương cơ sở 2 tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm... 

Tuy nhiên, toàn bộ các cơ sở bệnh viện sau khi được giới thiệu, thoả thuận địa điểm mới vẫn tiếp tục sử dụng cơ sở cũ trong nội thành, không thực hiện bàn giao quỹ đất cho Thành phố.

Về vấn đề di dời các cơ sở giáo dục đại học, nghề nghiệp, Thành phố đã bố trí quỹ đất khu vực các trường đại học tập trung tại Hoà Lạc (quy mô 297,5ha). 

Đến nay mới có 1 trường được giới thiệu di dời đến khu vực này (Khoa Luật thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội). Đang thực hiện di dời 1 trường (Đại học Y tế công cộng). Tuy nhiên, khu đất sau di dời tại 138B Giảng Võ đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bán chỉ định, chuyển nhượng quyền sử đụng đất. 

Đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu cụm trường Dục Tú-Mai Lâm thuộc xã Dục Tú, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh (khoảng 42,9ha) để làm cơ sở lập dự án đầu tư xây dựng trường Đại học Thủ đô (nâng cấp trên cơ sở lập dự án đầu tư xây dựng trường Đại học Thủ đô (nâng cấp trên cơ sở Trường Cao đẳng sư phạm Hà Nội) và trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Nội. 

Đang tổ chức lập Quy hoạch phân khu cụm trường Chúc Sơn khoảng 234ha). Hay như việc di dời các trụ sở bộ, ngành thành phố đã phối hợp với các bộ và cơ quan giới thiệu, bố trí đất phục vụ di dời cho 9 cơ quan, trong đó 7 cơ sở tiếp tục giữ lại làm trụ sở hoặc bàn giao cơ quan Trung ương quản lý; 2 cơ sở đã được chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng đất (đầu tư xây dựng dự án nhà ở văn phòng thương mại cao tầng).

Đánh giá về công tác di dời các cơ sở công nghiệp, UBND thành phố đã chủ trì thành lập Ban chỉ đạo công tác di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị. 

Qua đó đã xác định lộ trình đến năm 2020 di dời 117 cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành. 

Đã tổ chức phân nhóm theo tiêu chí thứ tự di dời; lộ trình di dời các cơ sở công nghiệp theo 4 giai đoạn: Giai đoạn 1 là, 4 quận nội thành như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng; Giai đoạn 2, di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường vừa không phù hợp với quy hoạch; Giai đoạn 3, di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường; Giai đoạn 4 di dời các cơ sở còn lại. 

Hiện đang xem xét 21 dự án thuộc diện di dời nhà máy ra khỏi khu vực nội thành, với diện tích chuyển mục đích sử dụng đất là 346.000m²; trong đó diện tích xây dựng nhà ở là 141.862m²; diện tích đất trường học là 39.136m²; diện tích đất hạ tầng kỹ thuật là 150.258m²; diện tích đất thương mại, dịch vụ là 11.238m². Thế nhưng với những gì đã thực hiện ở trên, đến nay việc di dời vẫn được nhận định là triển khai chậm và chưa đồng bộ.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên được đánh giá, một phần do công tác chỉ đạo, phối hợp điều hành giữa các cấp, các ngành có lúc, có nơi còn chưa quyết liệt; thiếu đồng bộ; chưa kịp thời do vậy hiệu quả chưa cao. 

Mặt khác, khối lượng các đồ án quy hoạch được đồng thời triển khai rất lớn, bên cạnh việc phải rà soát, khớp nối với các quy hoạch chuyên ngành khác làm chậm tiến độ thực hiện. 

Đồng thời, nguồn vốn thực hiện cho công tác di dời các cơ sở giáo dục y tế, cơ quan công nghiệp quá lớn do thiếu cơ chế, chính sách sử dụng quỹ đất của trụ sở sau khi di dời; hình thức huy động nguồn lực đầu tư; sự phối hợp các bên có liên quan...

Đặng Nhật
.
.
.