Sản xuất xi măng: Gây hại môi trường, tàn phá di tích

Thứ Bảy, 16/09/2006, 08:26

Ảnh hưởng bởi việc phá đá sản xuất xi măng, nền sân Đền Đức Thánh Cả bị rạn nứt kéo dài tới 40m, Trung Cung của đền cũng bị nhiều vết nứt toác rất nguy hiểm. Trước nguy cơ sập đền, nhân dân thôn Hữu Vĩnh đã phải đầu tư 1,5 tỉ đồng để xây kè chống sạt lở khu vực đền.

Hai nhà máy ximăng với công nghệ lạc hậu đang ngày đêm phủ khói bụi xuống khu vực xã Hồng Quang (huyện Ứng Hòa, Hà Tây). Khói bụi còn bay sang tận chùa Hương cách đó không xa. Khói bụi làm cả khu vực thôn Hữu Vĩnh không còn tiếng chim hót, không còn loại cây trái gì ra hoa kết quả và không còn loại côn trùng nào sống được trừ... con người.

Thảm cảnh ở thôn Hữu Vĩnh

Nằm trên địa bàn xã Hồng Quang (huyện Ứng Hòa, Hà Tây) thì Hữu Vĩnh là thôn chịu ảnh hưởng của khói bụi Nhà máy Ximăng Tiên Sơn hơn cả. Toàn thôn có hơn 400 hộ dân với khoảng gần 2.000 dân thì mấy năm qua đã có khoảng 20 người chết vì các bệnh ung thư gan, ung thư phổi, ung thư vòm họng... Mới đây nhất là anh Đào Văn Quyền, trú tại xóm 1, bị ung thư phổi, do không có tiền chạy chữa nên đã chết.

Theo trưởng thôn Trần Anh Thì, người lớn, trẻ con ở Hữu Vinh hầu như ai cũng mắc các bệnh về đường hô hấp. Vài năm trở lại đây, con số người dân mắc bệnh lại càng tăng lên. Do mắc bệnhh, lại đa phần dân nghèo, không có điều kiện di chuyển nơi cư trú hay chữa bệnh nên đến lượt ai thì người ấy “ra đi” thôi.

Bên cạnh chuyện hai nhà máy ximăng ngày đêm tỏa khói gây ô nhiễm một vùng rộng lớn, Hữu Vĩnh còn quằn quại dưới sự khai thác vô tội vạ của các chủ khai thác đá. Những năm trước, người dân trong khu vực các xã lân cận đều xuống đây khai thác lấy đá về xây nhà bằng các phương pháp thủ công, còn bây giờ họ sử dụng thuốc nổ. Mỗi lần họ nổ mìn, chỉ thấy cả thôn rung chuyển, khói bụi mù mịt, tiếng trẻ con khóc ré lên. Hơn thế, việc lấy đá còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới một di tích lịch sử được xếp hạng quốc gia, đó là Đền Đức Thánh Cả.

Đền Đức Thánh Cả (Hữu Vĩnh, Hồng Quang) nằm gần dãy núi đá vôi thuộc xã Tân Sơn, Kim Bảng, Hà Nam. Đền ngự bên tả ngạn sông Đáy, tựa lưng vào dãy Hàm Long trùng điệp. Từ năm 2001 đến nay, xã Tân Sơn cho một chủ tư nhân tên Nguyễn Thị Mỹ làm chủ thầu khai thác đá. Họ đã dùng máy móc khoan sâu vào lòng núi, nổ mìn khối lượng thuốc nổ khá lớn gây chấn động khắp vùng, đặc biệt là khu vực Đức Thánh Cả. Mấy năm qua, nền sân đền bị rạn nứt kéo dài tới 40m, Trung Cung của đền cũng bị nhiều vết nứt toác rất nguy hiểm. Trước nguy cơ sập đền, nhân dân thôn Hữu Vĩnh đã phải đầu tư 1,5 tỉ đồng để xây kè chống sạt lở khu vực đền.

Vẫn theo ông Trần Anh Thì, trên địa bàn thôn Hữu Vĩnh - nằm sát sông Đáy và ngay trong khu dân cư hiện còn tồn tại một kho chứa mìn của Nhà máy Ximăng Tiên Sơn dùng để phá đá khai thác nguyên liệu. Nhân dân thôn Hữu Vinh nhiều lần kiến nghị Ban giám đốc Công ty Ximăng Tiên Sơn di chuyển cái kho “bom hẹn giờ” ở đó ra nơi an toàn cho dân cư, song chưa thấy hồi âm.

Tại anh, tại ả...?

Trước thực trạng Nhà máy Ximăng Tiên Sơn sản xuất - kinh doanh gây ô nhiễm môi trường xã Hồng Quang, huyện Ứng Hòa và khu di tích Hương Sơn, chúng tôi đã tìm gặp ông Nguyễn Thế Nhậm - Chủ tịch HĐQT- Giám đốc Công ty Ximăng Tiên Sơn.

Theo ông Nhậm cho biết Công ty Ximăng Tiên Sơn được thành lập từ năm 1993 theo dây chuyền lò đứng của Trung Quốc với công suất 60.000 tấn/năm theo quyết định của UBND tỉnh Hà Tây.

Chúng tôi đặt vấn đề rằng nhiều nhà máy ximăng lò đứng ở khu bán đảo Kinh Môn (Hải Dương) đã áp dụng các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường bằng cách triển khai hệ thống lọc bụi trước khi đưa ra ngoài môi trường, song Tiên Sơn vì sao lại chưa lắp. Câu trả lời là nhà máy hiện đang tập trung chuyển đổi dây chuyền từ lò đứng sang lò quay với kinh phí rất lớn nên chưa thể lắp dây chuyền lọc bụi. Vẫn theo ông Nhậm, phải đến khoảng năm 2008-2009 thì dây chuyền lò quay mới hoàn thành.

Nguồn nước ở nhà máy ximăng này thải ra cũng là một vấn đề gây nhiều bức xúc và bệnh tật cho nguời dân ở đây. Nếu trước đây chỉ có một mình Công ty Ximăng Tiên Sơn xả nước thải ra sông Đáy tại khu vực Hương Sơn và xã Hồng Quang thì đến nay lại thêm nhà máy của Công ty Ximăng Tân Phú Xuân.

Nhà máy ximăng này được UBND tỉnh Hà Nam cho phép một công ty tư nhân đứng ra khai thác đá và sản xuất ximăng để phục vụ nhu cầu sản xuất của bà con ở huyện Kim Bảng. Nhà máy ximăng này cũng hoạt động theo tiêu chuẩn khai thác đá trên địa bàn tỉnh Hà Nam, trong khi đó Công ty Ximăng Tiên Sơn cũng sử dụng nguồn nguyên liệu từ địa phần này vì thế việc quản lý hoạt động và sản xuất của nhà máy này trở nên chồng chéo.

Điều đáng buồn là người dân càng ngày càng phải chịu thêm những cảnh ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do khói lò, chất thải từ nguồn nước trong khi đó doanh nghiệp vẫn cứ thờ ơ theo kiểu “sống chết mặc bay”.

Để có những thông tin đầy đủ hơn về tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực Hương Sơn và xã Hồng Quang, chúng tôi đã có buổi làm việc với Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Hà Tây. Theo bà Đào Anh Điệp - Phó trưởng phòng Môi trường của Sở cho biết, hiện nay Sở vẫn chưa có một kết quả khảo sát chính thức nào cho hiện trạng môi trường.

Bà Điệp cho biết, theo kết quả kiểm tra năm 2003, chỉ tiêu bụi thải ra ngoài môi trường của Công ty Ximăng Tiên Sơn là vượt chỉ tiêu cho phép. Sở đã làm công văn đề nghị các bên liên quan có hành động nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường và thanh kiểm tra thường xuyên. Tuy nhiên, kết quả thì chưa rõ vì mỗi năm Sở lại kiểm tra một nhà máy khác nhau.

Việc xã Tân Sơn cho tư nhân khai thác đá, thôn Hữu Vĩnh đã nhiều lần đề nghị các cấp giải quyết nhưng đều không có hiệu quả. Năm 2002, UBND tỉnh Hà Tây đã tổ chức hội nghị đại biểu ủy ban hai tỉnh Hà Nam - Hà Tây. Đại biểu hai huyện Ứng Hòa - Kim Bảng và hai xã Hồng Quang - Tân Sơn đã thống nhất nghị quyết chống nổ mìn gây hư hại di tích lịch sử văn hóa đền Đức Thánh Cả. Song việc nổ mìn cho đến nay vẫn tiếp diễn

Minh Tiến - Mai Phương
.
.
.