Rừng Sơn Hòa bị tàn phá

Thứ Hai, 05/09/2011, 17:00
Khi giá cả một số mặt hàng nông sản tăng cao, nhu cầu đất sản xuất trở nên cấp thiết với nhiều gia đình nông dân, thì nạn phá rừng lấy đất làm nương rẫy bùng phát thành cơn sốt ở huyện miền núi Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên.

Cơn sốt đó không chỉ xâm hại nhiều diện tích đất lâm nghiệp có thể khoanh nuôi, tái sinh rừng tự nhiên, mà “lâm tặc” còn đốn hạ hàng loạt cây gỗ, phát dọn, đốt cháy nhiều vạt rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn…

106 ha rừng biến thành… nương rẫy

Trong 8 tháng qua Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Hòa và Ban quản lý rừng đặc dụng (BQL RĐD) Krông Trai đã phát hiện, lập biên bản 319 vụ vi phạm lâm luật, trong đó có 52 vụ vận chuyển lâm sản trái phép, 259 vụ phá rừng làm nương rẫy gây thiệt hại 106 ha rừng. Điều đáng lo ngại là trong số các vụ vi phạm nêu trên có tới 245 vụ xâm hại RĐD Krông Trai gây thiệt hại 77,6 ha. Đó là những con số chưa đầy đủ, bởi lẽ còn nhiều diện tích rừng bị tàn phá chưa được phát hiện.

Tại một cuộc họp các vấn đề cấp bách bảo vệ rừng giữa tháng 8/2011, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa thừa nhận rằng “một số khu vực rừng vẫn đang bị tàn phá nghiêm trọng, đặc biệt là RĐD Krông Trai, trong khi đó hiệu quả hoạt động bảo vệ rừng của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương còn thấp kém”. Vụ phá rừng nghiêm trọng nhất khởi phát tại tiểu khu 220 ở xã Suối Trai từ giữa tháng ba. UBND xã Suối Trai và Trạm kiểm lâm Thống Nhất phát hiện ông Nguyễn Thái Đắc, 36 tuổi, trú khu phố Tây Hòa, thị trấn Củng Sơn huy động nhân công dựng lán trại, phát dọn, đốt phá một vạt rừng, nhưng không có biện pháp ngăn chặn. Đến ngày 21/4, ông Đắc dọn trắng 53.000m2 rừng, trong đó có 17.000m2 đã gieo trồng mè.

Biên bản lần thứ hai được lập, một lần nữa chính quyền thiếu kiên quyết xử lý, nên khi UBND xã Suối Trai và Trạm kiểm lâm Thống Nhất trở lại hiện trường ngày 25/6, thì một bất ngờ nữa xảy ra. Ông Đắc không chỉ đốt dọn 36.000m2 rừng còn lại để trồng mì và dưa lấy hạt, mà còn tiếp tục đốn hạ thêm 225.000m2 rừng nữa, nâng tổng diện tích rừng bị tàn phá lên tới 278.000m2 (27,8ha).

Đến lúc đó, UBND huyện Sơn Hòa vẫn còn lúng túng trong việc xác định “chủ nhân” lâm phần đó. Sau nhiều lần kiểm tra thực địa với sự trợ giúp của Trung tâm quy hoạch thiết kế nông nghiệp – phát triển nông thôn Phú Yên mới xác định trách nhiệm của Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Hòa và UBND xã Suối Trai.

Những vạt rừng ở dốc Đá, xã Sơn Định bị đốn hạ, đốt cháy ngổn ngang.

Rừng vẫn bị tàn phá

Trước nạn phá rừng lộng hành ở Sơn Hòa, ông Lê Văn Trúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã kiểm tra thực tế và chỉ đạo đấu tranh ngăn chặn, nhưng đến nay nạn phá rừng vẫn tái diễn. Sau nhiều ngày tiếp cận một số địa bàn ở huyện Sơn Hòa, chúng tôi tận mắt nhìn thấy những vạt rừng bị tàn phá ngổn ngang. Tại tiểu khu 184, 185 ở xã Sơn Phước, bốn vạt rừng nằm giữa vùng đệm và vùng bảo vệ nghiêm ngặt RĐD Krông Trai bị phát dọn tan hoang, nhưng nhiều ngày sau đó chủ rừng mới biết được khi Cảnh sát môi trường đề nghị phối hợp, đo đếm diện tích thiệt hại 1,4 ha. Hơn 4 tháng đầu năm nay, tại xã Sơn Định có 14,5ha rừng bị phát trắng, trong đó có 4,5 ha rừng phòng hộ, đó là chưa tính đến diện tích rừng bị tàn phá trong ba tháng gần đây.

Trưa 30/8 chúng tôi đến dốc Đá, thôn Hòa Bình khi nhiều vạt rừng ở dốc Đá bị phát dọn, đốt sạch. Cạnh đó là vài vạt rừng khác vừa đốn hạ bằng máy cưa lốc, trong đó có nhiều cây gỗ đường kính 10 -60 cm. Xót xa trước thực tế đó, sau buổi làm việc với ông Nguyễn Thanh Tân - Chủ tịch UBND xã Sơn Định, chúng tôi mời cán bộ địa chính Trần Quốc Lý vào hiện trường. Nhìn thảm cảnh rừng bị phá, ông Lý thừa nhận hơn một tháng qua xã không kiểm tra khu vực này. Thêm một bất ngờ nữa là trong khu rừng Hòn Cung, Hòn Đát có nhiều vạt rừng bị chính cán bộ, đảng viên tàn phá, đó là các ông bà La Thanh Long, Trần Ngọc Nhàn, Võ Xuân Xanh, Kiều Thị Huy…

Điều lạ lùng là sau khi lập biên bản về hành vi phá rừng, không hiểu lý do gì UBND xã Sơn Định đã  trả lại máy cưa lốc cho người vi phạm. Thậm chí giữa tháng 8/2010, kiểm lâm xã phát hiện, bắt giữ 2,3 m3 gỗ không có nguồn gốc hợp pháp của ông Nguyễn Văn Hoàng, trú ở thôn Hòa Bình, xã Sơn Định chở trên xe ôtô 78K-8125, nhưng sau đó tang vật và phương tiện vi phạm đều trả lại (?). Không riêng ở Sơn Định, Sơn Phước, mà nhiều vạt rừng ở các xã Suối Trai, Sơn Long, Sơn Hội… cũng đang đối mặt với nguy cơ cạn kiệt bởi nạn phá rừng lấy đất làm nương rẫy.

Được biết, từ ngày 24/8, tổ công tác cấp bách của huyện Sơn Hòa với sự phối hợp của 13 cán bộ các cơ quan kiểm lâm, quân sự, quản lý thị trường, nông nghiệp, tài nguyên – môi trường, Công an hoạt động trong 1 tháng để kiểm tra, ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép, nhưng chỉ tập trung chủ yếu ở RĐD Krông Trai. Đó là một động thái tích cực, nhưng lực lượng quá mỏng, trong khi địa bàn rừng rộng lớn, thời gian hoạt động ngắn khó có thể ngăn chặn nổi nạn phá rừng làm nương rẫy đang tái diễn ở nhiều nơi. Nhiều cánh rừng ở Sơn Hòa vẫn đưng bức tử.

Ngày 4/9/2011, ông Vũ Công Tâm - Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Hòa cho biết, sau khi củng cố chứng cứ hồ sơ vụ việc ông Nguyễn Thái Đắc phá rừng làm nương rẫy 27,8 ha, cơ quan này đã chuyển hồ sơ đến Công an huyện Sơn Hòa để khởi tố, điều tra và xử lý theo quy định pháp luật. Được biết, đây là vụ phá rừng làm nương rẫy với diện tích lớn nhất từ trước đến nay ở huyện Sơn Hòa.

Phan Thế Hữu Toàn
.
.
.