Quyền khiếu nại, tố cáo của công dân trong Hiến pháp 2013

Thứ Hai, 11/08/2014, 10:14
Quyền khiếu nại, quyền tố cáo là những quyền cơ bản của công dân, được Hiến pháp, pháp luật ghi nhận và bảo đảm thực hiện. Điều 30 Hiến pháp 2013 quy định rõ: “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.

Việc ghi nhận quyền khiếu nại, tố cáo của công dân trong Hiến pháp 2013 đã tạo cơ sở pháp lý cho công dân thực hiện quyền cơ bản của mình. Và thông qua việc thực hiện quyền này, công dân đã góp phần tích cực vào hoạt động quản lý nhà nước và xã hội, đồng thời bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Quyền khiếu nại, tố cáo của công dân trong Hiến pháp 2013 được thể hiện ở những nội dung cụ thể sau:

Trước hết, khiếu nại, tố cáo là một quyền cơ bản của công dân, là quyền dân chủ của công dân

Khiếu nại, tố cáo là một phương thức thể hiện quyền dân chủ của nhân dân và là một trong những phương thức thực hiện quyền giám sát của nhân dân đối với bộ máy Nhà nước. Xuất phát từ tư tưởng “lấy dân là gốc”, từ bản chất chính trị của chế độ dân chủ nhân dân, ngay từ khi mới thành lập chính thể mới, cùng với việc thiết lập chính quyền các cấp, Đảng, Bác Hồ và Chính phủ đã khẳng định quyền làm chủ của nhân dân,

quan tâm đến việc kiểm soát hoạt động của bộ máy Nhà nước, việc giải quyết khiếu kiện của dân, chống phiền hà, nhũng nhiễu dân. Hiến pháp năm 1946 đã ghi nhận các quyền và tự do dân chủ hoàn toàn là của người dân Việt Nam như quyền bình đẳng về chính trị, kinh tế, văn hoá, quyền bình đẳng trước pháp luật, quyền bình đẳng giữa các dân tộc, quyền bình đẳng nam nữ, quyền tự do ngôn luận, tự do tổ chức hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài, quyền bất khả xâm phạm về thân thể và chỗ ở,… Tuy Hiến pháp năm 1946 chưa có một điều khoản cụ thể nào quy định quyền khiếu nại, tố cáo của công dân, song thể chế dân chủ mà Hiến pháp này tạo dựng nên đã là nền tảng cơ bản hình thành quyền khiếu nại, tố cáo của công dân trên thực tế. Kế thừa và phát triển tư tưởng dân chủ của Hiến pháp năm 1946, Điều 29 Hiến pháp năm 1959 đã chính thức ghi nhận quyền khiếu nại, tố cáo là một trong những quyền cơ bản của công dân: “Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà có quyền khiếu nại và tố cáo với bất kỳ cơ quan nào của Nhà nước về những việc làm vi phạm pháp luật của cán bộ, nhân viên cơ quan Nhà nước. Các khiếu nại, tố cáo cần phải được xem xét và giải quyết nhanh chóng. Người bị thiệt hại do những việc làm trái pháp luật gây ra có quyền được bồi thường”. Các Hiến pháp 1976, 1980, 1992 và 2013 tiếp tục kế thừa và ghi nhận quyền khiếu nại, tố cáo của công dân theo hướng ngày càng mở rộng quyền của công dân và tạo điều kiện một cách tốt nhất cho công dân trong lĩnh vực khiếu nại tố cáo.

Thứ hai, khiếu nại, tố cáo là phương thức giám sát của nhân dân đối với Nhà nước và cán bộ, công chức Nhà nước

Tính chất giám sát của nhân dân đối với Nhà nước trong giải quyết khiếu nại, tố cáo được thể hiện ở chỗ, khi khiếu nại, tố cáo nhân dân đã chuyển đến cho cơ quan Nhà nước những thông tin, phát hiện về những việc làm vi phạm pháp luật, xâm hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, trên cơ sở đó Nhà nước kiểm tra lại hoạt động, hành vi của các cơ quan và các cán bộ của mình, kịp thời chấn chỉnh, xử lý sai phạm, thậm chí loại trừ ra khỏi bộ máy Nhà nước những người không xứng đáng, làm cho bộ máy Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh. Thực tế cho thấy sự yếu kém của tổ chức bộ máy, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, những vấn đề bất cập trong chính sách, pháp luật được phát hiện, kiến nghị với lãnh đạo các cấp, các ngành đa phần được phát hiện từ thực tiễn công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, trong những năm qua, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn không ít hạn chế, yếu kém; nhiều vụ việc giải quyết không đúng chính sách pháp luật, sự phối hợp giải quyết chưa tốt, còn đùn đẩy, công tác vận động tuyên truyền pháp luật còn chưa hiệu quả. Đặc biệt, sự gia tăng các đoàn khiếu kiện đông người, cũng như tình trạng chống đối người thi hành công vụ trong thời gian gần đây là một thực trạng đáng báo động, thể hiện sự phản ứng của người dân đối với hoạt động kém hiệu quả, thiếu trách nhiệm của chính quyền ở một số địa phương về giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến việc người dân dần mất lòng tin đối với chính sách và bộ máy của Nhà nước, dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng, kích động, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chính vì vậy, để khắc phục những yếu kém này, Đảng và Nhà nước cần có biện pháp coi trọng hơn nữa công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, quan tâm đầy đủ đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân; các chính sách có ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân phải được triển khai, thực hiện một cách công khai, minh bạch; đồng thời, tăng cường việc tiến hành thường xuyên kiểm tra, giám sát để từ đó kịp thời phát hiện các tồn tại, vướng mắc trong thực thi chính sách, pháp luật...

Thứ ba, làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân là góp phần củng cố mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước

Làm tốt công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo thể hiện bản chất dân chủ của xã hội ta, đồng thời là một biện pháp quan trọng, thiết thực để củng cố mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, củng cố lòng tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước. Thực hiện tốt công tác này trong thực tế cũng chính là một hình thức thể hiện trực tiếp của mối quan hệ giữa nhân dân với Nhà nước. Việc giải quyết nhanh chóng, đúng pháp luật các khiếu nại, tố cáo của công dân, gắn liền với việc khôi phục kịp thời quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xử lý nghiêm minh những người sai phạm tất yếu sẽ góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, làm cho mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước ngày càng gắn bó bền chặt hơn.

Như vậy, có thể khẳng định rằng, quyền khiếu nại, tố cáo chính là một trong những quyền hiến định cơ bản của công dân, một quyền có tính chất chính trị và pháp lý của công dân và là một hình thức biểu hiện của dân chủ xã hội chủ nghĩa. Việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo của công dân sẽ là cơ sở và nền tảng cho việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác của công dân. Đồng thời, đây còn là phương tiện để công dân đấu tranh chống lại các hành vi trái pháp luật nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tập thể, quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình, thông qua đó thiết thực tham gia vào việc quản lý nhà nước, quản lý xã hội

H.T.T.
.
.
.