"Quản" chặt tàu, thuyền đánh cá xa bờ ở Hải Phòng

Thứ Ba, 08/08/2006, 13:35

Có gia đình đóng nhiều phương tiện nhưng chỉ đăng ký 1 phương tiện “làm vì” để lấy biển đăng ký, đăng kiểm, giấy phép hành nghề rồi sao bản cho tất cả các phương tiện lấy đó làm "chứng chỉ" hoạt động.

Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hải Phòng, đến tháng 6/2006, đơn vị đang quản lý 1.549 tàu, thuyền đánh cá vươn khơi có công suất từ 20CV trở lên, thực hiện phân cấp và hướng dẫn cho các địa phương quản lý 1.134 phương tiện là thuyền nan, thuyền gỗ. Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động của các tàu, thuyền trên biển hiện nay đang rất khó kiểm soát.

Tàu, thuyền trên biển cũng đeo biển giả...

Tập đoàn đánh cá Nam Triệu (xã Lập Lễ - huyện Thủy Nguyên) được coi là tập đoàn đánh cá lớn nhất Hải Phòng. Hiện tập đoàn đang quản lý hơn 600 tàu đánh cá xa bờ, 100% phương tiện gắn máy từ 30-250CV. Tổng sản lượng đánh bắt hàng năm đều đạt từ 8.800 - 9.000 tấn/năm, giá trị sản lượng đạt 120 - 150 tỷ đồng/năm. Với nguồn lợi thu từ hoạt động đánh bắt cá trên biển, không chỉ ngư dân ở Lập Lễ mà nhiều xã ven biển khác trong huyện đua nhau tự đóng phương tiện vươn khơi.

Năm 2005, chỉ riêng huyện Thủy Nguyên, các cơ quan quản lý phát hiện 112 phương tiện tham gia đánh bắt cá không cần đăng ký, đăng kiểm và giấy phép hành nghề trên biển, 6 tháng đầu năm 2006 phát hiện thêm 87 phương tiện. Tương tự như huyện Thủy Nguyên, ngư dân các vùng huyện Cát Hải, Kiến Thụy, Đồ Sơn, An Hải, Tiên Lãng... cũng phát triển phương tiện đánh bắt cá ngoài khơi không kém.

Khi tiến hành kiểm tra tương đối chặt chẽ, cơ quan chức năng phát hiện ở các đơn vị trên trong 6 tháng năm 2006 đã có 191 phương tiện chưa hề được đăng ký nhưng vẫn hoạt động hành nghề trên biển. Tìm hiểu kỹ mới hay ở Thủy Nguyên, Cát Hải, Kiến Thụy... phổ biến các gia đình có thể đóng 2-3 phương tiện, hoặc nhánh họ đóng 5-6 phương tiện nhưng chỉ xin đăng ký 1 phương tiện “làm vì” để lấy biển đăng ký, đăng kiểm, giấy phép hành nghề rồi sao bản cho tất cả các phương tiện lấy đó làm "chứng chỉ" hoạt động.

Ông Đinh Văn Lụt - 52 tuổi (tập đoàn đánh cá Nam Triệu - Thủy Nguyên) giải thích, một số hộ ngư dân nghèo không đủ khả năng kinh tế đóng mới tàu lớn (trên 30CV trở lên) phải đóng tàu nhỏ để hành nghề biển, nhiều khi không có tiền làm nghĩa vụ với chính quyền, cơ quan quản lý nên "mượn danh" người trong gia đình, họ hàng để duy trì cuộc sống... Đó chỉ là cái "lý" của những ngư dân thiếu hiểu biết và gây khó khăn cho cơ quan quản lý...

Liệu có thể kiểm soát?

Ông Vũ Văn Hợp - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hải Phòng khẳng định, có 4 nguyên nhân chính mà trong nhiều năm qua ngư dân cố tình "lách" luật, vi phạm quy định đánh bắt thủy sản. Đó là sự phát triển phương tiện đánh bắt quá mức, khai thác nguồn lợi thủy sản gần bờ bị cạn kiệt, khai thác sản lượng kém nên không muốn chi thêm những khoản chi khác; ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân chưa thật nghiêm; nhận thức của các cấp, các ngành ở địa phương còn hạn chế; cơ quan quản lí chưa thực sự mạnh, sự phối hợp các ngành chưa tốt... Bởi vậy để kiểm soát một cách triệt để, các cơ quan chức năng từ địa phương đến thành phố tạo ra vòng tròn quản lý khép kín, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, thậm chí phải xử lý nghiêm theo quy chế, hạn chế phát triển một cách tự do.

Tại hội nghị liên ngành do Sở Thủy sản và UBND thành phố tổ chức vào tháng 5/2006, các ngành Công an, Bộ đội Biên phòng, an toàn hàng hải, Thanh tra giao thông cùng ngành Thủy sản đều nhận thấy rằng các cấp, các ngành chưa thực sự làm hết chức năng quy định.

Ví dụ, các trạm, đồn Bộ đội Biên phòng có quyền chứng thực, cấp phép cho người và phương tiện ra khơi hành nghề và tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm theo Nghị định 128/NĐ-CT, nhưng thực tế chỉ những tàu, thuyền nào tự giác khai báo thì lực lượng này mới nắm bắt được. Hoặc, lực lượng kiểm ngư trên biển hầu như chỉ quản lý theo kiểu "hành chính" mà không đủ lực lượng, phương tiện kiểm tra thực tế.

Qua kiểm điểm, các ngành, địa phương đã đề ra quy ước phối hợp chung, tăng cường quản lý, kiểm soát tất cả phương tiện hoạt động đánh, bắt cá trên biển. Nhiều điểm đã thể hiện tính chặt chẽ và cần thiết phải được áp dụng ngay tức thì. Tuy nhiên, kết quả ra sao, ngăn ngừa hậu họa xấu xảy ra trên biển như thế nào... còn phụ thuộc vào sự vận động của các địa phương, các ngành liên quan, tránh sự thụ động như trước đây

Mạnh Hừng
.
.
.