Quán trà câm

Thứ Năm, 23/12/2004, 10:44
Trên phố Tôn Đức Thắng, đoạn rẽ vào phố Đoàn Thị Điểm, có một quán nước trà vỉa hè nhỏ nhưng khá đông khách. Khách đến đây thường không nói gì, chỉ thực hiện những động tác thuần thục như múa.

Tôi hỏi xin một chén nước trà nóng nhưng dường như chị chủ quán không hiểu. Chị chỉ tay rất nhanh vào những thứ hàng được bày trên chiếc bàn gỗ nhỏ. Qua cử chỉ của chị, tôi chợt nhận ra, chị bán nước cũng như những người khách của chị đều bị câm.

Tôi nắm tròn bàn tay và đưa lên môi làm hiệu. Chị chủ quán gật đầu rồi lấy ra hai chiếc cốc, một to một nhỏ. Chị đưa cốc nhỏ về phía giỏ ủ, chỉ chỉ vào đó và cốc to về phía chiếc phích nhựa thấp tròn nhìn tôi chờ đợi. Không hiểu ý chị, tôi rút cuốn sổ tay và cây bút, viết nhanh: "Cho em chén trà nóng. Chị có viết được không?".

Chị nhìn vào cuốn sổ, lắc đầu. Một cô gái nhỏ thó, tóc ngắn, mặt xương xương chạy lại. Hai người trao đổi với nhau bằng tay một điều gì đó. Cô gái nhìn sang tôi, giật nhanh cuốn sổ. Đưa sổ sát lên mặt, cô gái đánh vần từng chữ như người bị cận thị. Lấy bút trên tay tôi, cô gái hý hoáy viết: "Loan tên chị. Làm bông chằn chằn. Viết biết nhiều".

Những người câm bên quán trà của Lan.

Tôi cười làm quen và cố gắng để hiểu dòng chữ cô gái vừa viết, nhưng chỉ hiểu được một phần "Chị tên Loan. Biết viết nhiều". Càng về đêm, số người đến quán càng đông. Ghế không đủ, họ lấy cả dép để ngồi.

Có người dạt xe vào sát vỉa hè, ngồi dưới đường, tay huơ huơ nói vọng vào quán. Những cuộc nói chuyện của họ dường như không có điểm dừng. Thỉnh thoảng, một nhóm các cô gái trẻ lại "phá" lên điệu cười trêu chọc một chàng trai bảnh bao trong nhóm. Qua Loan, tôi được biết, mỗi tối thường có đến hơn 20 người câm điếc họp mặt ở đây, đông nhất là hai ngày cuối tuần. Nhiều người như Loan đến đều đặn hàng ngày, dù có hôm mưa gió.

Có một câu viết của Loan còn lưu lại trong cuốn sổ khiến tôi luôn canh cánh trong lòng kể từ sau buổi tối gặp những người câm điếc: "Bạn trai gái uống trà giúp Lâm, Lan nghèo khổ". Mấy ngày sau, tôi quyết định quay lại con phố. Hỏi thăm người dân, tôi tìm được nhà của vợ chồng người bán nước tên Cường - Lâm.

Nằm sâu trong ngõ nhỏ của làng An Trạch, căn nhà chỉ rộng khoảng 9m2 với một gác xép nhỏ nhưng là nơi chui ra chui vào của 3 hộ gia đình. Đồ đạc duy nhất trong nhà là chiếc tủ đứng và chiếc tivi màu. Vợ chồng Cường đi vắng. Tiếp tôi là bà mẹ già đã 72 tuổi của Cường. Cụ ngồi têm trầu, dáng vẻ nghiêm nghị, lặng lẽ.

Cụ có 7 người con, Cường là con thứ năm. Con trai đầu của cụ, anh Nguyễn Văn Dũng đi bộ đội và hy sinh tại chiến trường Tây Ninh năm 1975. Cụ bảo, hai anh của Cường cũng bị câm điếc. "Bây giờ, hai đứa con thằng thứ hai cũng không được bình thường. Thằng anh thì chậm hiểu, đứa em gái lại không nghe được. Khổ tâm lắm".

Hàng ngày, cứ vào 6h chiều, vợ chồng Cường lại thồ bàn ghế trên một chiếc xe đạp mini ra phố bán nước. Cường cao, gầy, khuôn mặt khá điển trai nhưng rụt rè, bẽn lẽn như con gái. Ngoài việc phụ giúp vợ bán hàng, anh còn một chiếc bơm xe đặt ở đầu đường để mưu sinh.

Đứa con gái nhỏ của họ ra đời lành lặn và khỏe mạnh đã mang lại niềm vui trong những ngày khó khăn này. Năm nay, bé đã gần 5 tuổi, đang học lớp mẫu giáo. Mẹ Cường cho biết, có tháng không đủ tiền đóng học cho con, vợ chồng anh đành phải cho cháu nghỉ ở nhà. "Nó vẫn nói được mà không biết tương lai rồi có thất học như bố nó không?" - cụ thở dài.

Bên cạnh quán nước của vợ chồng Cường có một quán trà mới mở được hơn hai tháng nay. Chủ quán tên Lan, cũng là một người câm điếc. Lan có đôi mắt to và sâu, khuôn mặt gẫy luôn toát lên một vẻ hờn dỗi. Cũng như hoàn cảnh của vợ chồng Cường - Lâm, cô sống cùng người mẹ già 63 tuổi ở ngõ Thông Phong. Người dân trong ngõ vẫn thường gọi nhà Lan ở là "nhà chị Dậu".

Căn nhà cấp bốn, không có cửa, chỉ có một tấm mành liếp thả xuống che nắng mưa. Hai mẹ con Lan ra vào trong căn nhà rộng chừng 5m2 ấy. "Thế mà tiền thuê nhà cũng hết 300.000 đồng một tháng", mẹ Lan nói với tôi. Chiều tối, bà thường quẩy một gánh nem cuốn đi bán dọc phố, tiền lãi được khoảng 15.000 đến 20.000 đồng. Nhưng đầu năm nay, trong một lần đi bán dạo, bà Dậu bị xe đâm và thế là từ đó bà nghỉ ở nhà.

Bà Dậu kể, bố Lan là bộ đội tập kết ra Bắc. Hòa bình lập lại, ông được chuyển sang công tác ở ngành Điện, sau mất vì bị bệnh ung thư. Trợ cấp cho gia đình bị cắt từ đó. Ngày bố mất, Lan khóc nhiều lắm. Nhiều lúc, bà Dậu tính chuyện về quê ở Quan Nhân, Trung Hòa (Từ Liêm) sinh sống. Nhưng Lan không chịu.

"Nó bảo về đó buồn lắm vì không có bạn câm. Hai tháng nay, nó rất chịu khó vì đã có việc để làm. Chứ trước đây, cả ngày, nó cứ đi lang thang hoặc ra ra vào vào chẳng biết làm gì. Còn bây giờ nó chỉ mong trời tối nhanh để ra quán nước gặp các bạn". Bà Dậu bỗng quay mặt đi, giọng nghẹn lại: "34 tuổi đầu rồi mà nó hay hờn dỗi lắm. Lan thường hỏi một câu làm tôi thắt ruột: Mẹ chết rồi Lan ở đâu?".

Ở quán trà chị Lâm, tôi có gặp một người đàn ông trung niên ngồi ngật ngưỡng. Người dân xung quanh nói rằng, anh này tên là Đô, ngày nào đến quán anh cũng đã ngà ngà say. Trong cuốn sổ của tôi, anh có ghi nhiều lần chỉ một câu "Đô không đi làm. Sống khổ".

Vợ Đô cũng bị câm điếc, bán rau ở chợ Trương Định. Hai người đã có hai đứa con và sống cùng bố mẹ Đô ở Kim Ngưu. Đô từng đi xin việc ở nhiều nơi nhưng không có ai nhận anh vào làm. Chán chường, Đô thường tìm đến rượu để giải khuây. Anh chỉ là một trong số gần 20 người tứ xứ đến quán trà này không có việc làm và cũng không được học hành.

Anh Lê Minh Tuấn, một cư dân sống trên tuyến phố, cũng thường hay ra quán trà uống nước. Hai năm qua, anh đã học cách nói chuyện bằng tay với những người câm điếc. Anh nói với tôi, những người câm điếc đến quán trà này có bản tính chân thật và tâm hồn rất trong sáng.

Họ bị hạn chế trong việc giao tiếp nên khả năng tiếp nhận những tác động của cuộc sống đối với họ chậm và khó hơn những người bình thường. Tuy nhiên, tâm hồn như "những trang giấy trắng" của họ cũng dễ bị lợi dụng và lôi cuốn vào những việc xấu trong hoàn cảnh cuộc sống khó khăn và môi trường sinh hoạt ngoài đường phố như thế này.

Khi tôi hỏi Loan, sao các bạn của chị không tham gia sinh hoạt ở Chi hội Người câm được tổ chức trên phố Lạc Trung, Loan viết và được anh Tuấn "dịch" lại ý của Loan cho tôi hiểu rằng, sinh hoạt ở chi hội chỉ diễn ra một tuần một buổi vào sáng chủ nhật. Những người câm điếc không muốn đến đó vì nhu cầu gặp nhau nói chuyện của họ nhiều hơn.

Trong những ngày này, Lan, cô gái bán nước, đang làm chứng minh nhân dân để chuẩn bị vào làm nhân viên dọn vệ sinh tại Bệnh viện Quân đội 108. Năm người bạn khác như cô đã được nhận vào làm công việc này và họ đều hoàn thành tốt nhiệm vụ

Đinh Thu Thuỷ
.
.
.