Đại tướng Võ Nguyên Giáp tròn 103 tuổi (25/8/1911-25/8/2013)

Sắt son trong hình bóng quê nhà

Thứ Bảy, 24/08/2013, 23:55
Những năm gần đây, cứ đến ngày sinh nhật Đại tướng Võ Nguyên Giáp,  người dân làng An Xá, Lộc Thuỷ, Lệ Thuỷ, Quảng Bình lại thường ngồi lại bên nhau kể chuyện về Đại tướng, người con ưu tú của làng.

Tôi về Lệ Thuỷ khi người dân ở quê nhà Đại tướng đang tất bật chuẩn bị cho lễ hội đua thuyền truyền thống mừng Quốc khánh 2/9 và sinh nhật Đại tướng. Nghe người làng kể chuyện những lần Đại tướng về thăm quê, ông giản dị đến từng nhà, hỏi thăm từng cháu nhỏ mà nước mắt chúng tôi cứ chực trào. Căn nhà cấp bốn nâng niu tuổi thơ của Đại tướng vẫn còn đây, đã lâu rồi do sức khoẻ yếu nên Đại tướng không về thăm quê, song cây khế, hàng cau và con đường làng vẫn như in dấu bước chân ông.

Thăm nhà Đại tướng bên dòng Kiến Giang

Nghe câu hò khoan Lệ Thuỷ "Anh đưa em về thăm quê em xứ Lệ, nơi giọng hò ru anh thời thơ trẻ, sông nước chan hòa ôm ấp tình quê bởi Kiến Giang xanh ôm mái tóc thề, ngày xa quê anh không hẹn lại về..." nhớ Đại tướng đến nao lòng. Những năm gần đây, sức khoẻ ông yếu nên chỉ thỉnh thoảng được thấy Đại tướng qua truyền hình mỗi dịp mừng sinh nhật Đại tướng. Vì thế, thành thói quen, cứ đến tối 24/8 hoặc 25/8, tôi lại thường trực trước chương trình thời sự để chờ đợi được nhìn Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến chúc mừng sinh nhật ông.

Con đường làng vào nhà lưu niệm Đại tướng được người làng quét dọn sạch sẽ, tinh tươm. Ngôi nhà lưu niệm Đại tướng với 3 gian nếp xưa nằm nép mình dưới những tán cây xanh. Hơn 30 năm qua, ngày ngày ông Võ Đại Hàm (người gọi Đại tướng bằng ông thúc bá) vẫn đều đặn thức khuya, dậy sớm nâng niu từng kỷ vật dưới ngôi nhà này. Bộ bàn ghế, chiếc giường, những bức ảnh... sau hàng chục năm vẫn vẹn nguyên bởi bàn tay chăm sóc tỉ mẩn của ông Hàm.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm bà Phạm Thị Nghèng (người trồng hơn 200 ha rừng).

Bên chiếc bàn đơn sơ ở nhà lưu niệm Đại tướng, ông Hàm kể, năm 1947, biết Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi làm cách mạng, giặc Pháp đốt cháy trụi ngôi nhà hơn 100 năm tuổi của gia đình ông Giáp. Năm 1977, ngôi nhà của Đại tướng mới được gia đình và chính quyền địa phương phục dựng nguyên trạng trên nền đất cũ. Lúc đầu, chính quyền địa phương có ý kiến xây dựng ngôi nhà khang trang nhưng Đại tướng không đồng ý. Sau đó, ngôi nhà gỗ 3 gian, 2 chái, lợp ngói theo nếp nhà truyền thống của vùng quê lúa Lệ Thủy kiểu xưa được phục dựng. Lúc làm nhà, địa phương muốn dùng gỗ lim nhưng Đại tướng kiên quyết không cho vì theo ông làm thế sẽ trở thành tiền lệ cho mọi người phá rừng dùng gỗ lim dựng nhà.

Theo ý Đại tướng, ngôi nhà chỉ làm gỗ vườn, sau đó ngôi nhà được làm bằng gỗ vườn trồng ở quê nhà Lệ Thuỷ. Ngôi nhà được lợp mái đơn sơ, dưới mái lợp thêm chái tranh làm cửa chống lên che mưa, che nắng. Gian chính giữa ngôi nhà đặt bàn thờ tổ tiên, trên bàn thờ treo di ảnh hai cụ thân sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Phía ngoài bàn thờ đặt chiếc bàn tiếp khách đơn sơ và gian bên cạnh là phòng ngủ có chiếc giường trải chiếu cói. Xung quanh kèo nhà treo một số ảnh của Đại tướng chụp chung với Bác Hồ và ảnh Đại tướng chụp chung với nhiều chiến sĩ. Những vật dụng gia đình ở nông thôn vùng lúa Lệ Thuỷ như cày, bừa, cuốc, xẻng, chum, vại... được sắp đặt ngăn nắp. Phía sau nhà Đại tướng có cây khế ngọt trĩu quả đã hơn 100 năm tuổi. Nhờ cây khế hơn 100 năm tuổi ấy, người ta đã xác định được vị trí chính xác để phục dựng ngôi nhà Đại tướng trên nền đất cũ.

Cơn gió nhẹ thoảng qua lay lay cành khế làm giăng mắc hoa tím rụng đầy cả lối đi. Lúc còn khỏe, mỗi lần về thăm nhà, Đại tướng vẫn thường ngắm cây khế với nhiều ký ức trong vắt tuổi thơ. Dưới tán gốc khế này, thửa thiếu thời, Đại tướng thường ngồi học bài và cùng bạn bè đồng lứa vui chơi đánh khăng, đánh đáo....

Thuỷ chung trong hình bóng quê nhà

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, có hai vấn đề xuyên suốt tư tưởng và hành động của Đại tướng qua đôi câu nói mà Bác Hồ từng căn dặn: “Chú Văn ạ! Làm cách mạng phải dĩ công vi thưởng” và “có dân là có tất cả”. Thấm nhuần lời dạy của Bác, suốt cả cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp không hề thấy bóng dáng tư lợi, nhân cách của Đại tướng trong sáng, giản dị đến cao thượng.

Nhà lưu niệm Đại tướng ở Lệ Thuỷ, Quảng Bình.

Ông Võ Đại Hàm kể rằng, lúc còn khoẻ, mỗi lần về thăm quê, thăm nhà, Đại tướng Võ Nguyễn Giáp thường xuống xe đi bộ từ đầu làng. Ông hỏi thăm từng người già, ôm hôn các cháu nhỏ. Rồi Đại tướng ra nghĩa địa thắp hương cho tổ tiên, ông đứng lặng rất lâu trước từng ngôi mộ. Có lẽ cả cuộc đời theo nghiệp nhà binh, vì việc công, việc nước nên không có điều kiện ở gần người thân, chăm sóc người thân nên Đại tướng thường trầm tư khi nhắc đến người thân đã khuất. Nhiều lần Đại tướng lau nước mắt bên mộ mẹ, cha, ông đứng nhìn cho tàn hương bay bay trong gió. Sau đó Đại tướng về nhà, ông hỏi thăm người già trong làng ai còn, ai mất. Đại tướng hỏi từng người làm bao nhiêu sào ruộng?  Năm được bao nhiêu thóc? Trẻ con trong làng có thường ra tắm sông Kiến Giang nữa không?...Lúc này trông Đại tướng như ông già mẫu mực của làng ngồi kể chuyện với con cháu.

Lệ Thuỷ là vùng quê chiêm trũng thường bị lũ lụt gây thiệt hại hằng năm, vì vậy sau mỗi lần bão lũ, Đại tướng lại gọi điện về quê hỏi thăm “Bà con, làng xóm, quê hương thế nào, có bị thiệt hại chi không? Nhà mình có sao không, cây cối trong vườn, đặc biệt là cây khế có bị đổ không?”....Đại tướng căn dặn mọi người sống hòa thuận, chăm chỉ làm ăn, gắng sức xây dựng quê hương giàu đẹp. Trải qua bao năm tháng sống xa quê lo việc nước, nhưng Đại tướng vẫn nhớ như in những kỷ niệm tuổi thơ bên dòng Kiến Giang. Trong ký ức của vị tướng huyền thoại luôn đầy ắp hình ảnh dòng Kiến Giang trong xanh, hiền hòa cùng làn điệu hò khoan Lệ Thủy, Quảng Bình. Với ông đó là một phần máu thịt quê hương.

Về quê hương Lệ Thuỷ, người dân vẫn kể lại câu chuyện hết sức xúc động về Đại tướng. Năm 1983, gia đình Đại tướng đưa phần mộ cụ Võ Quang Nghiêm-thân sinh Đại tướng từ Huế về Lệ Thuỷ, Quảng Bình. Trong khu vực nghĩa trang của huyện có khu đất dành để an táng các anh hùng, khi an táng cụ thân sinh của Đại tướng, nhân dân và chính quyền địa phương muốn đưa phần mộ cụ Nghiêm vào khu đất đó, nhưng Đại tướng dứt khoát "Ba tôi là liệt sĩ, phải đặt đúng chỗ chứ". Sau đó 10 năm, phần mộ mẹ của Đại tướng cũng được đưa về quê hương, chính quyền địa phương lại muốn đưa phần mộ của bà vào nghĩa trang để an táng gần cụ ông, Đại tướng không chịu "Mẹ tôi không phải là liệt sĩ nên không thể an táng trong nghĩa trang. Chuyện này để gia đình tôi tự lo".

Trong một lần về thăm quê hương Quảng Bình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến thăm mẹ Phạm Thị Nghèng (người trồng được hơn 200 ha rừng phòng hộ để che sóng chắn cát). Nhìn cánh rừng che sóng, chắn cát bạt ngàn, Đại tướng xúc động “Quảng Bình cát trắng, gió nhiều nếu ai cũng làm được như mẹ Nghèng thì tốt biết mấy. Dù không biên chế, không hưởng lương nhưng mẹ Nghèng đã bỏ ra hơn 40 năm trồng cây chắn cát. Nếu không có những cuộc chiến tranh và không trở thành một vị tướng cầm quân, tôi rất muốn được làm một người trồng rừng chống cát cho quê hương mình như mẹ Nghèng”.

Mỗi khi nhắc đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Võ Đại Hàm lại cảm động: "Cả cuộc đời cụ đi đánh giặc, lo cho dân cho nước, đọc đủ các loại sách, công việc bận rộn thế, nhưng khi còn khỏe mỗi lần về thăm quê, hoặc có con cháu ra thăm cụ nhớ hết kỷ niệm, kỷ vật ở quê, ở nhà. Cụ nhớ trên bàn thờ gia đình lư hương làm bằng gì, đặt ở vị trí nào, trong nhà chiếc bàn, chiếc ghế đặt ra sao…".

Rời nhà Đại tướng, tôi ra bờ sông Kiến Giang nhìn dòng nước lững lờ trôi lại chợt nhớ đến hình ảnh giản dị của Đại tướng mỗi lần ông về thăm quê

Dương Sông Lam

.
.
.