Quảng Ninh: Nhiều tuyến đê trọng yếu đang bị đe dọa

Thứ Sáu, 22/05/2009, 11:08
Năm 2009, dự báo bão, lũ sẽ còn diễn biến phức tạp khó lường, công tác phòng chống phải được triển khai trên tinh thần tích cực, chủ động hơn. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện vẫn còn nhiều tuyến đê sông, đê biển đã bị xuống cấp và xuống cấp nghiêm trọng cần phải được cải tạo, tu bổ.

Năm 2008, tỉnh Quảng Ninh chịu ảnh hưởng trực tiếp của 2 cơn bão: số 4, số 6, một áp thấp nhiệt đới và 2 trận lốc xoáy. Mưa lũ lớn, triều cường và lốc xoáy đã làm cho 21 người bị chết, 6 người bị thương; hàng ngàn nhà cửa bị cuốn trôi, ngập lụt; nhiều tài sản của nhân dân và doanh nghiệp bị phá hỏng, thiệt hại ước tính trên 600 tỷ đồng.

Năm 2009, dự báo bão, lũ sẽ còn diễn biến phức tạp khó lường, công tác phòng chống phải được triển khai trên tinh thần tích cực, chủ động hơn. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn nhiều tuyến đê sông, đê biển đã bị xuống cấp và xuống cấp nghiêm trọng cần phải được cải tạo, tu bổ.

Toàn tỉnh Quảng Ninh hiện có gần 700km đê thuộc hai hệ thống: đê sông và đê biển. Đê sông tập trung chủ yếu ở huyện Đông Triều và thị xã Uông Bí với tổng chiều dài gần 80km.

Hàn khẩu đoạn đê ngăn mặn bị vỡ tại xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên, Quảng Ninh. Ảnh: V.N..

 Huyện Đông Triều có 46,1km, nằm dọc sông Kinh Thầy và sông Đá Bạc. Tuyến đê phía tả sông Kinh Thầy được xác định là vùng trọng điểm số 2 của tỉnh. Năm 1971 ở đây đã từng xảy ra vỡ đê, năm 1996, mưa bão đã làm ngập lụt, hư hại nhiều đoạn, địa phương đã phải huy động tới 7.000 bao tải để chống tràn tại Km10 và Km 18-:Km21.

Đây là vùng kinh tế lớn, mật độ dân cư đông, khi sự cố về đê xảy ra sẽ gây nên những hậu quả hết sức nghiêm trọng. Tuy nhiên, hiện tại nhiều tuyến đê nằm trong khu vực này vẫn đang trong tình trạng báo động về chất lượng.

Tuyến đê thuộc các xã Bình Dương - Nguyễn Huệ đã được tôn cao đến cao trình +5,3 nhưng vẫn xuất hiện hiện tượng mạch đùn, mạch sủi khi có chênh lệch đầu nước lớn. Mái đê tại K4+150 -: K5+500 đã bị xói lở bào mòn thành các rãnh lớn song vẫn chưa được bồi đắp lại. Đê thuộc xã Hồng Phong, từ tháng 1-2003 đã bị sạt lở, tuy đã được gia cố nhưng vẫn còn gần 1km chưa được kè. Đê xã Hưng Đạo có chiều dài 2km, hiện tại cao trình thấp, mặt cắt ngang nhỏ, đã bị xói mòn và xuống cấp. Các cống dưới đê, nhiều cống ngắn, tiêu năng bị xói, cánh cửa bị mục, bị rò nước nhiều.

Tại thị xã Uông Bí, các tuyến đê đều được xây dựng từ những năm 70 và 90 của thế kỷ trước, đê được đắp trên vùng bãi bồi nên nền đê yếu. Cơn bão số 2, ngày 31-7-2005, nước đã tràn trên 391m đê Cửa Đình, nhiều đoạn đê Bắc Điền Công đã bị vỡ, hiện tại tuyến đê Vành Kiệu 2, đê Hang Son vẫn bị lún theo thời gian, cao trình đê thấp vì vậy, trong trường hợp mưa lũ lớn, kết hợp với triều cường, các vị trí từ K9 -: K14 sẽ bị ngập tràn.

Các cống dưới đê ở khu vực này có khoảng 25 cống, từ 1 đến 5 cửa; đây là các cống tiêu phục vụ kết hợp với nuôi trồng thủy sản, do vận hành nhiều, bảo dưỡng không tốt nên cánh cửa đều bị han gỉ, hỏng, điều tiết nước chủ yếu bằng phai, nếu xảy ra mưa lũ lớn sẽ không đảm bảo an toàn.

Mối quan tâm lớn nhất về hệ thống đê điều trước mùa mưa lũ ở Quảng Ninh hiện nay là hệ thống đê biển. Trong khoảng 700km đê của toàn tỉnh thì đê biển chiếm tới hơn 1/2, được tập trung tại các huyện, thị xã, thành phố từ Yên Hưng tới Móng Cái.

Năm 2006, Chính phủ đã có quyết định phê duyệt chương trình đầu tư, củng cố bảo vệ và nâng cấp đê biển. Theo đó, Quảng Ninh được nâng cấp 160km. Tuy nhiên, hiện tại mới chỉ có tuyến đê biển Hà Nam từ K10-K16 đã được nâng cấp có khả năng chống được bão cấp 10 với thủy triều 5%. Tuyến đê Đông Yên Hưng, dài 5km, được nâng cấp bằng cao trình thiết kế +3,8 cộng với tường chắn sóng tới cao trình 4,5m, mặt đê rộng 5m, mái ngoài 2,5m, mái trong 2m. Các tuyến đê còn lại mới chỉ được phê duyệt dự án.

Trong khi đó, nhiều tuyến đê đang ở trong tình trạng "lão hoá" với sự xuống cấp nghiêm trọng như các tuyến đê Trường Xuân (Cô Tô), đê Vành Kiệu, Hang Son (Uông Bí), đê Đông Nam (Đông Ngũ, Tiên Yên), Đê Cẩm Hải (Cẩm Phả).

Tuyến đê ngăn mặn thuộc xã Quảng Phong, huyện Hải Hà, năm 2008, triều cường đã làm hư hỏng khoảng 1.000m, ảnh hưởng tới hàng chục hécta đất cấy trồng của bà con nông dân ở đây.

Huyện Tiên Yên, trận lũ lịch sử sau cơn bão số 6 năm 2008, mưa lớn, triều cường đã phá hỏng nhiều tuyến đê của địa phương nhưng vẫn chưa được nâng cấp sửa chữa cơ bản. Đặc biệt tại xã Đồng Rui, đã có 12 đoạn với chiều dài trên 1.500m của tuyến đê ngăn mặn ở 5 thôn đã bị vỡ và gần 3.000m khác cũng của tuyến đê này bị ngập tới gần 1m nước, gây thiệt hại nghiêm trọng cho người dân địa phương.

Ông Nguyễn Quốc Trưởng, Chủ tịch UBND xã cho biết, hệ thống đê ngăn mặn của xã có chiều dài gần 30km, nhưng hiện tại trên toàn tuyến mới chỉ có hơn 1km đê đạt tiêu chuẩn đê cấp 3 với cao trình 3,5m, còn lại đều không đạt tiêu chuẩn.

Sau sự cố vỡ đê năm 2008, chính quyền địa phương đã huy động nhân dân đắp xong toàn bộ những điểm bị vỡ, bị tràn, nhưng để chủ động đối phó được với mưa lũ, triều cường, mong rằng các cấp chính quyền và các ngành chức năng của tỉnh cần sớm đầu tư kinh phí, xây dựng quy hoạch và nâng cấp toàn bộ hệ thống đê bao ngăn mặn của xã.

Từ tính chất, địa bàn và diễn biến thực tiễn công tác phòng chống bão lụt những năm vừa qua có thể thấy, bên cạnh việc xây dựng các phương án, kế hoạch phòng chống bão lũ, Quảng Ninh cần có kế hoạch khảo sát, đánh giá, chủ động bố trí nguồn kinh phí, đầy đủ hợp lý cho các mặt công tác này trong đó có việc tu bổ, cải tạo, nâng cấp các tuyến đê trọng yếu của tỉnh, nhất là đối với hệ thống đê cửa sông, đê ngăn mặn và đê biển

Vũ Ninh
.
.
.