Rừng phòng hộ ven biển: Nguy cơ cạn kiệt
Theo đó, ngày 8/9/1980, UBND thị xã Tuy Hòa - nay là TP Tuy Hòa ban hành Quyết định 104/QĐ-UB giao 666ha rừng phi lao và đất rừng cho hai Hợp tác xã (HTX) sản xuất nông nghiệp Bình Kiến 5, Bình Kiến 6 - nay là HTX nông nghiệp kinh doanh tổng hợp 2 (NN-KDTH), phường 9 đảm nhiệm quản lý trồng rừng.
Theo Chủ nhiệm Trần Đình Quang cho biết, những năm đầu ngay sau khi nhận rừng và đất rừng, HTX đã huy động nhân lực trồng mới 370ha rừng phi lao trên đất trống, đồi cát, đồng thời triển khai phương án chăm sóc, kết hợp trồng dặm bổ sung trên diện tích 296ha rừng phi lao còn thưa thớt…
Theo đó, cánh rừng phòng hộ ven biển Tuy Hòa thật sự có ý nghĩa quan trọng khi "lá chắn" xanh này không chỉ tạo nên cảnh quan, môi trường sinh thái ở phía đông thành phố, mà còn khống chế tình trạng xâm thực. Tiếc rằng trong những năm gần đây, hàng triệu cây phi lao có độ tuổi trên dưới 30 năm đang đối mặt với nguy cơ cạn kiệt trước tốc độ đô thị hóa đang "nóng" dần lên bởi nhu cầu xây dựng các cơ quan công sở, trường học và nhà ở của người dân.
Xe ô tô khai thác cát trái phép ở rừng phi lao ven biển TP Tuy Hòa. Ảnh: H.T.. |
Trong chuyến đi tìm hiểu thực tế ven tuyến đường Độc Lập, Hùng Vương thuộc địa phận phường 9 và xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa, chúng tôi tận mắt chứng kiến nạn khai thác cát trái phép diễn ra công khai trong rừng phòng hộ ven biển. Nhiều hố sâu do những nhóm người đào xúc cát khoét dần vào chân nền rừng cây, để lộ nhiều bộ rễ những cây phi lao chông chênh bên bờ vực sắp đổ ngã.
Cây đổ ngã tới đâu, "cát tặc" có cơ hội lộng hành tới đó. Cứ thế rừng phòng hộ bị "gặm" nát dần với diện tích không nhỏ sau mỗi mùa xây dựng, khiến cho loài cây có sức bền bỉ chống chọi nắng gió cũng bị "hạ gục" bởi những nhóm người khai thác cát.
Một cán bộ HTX NN-KDTH 2 cho biết, chính quyền phường 9 và xã Bình Kiến nhiều lần lập biên bản hành vi vi phạm của một số đối tượng khai thác cát trái phép, nhưng tình trạng xâm hại tài nguyên rừng và đất rừng vẫn tái diễn, trong khi HTX không đủ nhân lực và chức năng thẩm quyền để đấu tranh ngăn chặn.
Nhìn những dấu vết xe ôtô dẫn vào những hố cát loang lổ ven đường, nhiều người không hiểu nổi vì sao nạn khai thác cát bừa bãi, hoạt động công khai giữa ban ngày, nhưng các cơ quan chức trách và chính quyền địa phương không có biện pháp ngăn chặn triệt để?
Một người dân ở phường 9 tiết lộ, ngoài chuyện "cát tặc" lộng hành còn có đội quân săn lùng cây cảnh xâm nhập rừng phòng hộ. Hầu hết họ là cánh thanh niên ở địa phương đi tìm kiếm, chặt phá và đào bới những gốc cây phi lao có dáng dấp đẹp chở về nhà trồng kiểng bonsai.
Có thể nói trong những năm gần đây, diện tích rừng phòng hộ ven biển Tuy Hòa đang dần thu hẹp lại, vì đã có hàng chục hécta phi lao bị chặt hạ để nhường chỗ xây dựng hàng loạt công trình như Khu công nghiệp An Phú, Trung tâm điều dưỡng - phục hồi chức năng nông dân các dân tộc miền Trung - Tây Nguyên, Trường Trung học dân lập Duy Tân, Trung tâm Kỹ thuật giống cây trồng - vật nuôi, khu giải trí Phù Đổng, Tỉnh đoàn Phú Yên, Trường Đại học Phú Yên, khu bãi rác của Công ty Phát triển nhà và công trình đô thị Tuy Hòa, Trường Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa…
Theo thống kê của HTX NN-KDTH 2 - phường 9, đến thời điểm này rừng phòng hộ chỉ còn 303ha. Con số này sẽ còn thu hẹp rất nhiều vì một số dự án đã được thỏa thuận địa điểm đầu tư xây dựng.
Biến đổi khí hậu đang trở thành nỗi lo chung của toàn cầu, đặc biệt theo dự báo của Liên hợp quốc, Việt
Chính vì vậy phương án bảo vệ rừng phòng hộ ven biển cần được tỉnh Phú Yên hoạch định và triển khai bằng nhiều biện pháp khi chưa quá muộn!