Săn Sâm Ngọc Linh rừng, dễ mua phải tam thất
- Theo dấu sâm Ngọc Linh: Chuyện kể trước cửa rừng cấm
- Theo dấu sâm Ngọc Linh: Chuyện kể từ “thị trấn vàng”1
- Triển khai đề án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh
Sâm Ngọc Linh trong rừng sâu
Không ai nghi ngờ về giá trị đích thực của cây sâm Ngọc Linh, với tên khoa học: Panax vietnamensis là một loài cây thuộc họ cam tùng (Araliaceae), sâm Việt Nam đích thực có cấu hình như đốt trúc (trúc tiết nhân sâm). Đây được xem là một loài thuốc quý hiếm có nguồn gốc ở vùng núi cao phía bắc Tây Nguyên, mọc tự nhiên chủ yếu trên dãy núi cao Ngọc Linh.
Tác giả bên vườn sâm Ngọc Linh. |
Loại sâm quý này được tìm thấy ban đầu tại miền Trung Trung Bộ của Việt Nam, mọc tập trung ở các huyện miền núi Ngọc Linh thuộc huyện Đắk Tô (tỉnh Kon Tum), huyện Trà My (tỉnh Quảng Nam). Sâm Ngọc Linh thường mọc dày thành đám dưới tán rừng ở độ cao từ 1.200-2.100m so với mực nước biển...
Mang tiếng ở Tây Nguyên hơn 20 năm, nghe loài sâm quý nhưng chưa bao giờ tận mắt nhìn thấy. Cho đến một hôm có anh bạn làm nghề rừng rủ đi lên đỉnh Ngọc Linh tìm sâm quý. Khăn gói lên rừng hơn 2 ngày lùng sục tìm sâm quý tự nhiên trên đỉnh Ngọc Linh mà chẳng thấy một bóng dáng nào của sâm.
Không còn cách nào khác, chúng tôi đã tìm đến vườn sâm trồng của Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum trên đỉnh núi Ngọc Linh. Để đến được vườn sâm, anh em chúng tôi tất tả đến chân núi Ngọc Linh mất cả ngày trời. Rồi từ chân núi, dùng gậy chống đỡ lọ mọ từng bước chân hơn cả ngày trời lên rừng.
Đêm về đến đỉnh Ngọc Linh ở độ cao hơn 2.600m so với mực nước biển, cái lạnh quanh quấn da thịt. Già làng người dân tộc Xê Đăng vít cần rượu kể về dãy núi Ngọc Linh huyền thoại. Nơi đây vẫn còn say đắm bao khúc tình ca giao duyên dạt dào tình cảm, xao xuyến lòng người.
Lên đỉnh Ngọc Linh chúng tôi mới cảm nhận được sự quý giá dường nào của rừng và thấu hiểu, nếu không có rừng thì đỉnh Ngọc Linh chắc chắn sẽ không có sự sống của những vườn sâm. Như tình cảm của người dân nơi đây bày tỏ và yêu quý rừng hơn chính bản thân họ. Bởi chính rừng mang lại một sự sống bình yên, yên lành cho con người...
Anh Nguyễn Đình Hồng, người được giao nhiệm vụ cùng với bà con đồng bào Xê Đăng ở đây trồng, chăm sóc, bảo vệ vườn sâm Ngọc Linh chia sẻ, để tạo dựng được vườn sâm trồng rất khó khăn. Cái khó khăn lớn nhất là làm sao để phát triển được cây giống mà nhân rộng vườn sâm. Tỉnh Kon Tum có 2 khu vực hình thành phát triển sâm Ngọc Linh trồng ở Đắk Tô và Tu Mơ Rông nhưng mới ở giai đoạn thể nghiệm là chủ yếu. Bài toán để mở rộng cây sâm Ngọc Linh thành nguồn thu lợi kinh tế cao cho địa phương còn nhiều việc phải làm.
Hàng giả đe dọa sâm Ngọc Linh Kon Tum
Thực tế sâm Ngọc Linh tự nhiên không còn tìm thấy như trước kia, sâm Ngọc Linh trồng thì chưa thu hoạch để bán mà chủ yếu là thử nghiệm... nhưng khắp nơi lại rao bán “sâm Ngọc Linh”.
Nhiều người mua không hiểu về sâm Ngọc Linh đã bị “hút hồn” vào ma trận sâm giả bởi những loại củ giống như sâm Ngọc Linh được đưa từ vùng núi phía Bắc vào Kon Tum rồi lấy mác “sâm Ngọc Linh” trung chuyển khắp nơi để bán, làm quà tặng...
Thực tế không có sâm Ngọc Linh thật như những đối tượng bán hàng giới thiệu mà chỉ là loại củ tam thất trồng ở vùng núi phía Bắc. Có người còn “bật mí” loại củ này được đưa từ nước ngoài về giả sâm Ngọc Linh để bán. Giống như khoai tây, cà rốt... nhập từ Trung Quốc về, rồi tung lên Đà Lạt để “biến” thành sản phẩm Đà Lạt và đưa đi các tỉnh khác tiêu thụ. Để lừa người mua, những kẻ bán củ giả sâm Ngọc Linh còn lợi dụng người dân tộc thiểu số mang hàng đi bán, hay lấy củ giả trồng ở đất vùng sâm Kon Tum một thời gian rồi nhổ lên đi bán.
Thiếu tướng Lê Duy Hải - nguyên Giám đốc Công an tỉnh Kon Tum rất bức xúc về chuyện sâm giả lừa khách hàng đã làm ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu nên khi đang làm Giám đốc Công an tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo điều tra xử lý những kẻ lừa đảo.
Quá trình điều tra, Công an tỉnh Kon Tum đã từng phát hiện một đường dây tiêu thụ sâm Ngọc Linh giả. Từ đối tượng bán sâm giả là Nguyễn Đình Ký ở Măng Đen, Kon Plông, Kon Tum, cơ quan Công an đã lần ra đường dây cung cấp sâm giả của bà Nga ở Kon Tum và do một phụ nữ tên Bình ở phía Bắc đưa hàng vào Kon Tum nhằm lừa khách hàng...
Sâm Ngọc Linh tự nhiên giá hàng trăm triệu đồng/kg nhưng thực tế vẫn không tìm thấy. Có “đại gia” đặt hàng, nếu tìm có sâm Ngọc Linh tự nhiên thật thì 300 triệu đồng/kg vẫn mua nhưng quả thật là hiện tại không có. Hiện, ở Kon Tum hay Quảng Nam chỉ có sâm Ngọc Linh trồng nhưng chưa đến thời gian thu hoạch và củ còn rất nhỏ, chất lượng không thể so sánh được với sâm tự nhiên hàng trăm năm tuổi.
Theo lãnh đạo Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum, đứng trước thực trạng sâm Ngọc Linh bị tuyệt chủng nên họ đã nghĩ đến việc giữ nguồn giống sâm quý. Đúc kết quy luật tự nhiên của cây sâm Ngọc Linh chỉ có thể sống và phát triển được ở những khu rừng sinh thái tự nhiên như trên đỉnh núi Ngọc Linh nên từ những năm 1998 - 1999, họ bắt đầu nghĩ đến việc mua gom lại sâm Ngọc Linh của người dân đào được đem về rừng để trồng thể nghiệm lấy giống.
Từ những cây sâm Ngọc Linh đầu tiên đầy mồ hôi và nước mắt, sau hơn chục năm trời đã có cả rừng sâm hàng trăm hecta phát triển trong môi trường tự nhiên...
Ước mơ làm giàu từ sâm Ngọc Linh như đã mở ra từ nhiều năm qua với Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum nhưng thực sự đến giờ vẫn còn mờ mịt vì sâm giả tràn lan và đang giết chết sâm thật.
Ông Đào Xuân Quý, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, từng có thời gian đi kiểm tra và khảo sát vùng sâm Ngọc Linh với chúng tôi tâm đắc với dự án bảo vệ hơn 5.000ha rừng ở dãy Ngọc Linh để trồng sâm Ngọc Linh. Và chỉ khi nào giữ được rừng già nguyên sinh ở độ cao như đỉnh Ngọc Linh thì sâm mới phát triển được.
Theo báo cáo, đến nay, toàn huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) đã phát triển được khoảng gần 180ha sâm Ngọc Linh, trong đó, nhân dân tự trồng khoảng 2ha, còn lại chủ yếu của doanh nghiệp. Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, mở rộng diện tích sâm Ngọc Linh toàn huyện khoảng 500ha. Huyện Tu Mơ Rông đề xuất xây dựng đề án bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh; phối hợp với các bộ, ngành xây dựng sản phẩm thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum thành thương hiệu quốc gia; Chính phủ có chính sách đặc thù thu hút đầu tư, mở rộng diện tích sâm Ngọc Linh... |