"Sào ruộng khuyến học" ở một xã nghèo

Thứ Năm, 24/09/2009, 09:12
Người dân trên khắp miền quê Quảng Trị biết đến xã Hải Thiện (Hải Lăng) như một vùng quê độc đáo, "có một không hai". Độc đáo không chỉ bởi đây là xã được thành lập từ một làng duy nhất, mà còn độc đáo bởi mô hình quỹ khuyến học hiếm thấy: cho mượn ruộng vào đại học!

Sào ruộng tiếp sức đến trường

Những ngày đầu năm học mới, trụ sở UBND xã Hải Thiện lại rộn ràng không khí phấn khởi của những tân sinh viên cùng phụ huynh đến kí giấy nhận... ruộng vào đại học. Cầm trên tay giấy chứng nhận quyền sở hữu một sào ruộng, là phần thưởng của cậu út Lê Thanh Quang, vừa đỗ vào Đại học Ngân hàng TP HCM, ông Lê Khiếm hồ hởi: "Phần thưởng này không chỉ tạo điều kiện cho vợ chồng tui canh tác, kiếm thêm tiền nuôi con ăn học. Đó còn là niềm tự hào của gia đình với bà con lối xóm, họ hàng".

Quỹ học điền được chính quyền xã Hải Thiện thành lập vào đầu năm học 2004. Quỹ dùng hỗ trợ cho những tân sinh viên đỗ đại học chính quy, lần thi thứ nhất, mỗi suất được 1 sào ruộng tốt. Đến cuối khóa học, sào ruộng ấy sẽ được xã thu lại, tiếp tục cấp cho những tân sinh viên khác. Trong 5 năm qua, đã có 43 sinh viên của xã được nhận "Ruộng tiếp sức đến trường", trong đó hơn 10 sinh viên đã ra trường, có công ăn việc làm ổn định.

Ngoài ra, xã còn xây dựng quỹ khuyến học với trên 50 triệu tiền mặt; chưa kể tùy theo điều kiện kinh tế mà mỗi họ tộc lập quỹ khuyến học riêng. Ông Lê Văn Cường, Trưởng tộc Lê - Hội chủ làng Câu Hoan tự hào: "Phong trào quỹ khuyến học của làng Câu Hoan làm tốt vậy đó. Con cháu trong làng, trong họ ngày càng có trình độ cao, đời sống văn hóa của bà con được nâng cao hơn nhiều rồi".

Ông Lê Xuân Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Thiện tự hào cho biết: "Đối với người dân ở làng quê thuần nông nghiệp như Câu Hoan, quỹ học điền là niềm động viên lớn, phần thưởng đầy tự hào của con em sau những nỗ lực miệt mài đèn sách. Đồng thời thể hiện nghĩa tình nơi nghèo khó này. Hàng năm xã chọn ngày khuyến học toàn quốc (2-10) để tổ chức lễ trao thưởng cho học sinh giỏi trên địa bàn, và bàn giao ruộng cho những gia đình có con thi đỗ đại học...".

Tự hào truyền thống hiếu học

Năm 1306, vua Chiêm dâng đất hai châu Ô, Rí làm sính lễ cưới Huyền Trân Công chúa nhà Trần. Biên giới Đại Việt mở rộng thêm hai xứ từ đó. Thời nhà Hồ (1400- 1406), chính sách di dân được xúc tiến, nhằm tạo vững chắc cho "phên dậu" phía Nam Tổ quốc. Thời điểm này, nhiều làng xã được dựng lên ở vùng đất châu Ô, trong đó có làng Câu Hoan.

Từ buổi đầu khai canh lập làng, Câu Hoan có địa thế thấp trũng, mang dáng dấp của một vùng đầm phá chưa được bồi đắp. Cuộc sống của người dân vì thế còn gặp nhiều khó khăn. Bằng nghị lực phi thường và tinh thần lao động sáng tạo, người dân làng Câu Hoan qua bao thế hệ đã đồng lòng, chung sức xây dựng cuộc sống ấm no, làng quê trù phú...

Vừa chăm lo việc học hành của con trẻ, làng Câu Hoan còn đặt ra những qui chế khuyến khích việc phổ cập giáo dục tiểu học cho con em mình. Dù là làng quê thuần nông nghiệp, nhưng rất trọng sĩ. Hàng năm, lệ làng đều mở những cuộc khao vọng linh đình, và tặng thưởng xứng đáng cho những con em thi cử đỗ đạt...

Nhờ sự khuyến khích kịp thời đó, thời khoa cử, làng Câu Hoan đã có 107 vị có học hành đỗ đạt, được đảm nhận các chức vụ cao thấp khác nhau... Đó là tài sản văn hóa vô cùng quý giá mà các thế hệ của làng Câu Hoan hôm nay được thừa hưởng từ cha ông và đang tiếp tục phát huy

Nằm ở vị trí trung tâm huyện Hải Lăng, làng Câu Hoan (nay là xã Hải Thiện) cách huyện lỵ khoảng 3km, và Thành cổ Quảng Trị về phía Đông Nam khoảng 6km theo đường chim bay. Phía Đông Bắc có con sông Vĩnh Định "vắt" ngang qua làng, suốt bao đời tưới tắm, bồi đắp phù sa cho ruộng đồng.

Phan Vĩnh Yên
.
.
.