Quảng Trị: Xuân về bên dòng Sê Băng Hiêng

Thứ Ba, 09/01/2007, 14:29
Thung lũng Cù Bai, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) từ một eo núi chơi vơi, nhìn xuống chẳng khác nào một miền quê nhỏ ở miền xuôi. Gần 80 nóc nhà của đồng bào Vân Kiều, bản Cù Bai dựa lưng vào núi đá sống quây quần bên nhau dưới chân dãy Trường Sơn ngàn đời nay vẫn thế.

Và mỗi năm như có phép màu, dòng sông Sê Băng Hiêng bỗng tràn ngập những bông lau trắng. Người Vân Kiều nói: Mùa xuân đang đến với dòng sông, cô gái Vân Kiều đang hát gọi bạn tình, hát gọi mùa xuân đến với bản làng…

Đối với các thế hệ già làng và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cù Bai, dòng sông Sê Băng Hiêng cùng với lịch sử con đường Trường Sơn đã trở thành bạn đồng hành tri kỉ. Từ khi thành lập vào tháng 7/1956 cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Đồn Công an vũ trang Cù Bai vừa là đơn vị bảo vệ an ninh tuyến biên giới Việt Lào (với chiều dài gần 30km), vừa phụ trách địa bàn xã Hướng Lập.

Cán bộ, chiến sĩ đã phải len lỏi giữa núi rừng hiểm trở, vượt suối lũ, mưa ngàn để tìm đất, tìm dân; đồng cam cộng khổ với từng gia đình và vận động đồng bào đi theo cách mạng.

Trong những năm tháng không thể quên ấy, niềm tin và tình cảm quân dân đã được đánh đổi bằng ý chí sắt đá và cả bằng máu của người chiến sĩ. Đó là một chiến trường, một mặt trận và trên chiến trường đó, bọn phản động chống phá cách mạng Lào câu kết với chính quyền Sài Gòn, âm mưu phá hoại hiệp định Geneve đã ngày đêm giành giật, lôi kéo, ngăn cản đồng bào tiếp xúc với bộ đội.

Hồi ức về khoảng thời gian đó hiện còn một người biết rõ, là Anh hùng lực lượng vũ trang Đào Xuân Hướng (xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh), người trực tiếp tham gia từ những ngày đầu cho đến khi đất nước hoàn toàn thống nhất…

Người lính già của một đời binh nghiệp gắn bó với Cù Bai, ông lành lặn đi qua cuộc chiến tranh như một phép mầu, như một viên đá cuội ven sông Sê Băng Hiêng trơ gan trước bom đạn để làm nhân chứng sống và để mỗi khi nhìn lên dãy Trường Sơn hay mỗi lần được trở lại Cù Bai, trái tim ông lại cồn cào, lại thấy nợ nần trước nấm mộ chung của 13 cô gái thanh niên xung phong và 3 chiến sĩ do ông tự tay chôn cất nhưng đến hôm nay vẫn chưa tìm thấy mộ.

Ông tự nhận mình là đứa con của bản làng Cù Bai và từ trải nghiệm hơn 20 năm lăn lộn giữa những cánh rừng Trường Sơn. Anh hùng lực lượng vũ trang Đào Xuân Hướng đã biết chắc một điều rằng, chiến công đầu tiên của Đồn Công an vũ trang Cù Bai là có được dân và có được lòng tin của đồng bào!

Cũng vì vậy, đến tháng 4/1961, tức sau 3 năm Trung ương Đảng quyết định thành lập tuyến đường 559, trên địa bàn xã Hướng Lập đã khai thông biên giới và mở đường Hồ Chí Minh phục vụ cho chiến trường miền Nam. Đây cũng là thời điểm tuyến biên giới Cù Bai trở thành địa chỉ ném bom ác liệt nhất.

Với 4 nhánh đường 16A, 16B, 16C, 16E tập trung tại Hướng Lập thuộc tuyến đường Trường Sơn và từ năm 1969, sông Sê Băng Hiêng là con đường thủy vận chuyển gạo cơm, xăng dầu, đạn dược qua Lào để vào miền Nam, thung lũng Cù Bai được mệnh danh là cửa tử! Thôn A Chóc, Xà Lì, Xê Pu, Rạc; suối Xa La; núi Ca Tam… là những tên đất, tên làng thân thuộc với hàng nghìn người con khắp mọi miền Tổ quốc một thời xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước.

Trong những năm tháng lửa bom hủy diệt đó, đồng bào Vân Kiều đã một lòng kiên trung với Đảng và đã chứng kiến nụ cười chiến thắng cùng với sự hy sinh oanh liệt của người chiến sĩ. Họ đã ngã xuống ngay bên miệng hố bom, tô thắm thêm sắc đỏ màu đất bazan của núi rừng Trường Sơn hùng vĩ và đã hóa thân trong màu trắng bạt ngàn của triệu triệu bông lau thắp sáng cho dòng Sê Băng Hiêng khi mùa xuân đến!

Đồng bào làng Cù Bai mãi mãi tri ân những chiến công và sự hy sinh của người chiến sĩ! Lực lượng Công an vũ trang Đồn Biên phòng Cù Bai đã vinh dự được Đảng và Nhà nước 2 lần phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Nơi đây vĩnh viễn là cội nguồn, là nơi đặt trụ sở đầu tiên và cũng là nơi các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công an vũ trang Cù Bai làm nên những kỳ tích anh hùng. Đường Trường Sơn năm xưa nay vẫn là huyết mạch nối liền mọi miền quê theo chiều dài đất nước.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Cù Bai vừa xây dựng đơn vị chính quy, hiện đại; vừa thắt chặt mối quan hệ, hợp tác với các cấp chính quyền để bám đất, bám dân, cùng chăm lo cải thiện cuộc sống cho đồng bào các thôn bản ở xã Hướng Lập, tiếp bước truyền thống cha anh cầm chắc tay súng giữ vững biên cương.

Mùa xuân lại về trên thung lũng Cù Bai; thấp thoáng giữa màu xanh trùng điệp của núi rừng Trường Sơn hùng vĩ là hình ảnh những người lính Biên phòng đang vượt suối, băng rừng để bảo vệ chủ quyền an ninh vùng biên giới. Mùa xuân này cũng là dịp Đồn Công an vũ trang Cù Bai, nay là Đồn Biên phòng 605 hân hoan kỷ niệm 40 năm lần đầu tiên được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng. Niềm vui của dân bản cùng các cán bộ, chiến sĩ ở đây đang bừng sáng trong ánh lửa hồng của đêm lửa trại…

Phan Thanh Bình
.
.
.