Quái kiệt khiếm thị ở làng cát
Trồng cả triệu cây rừng
Dọc theo triền cát chúng tôi tìm đến nhà anh Võ Văn Bế, thôn Thanh Lương, xã Quảng Xuân khi mặt trời đã đứng bóng. Nhà 5 anh em, Bế là con thứ hai của gia đình. Khi các anh em trong gia đình lần lượt dựng vợ gả chồng ra ở riêng, Võ Văn Bế vẫn hằng ngày lụi cụi bên người mẹ già tảo tần. Mình mù nhưng còn có đôi bàn tay, có sức khoẻ, không thể mãi ăn bám mẹ già, Bế nghĩ vậy. Nhưng làm gì? Chỉ 3 từ đó thôi làm Võ Văn Bế suy nghĩ suốt 1 năm trời. Vì nghĩ nhiều, mái tóc anh còn đen bỗng ngả sang màu bạc.
Sinh ra đấng nam nhi phải làm được 1 trong 3 việc, nghĩ vậy và Bế quyết định lấy vợ, sinh con. Sau nhiều lần bảo vợ tìm cho mình một khu vực đất rộng đồi cát, đất cằn để lập nghiệp, vợ hỏi để làm chi? Bế chỉ cười, không nói. Năm 1995, khi đứa con trai đầu lòng thôi nôi, Bế bàn với vợ xin ra đồi cát trắng Thanh Lương dựng lều ở riêng.
Sống giữa không gian mênh mông không một bóng người chỉ toàn cát và đất cằn sỏi đá, nhiều lần vợ ấm ức hỏi bắt đầu từ đâu, Võ Văn Bế bảo vợ đi mua hàng trăm cây giống bạch đàn, keo lai về để anh trồng rừng. Vợ lắc đầu, nhưng Bế động viên mãi nên đành chịu. Công việc trồng cây của anh bắt đầu bằng những cú bổ nháo bổ nhào trên đồi cát.
Nhưng quyết tâm, Bế bảo vợ lấy dây giăng thành lối để anh trồng thử nghiệm hàng đầu tiên. Ngày đầu trồng xong hàng thứ nhất, vợ chán việc bỏ đi làm đồng. Chiều về, chị bất ngờ khi một khoảng rộng mênh mông cát trước nhà đã mọc đầy cây xanh do Bế trồng. Vợ không biết, sau khi có hàng cây thứ nhất, Võ Văn Bế lần mò gang tay đo đếm khoảng cách, rồi đào hố trồng tiếp.
Cứ thế sau gần một tháng trời anh đã phủ xanh vùng cát nhà mình bằng cả ngàn cây giống bạch đàn, keo lai. Suốt 10 năm trời, vợ chuyên lo chuyện đồng áng, con cái học hành còn Bế chú tâm việc trồng rừng. Nhiều hôm khi màn đêm đã xuống, sương rơi ướt áo, nhưng Võ Văn Bế vẫn cặm cụi bên gốc cây trồng. Sáng sớm khi trời còn bao phủ ánh đêm, anh đã xách cuốc lần mò ra đồi cát thực hiện công việc của mình.
Như con ong cần mẫn xây tổ, sau 15 năm cặm cụi trồng rừng, làm vườn, Võ Văn Bế đã trồng được cả triệu cây rừng, khu vườn rộng mênh mông đủ các loại rau sạch, mùa nào rau ấy. Không những thoát nghèo, nuôi con cái ăn học đàng hoàng, Võ Văn Bế còn xây được nhà to nhất nhì làng nhờ vào trồng rừng và làm vườn. Rừng cây của Võ Văn Bế đã phủ xanh che cát chắn gió cho cả một góc làng.
“Tung hoành” trên biển
Năm vào học lớp 3 trường làng thì Lê Văn Hân bị đau mắt đỏ. Căn bệnh tưởng như đơn giản đó đã làm đôi mắt cậu bé Hân mờ dần rồi mù hẳn. Đang học khá nhất lớp, cậu bé phải nghỉ học trong sự tiếc nuối của thầy cô, bạn bè. Từ cậu bé hiếu động Hân trở nên lầm lì ít nói, khi ba mẹ, bạn bè gặng hỏi cậu trả lời: "Hận lắm".
Từ đó, cậu bé Lê Văn Hân tự đổi tên mình thành Lê Hận. Đến tuổi sắp trưởng thành, nghe tiếng lao xao của người làng đi biển đánh cá, Lê Hận thường mon men ra bờ biển nghe ngóng rồi xin đi biển. Mọi người nhìn Hận với ánh mắt thương cảm, người lành lặn đi biển chẳng ăn ai, bị mù như Hận thì ra biển làm nên công cán gì.
Sau nhiều lần nài nỉ, Hận cũng được một ngư phủ là bà con trong làng cho đi theo để nhặt rau, giữ đá lạnh trên tàu. Lần đầu tiên ra biển, Lê Hận chỉ có ngồi tựa mạn thuyền mà nôn thốc vì say sóng, rồi tập ngồi cho vững, ông lần hồi tập đi lại, đón hướng gió bằng bằng tai, thả lưới, gỡ cá và dạn dần với sóng gió. Nỗi đam mê cháy khát trong lòng ông như tạo sức mạnh.
Đi biển chuyến thứ hai Lê Hận đã tự mình đi lại được và chuyến thứ ba thì ông đã tự thả lưới, gỡ cá như một ngư phủ thực thụ. Bưng rổ cá được chia từ chuyến đi khơi đầu tiên ông cứ thần cả người, nước mắt chảy dài theo gò má: "Từ nay không còn phải ăn bám ba mẹ rồi, có thể tự lập rồi…". Hận cứ lẩm bẩm như vậy từ bãi biển về đến cổng nhà lúc nào không hay.
Sau đó, những chuyến đi chính thức trên biển, ông được chủ thuyền phân công ngồi vị trí cố định làm việc bủa trì, kéo trì, gỡ cá. Ai trên thuyền cũng thừa nhận do ông tập trung thính giác và độ nhạy nơi hai bàn tay, lâu thành quen nên gỡ cá còn nhanh hơn cả anh em sáng mắt. Năm tháng qua đi, ông tích lũy cho mình được khá nhiều kinh nghiệm.
Đôi tai của ông và cái mũi biết được lúc nào là con nước ròng, con nước nào có cá chạy, hay biết được động tĩnh của biển để kêu anh em. Nhiều ngư phủ ở làng biển Xuân Hòa không giấu nổi thán phục khi nói về ông Hận: Lên thuyền là Lê Hận rành rẽ hết mọi công việc đánh cá trên tàu như buông neo, thả, kéo lưới, lấy neo. Đường đi lối lại trên tàu như xuống khoang máy, tới trụ tời, cột buộc dây lưới... ông thuộc hết. Thêm nữa, ông còn có biệt tài ngóng gió để đoán thời tiết trên biển...
Thấy Lê Hận mù nhưng giỏi giang lại hiền lành nên cô Long làng bên ưng thuận, họ nên vợ nên chồng. Dù bị mù cả hai mắt, nhưng hơn 30 năm qua, Lê Hận vẫn luôn tung hoành trên biển cả để đánh cá. Bằng sự vượt mình, Lê Hận xây dựng được gia đình ấm êm, vợ chồng nuôi 5 đứa con ăn học trưởng thành