Quảng Bình: Làng nhiễm điện bên bờ sông Gianh

Thứ Hai, 04/01/2010, 09:03
Cách đây gần 10 năm, để xây dựng đường điện 500kV mạch một và hai chạy qua 8 xã huyện Quảng Trạch, Quảng Bình, hàng trăm hộ gia đình đã được di dời về nơi tái định cư mới. Song bên cạnh đó, có một số hộ dân nhận xong tiền đền bù vẫn ở lại chỗ cũ, mặt khác nhiều hộ gia đình ở trong hành lang đường điện vẫn chưa được giải quyết đền bù di dời thoả đáng.

Chính vì vậy, nhiều năm qua, gần ngàn hộ dân ở Quảng Trạch vẫn sống dưới 2 đường điện cao thế. Do vậy, khi trời mưa, các vật dụng kim loại của người dân đều nhiễm điện. Không ít hộ dân nơi đây đang thực sự hoang mang.

Dùng dây ăngten tivi nấu nước

Chiều 30/12/2009, Chủ tịch UBND xã Quảng Phong, Quảng Trạch, ông Nguyễn Văn Thường cho biết: Quảng Phong có hơn 1.200 hộ với hơn 5.300 nhân khẩu, trong đó có thôn 5, thôn 6 với hơn 300 hộ dân sống dưới đường điện 500kV mạch 1 và mạch 2.

Ngày 1/5/2005, đường dây điện mạch 2 đi qua địa bàn 8 xã Quảng Trạch gồm Quảng Lưu, Quảng Phong, Quảng Hoà, Quảng Lộc… chính thức đóng điện. Đó cũng chính là ngày hàng ngàn hộ dân vùng cồn nổi bên bờ sông Gianh hoan hỷ vui mừng, bởi họ chấm dứt cảnh sống  không ánh điện. Những lạ lẫm về điện ban đầu đối với người dân rồi cũng qua khi họ phát hiện, rất nhiều chỗ sờ vào là điện gây tê đầu tay như tivi, tủ lạnh, máy may…

Khi trời mưa, điện nhiễm vào đồ dùng sinh hoạt kim loại, thậm chí người dân dùng bút điện gí vào tường nhà cũng có điện. Hàng trăm hộ dân sống dưới đường điện ở Quảng Phong hoang mang thực sự. Những ý kiến của người dân được phản ánh đến lãnh đạo tỉnh, huyện, địa phương và ngành Điện buộc phải vào cuộc.

Ngành Điện kiểm tra và đưa ra các giải pháp khắc phục, hiện tượng nhiễm điện tạm thời chấm dứt, nhưng chỉ được một thời gian, giờ đây người dân lại phải sống chung với nhiễm điện. Cựu chiến binh Phạm Bình Lệ (75 tuổi), thôn 5, xã Quảng Phong cho biết: "Ngồi trong nhà cũng nghe trên đường điện kêu rào rào. Khi trời mưa nhiều lúc tivi bật lên không có tiếng mà chỉ nghe rẹt rẹt. Đụng vô mô cũng có điện, lấy bút điện gí vô tường, bút điện cũng đỏ".

Nhà bị nhiễm điện nhiều nhất có lẽ là nhà anh Nguyễn Duy Thái, thôn 5, Quảng Phong. Nhiều lần anh Thái phản ánh tình trạng nhiễm điện gây nguy hiểm đến sức khỏe, cán bộ quản lý ngành Điện ở địa phương đã đến tìm hiểu và mọi người đều bất ngờ khi anh Thái lấy một ca nước giếng, sau đó gí dây ăngten tivi nhà anh vào chờ một lúc nước đã sôi...

Ngành Điện cần vào cuộc

Được biết theo quy định, các hộ gia đình phải sống cách đường điện 25m, nhưng thực tế tại 8 xã có đường điện chạy qua, nhiều hộ nằm cách đường dây chỉ vài mét. Gia đình anh Nguyễn Duy Thái cách đường dây khoảng 5m,  song không hề nhận được tiền đền bù, hoặc chuyển đi khi triển khai đường điện.

Do nhiễm điện, gia đình anh Thái đã bị cháy 2 tivi và một số đồ dùng sinh hoạt đắt tiền có biên bản xác nhận của chính quyền địa phương và nhân viên quản lý ngành Điện. Được biết khi triển khai xây dựng 2 đường điện, ngành Điện và chính quyền địa phương đã phối hợp đền bù cho người dân theo kiểu: Đo đạc theo hành lang đường điện, nhà nào bị "dính" vào đường dây từng nào thì đền bù từng ấy.

Chính vì vậy có nhiều hộ gia đình, một phần ngôi nhà nằm vào hành lang đường điện, họ nhận tiền đền bù nhưng vẫn không thể tháo dỡ phần nhà dính vào hành lang đường dây vì tiền đền bù không đủ làm lại nhà, và không ai lại tự nhiên cắt bỏ một phần ngôi nhà mình đang ở.

Đây là kiểu đền bù cho xong chuyện, sau đó ai làm gì thì làm của ngành Điện. Thiết nghĩ, ngành Điện và chính quyền địa phương ở Quảng Bình cần vào cuộc phối hợp để có biện pháp bảo vệ an toàn cuộc sống cho người dân

Dương Sông Lam
.
.
.