Ra khơi để… “trả ơn” biển

Chủ Nhật, 27/10/2013, 09:55
Từ đói nghèo, ngư dân ở làng biển Phương Diên, xã Phú Diên, huyện Phú Vang (Thừa Thiên- Huế) đã biết vươn lên làm giàu bằng nghề đi biển. Giờ đây, việc bám biển, bám ngư trường đối với người dân ở làng chài này không còn là chuyện mưu sinh thường ngày như trước, mà với họ, ra khơi bằng cả tấm lòng như để “trả ơn” biển cả…

Làng chài Phương Diên nằm nép mình giữa những rặng phi lao cao vút như vòng tay của người mẹ ôm lấy đứa con nhỏ để che chở, bảo bọc. Suốt hàng chục năm qua, nhờ có dãy phi lao này mà bà con ngư dân ở đây không phải sống trong nỗi lo nạn cát bay, cát nhảy và sạt lở bờ biển. Dù vẫn còn đó những ký ức kinh hoàng từ những chuyến đi biển “định mệnh”; nhưng không phải vì thế mà ngư dân ở đây bỏ biển, bỏ nghề.

Đã gần 3 năm trôi qua nhưng ký ức vụ lật thuyền làm 4 ngư dân Phương Diên tử nạn như vẫn còn in đậm trong lòng mỗi ngư dân ở làng chài này. Bên chén trà đắng, lão ngư Nguyễn Ngọc Oánh (52 tuổi) bồi hồi nhớ lại cái ngày đi biển định mệnh đã cướp đi 4 ngư dân khỏe mạnh của làng.

Ông kể: “Hôm ấy là một ngày giữa tháng 11/2010, chúng tôi hẹn nhau ra khơi từ lúc 4h sáng. Thuyền tui có 3 người, thuyền ông Nguyễn Thắng có 4 người đi cùng… nhưng khi vừa ra được nửa chặng đường thì gặp trận gió mùa lớn nên đành quay vào. Tuy nhiên, vì sóng quá to nên thuyền ông Thắng không thể cập bờ nên họ đành cho thuyền chạy về hướng cảng Chân Mây thì không may gặp nạn, 4 người đi trên thuyền đều chết thảm, chỉ con trai ông Thắng là Nguyễn Quân may mắn được cứu sống”...

Dù nghề đi biển luôn đối mặt với nhiều hiểm nguy, kể cả đánh đổi mạng sống của mình giữa đại dương. Thế nhưng, biển cả đã đem lại cho ngư dân Phương Diên những khoang thuyền đầy ắp tôm, cá, mực. Nhờ vậy mà hộ nào trong thôn cũng xây được nhà cao cửa rộng, thoát được cái nghèo, cái khổ.

Dẫn chúng tôi ra mép bờ biển, nơi những chiếc thuyền của ngư dân đang được neo đậu cẩn thận để chuẩn bị cho một chuyến ra khơi mới, ông Nguyễn Văn Quả, Trưởng thôn Phương Diên tâm sự: “Phương Diên giờ không như ngày xưa nữa, bà con giờ biết bám biển làm giàu rồi. Mà cũng phải thôi chú à, ở vùng đất ni, không bám biển thì biết lấy chi để nuôi con, nuôi cháu”.

Ngư dân Phương Diên tu sửa máy móc tàu thuyền để chuẩn bị cho một chuyến ra khơi mới.

Theo ông Quả, hiện sản lượng đánh bắt hải sản của ngư dân Phương Diên đã dẫn đầu toàn xã khi mỗi năm cung ứng khoảng 1.700 tấn hải sản ra thị trường. “Toàn thôn có 450 hộ thì có 113 thuyền công suất từ 25 đến 100CV, giúp cho 400 lao động địa phương có công ăn việc làm ổn định với thu nhập bình quân từ 2,5 đến 3,5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, một số hộ khá giả còn mở thêm dịch vụ thu mua và vận chuyển hải sản, nuôi tôm sú… nên đời sống của bà con khấm khá hơn trước rất nhiều”, ông Quả chia sẻ niềm vui.

Từ bờ biển, chúng tôi lại ngược vào đình làng Phương Diên, nơi đây ngư dân thờ tự, hương khói Thành hoàng làng và các anh hùng liệt sĩ. Chỉ tay về phía 4 chiếc trụ đình to lớn, cụ ông Nguyễn Khiếu (83 tuổi), Tộc trưởng họ Nguyễn, làng Phương Diên còn cho biết: Để tạ ơn ngài khai canh ra làng biển này, ngư dân trong làng đã đóng góp để xây dựng ngôi đình với số tiền 2,7 tỷ đồng. Mỗi năm, vào dịp tháng 8 âm lịch, con em ở xa đều tập trung về ngôi đình này để dự lễ cúng Thu tế nhằm tưởng nhớ công ơn của các bậc tiền bối, cha ông đi trước.

“Ngoài ra, đến nay làng vẫn còn lưu giữ và tổ chức lễ hội cầu ngư hàng năm vào tháng 5 âm lịch để cầu mong mưa thuận, gió hòa và tạ ơn thần biển khi đã ban cho ngư dân trong làng tôm, cá đầy thuyền; cuộc sống ấm no, sung túc”, cụ Khiếu hồ hởi trải lòng.

Ông Phạm Tăng Đoàn, Chủ tịch UBND xã Phú Diên nói thêm rằng: Hiện toàn xã có khoảng 140 tàu thuyền lớn nhỏ nhưng riêng ngư dân thôn Phương Diên đã chiếm hơn phân nửa. Nhờ sự quyết tâm bám biển, bám ngư trường của ngư dân mà bộ mặt nông thôn của xã dần được khởi sắc. Con em vì thế cũng có điều kiện học tập tốt hơn. Trong kỳ thi năm nay, chỉ tính riêng làng chài ven biển Phương Diên có đến 20 em đậu vào các trường cao đẳng và đại học”…

Chúng tôi rời Phương Diên khi những ngư dân ở đây đang tất tưởi chuẩn bị cho một chuyến ra khơi mới. Với họ, nghề đi biển giờ đây không chỉ để làm giàu cho quê hương mà còn để trả ơn biển… bởi chính biển cả đã đem lại cho họ cuộc sống ấm no...

Lê Anh
.
.
.