Quá tải tại Trung tâm Nuôi dưỡng bệnh nhân tâm thần Hoài Nhơn

Thứ Hai, 22/02/2016, 16:30
Với hơn 500 bệnh nhân tâm thần đang được chăm sóc, quản lý, hiện nay, khả năng tiếp nhận thêm bệnh nhân tại Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định là rất hạn chế.


Khó khăn chồng khó khăn

Theo ông Đoàn Thế Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng bệnh nhân tâm thần Hoài Nhơn, thiết kế ban đầu của công trình Trung tâm chỉ đảm bảo quản lý, nuôi dưỡng 400 bệnh nhân tâm thần. Nhưng, thời điểm hiện tại, số người tâm thần tại Trung tâm đã là 507 người. Việc bệnh nhân tăng nhanh, mật độ người/phòng đông, mặt bằng chỗ ở chật chội gây khó khăn cho công tác quản lý, chăm sóc bệnh nhân. Thời điểm nắng nóng kéo dài, bệnh nhân dễ lên cơn kích động hơn.

Người tâm thần nhận thuốc từ nhân viên y tế tại Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn.

Tình trạng đông người cũng là điều kiện thuận lợi cho các bệnh lây lan nhanh, khó dập tắt. Tỉ như, tháng 9- 2015, dịch bệnh sốt xuất hiện ở bệnh nhân và lây lan nhanh, Trung tâm đã phải huy động toàn bộ lực lượng cán bộ, phối hợp với Trung tâm y tế Hoài Nhơn, đội y tế dự phòng dịch huyện mới xử lý kịp thời và dập được dịch bệnh, không để xảy ra trường hợp đáng tiếc.

Chăm sóc và quản lý bệnh nhân tâm thần vốn là công việc hết sức vất vả. Với số lượng đối tượng lớn như hiện nay, áp lực dồn lên đội ngũ cán bộ, nhân viên trực tiếp làm công tác chăm sóc, quản lý bệnh nhân lại gấp bội. Trong số hơn 500 người tâm thần, có 10 người đã gây án tại cộng đồng; 30 bệnh nhân hung hãn, nguy hiểm. Phần đông bệnh nhân đều có hoàn cảnh gia đình quá khó khăn hoặc lang thang, vô gia cư (do Đoàn công tác liên ngành tập trung đưa vào Trung tâm), lại mắc các bệnh hiểm nghèo dễ lây nhiễm như: ung thư phổi, lao phổi, tim mạch, cao huyết áp… Tình trạng đau ốm phải nhập viện diễn ra khá thường xuyên. Những lúc như vậy, cán bộ Trung tâm phải thay phiên, túc trực chăm nuôi tại bệnh viện khá vất vả.

“Từ thời điểm thành lập - năm 1979 đến nay, không có một bác sĩ nào nhận về công tác tại Trung tâm bởi vì đặc thù công việc và chế độ thiếu tính hấp dẫn. Trung tâm đang có 3 y sĩ và 3 điều dưỡng. Như vậy là quá ít, không đủ đáp ứng nhu cầu phục vụ bệnh nhân, rất khó khăn khi có dịch bệnh xảy ra. Hiện, Trung tâm đang đề nghị cấp trên cho Trung tâm hợp đồng thêm lao động có trình độ chuyên môn y tế để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao”, ông Tuấn chia sẻ thêm.

Hạn chế về khả năng tiếp nhận

Bà Nguyễn Thị Thế Vy, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Bảo trợ xã hội Sở LĐ-TB&XH, cho biết: “Thời gian qua, nhiều gia đình gửi hồ sơ về Sở để đề nghị nuôi dưỡng, quản lý người thân mắc bệnh tâm thần tại Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn. Tuy nhiên, với tình trạng quá tải về tiếp nhận tại Trung tâm như hiện nay, chúng tôi chỉ có thể xét nhận những trường hợp không còn người thân hoặc bệnh nhân hung hãn, có khả năng gây án tại cộng đồng để tránh ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương. Số còn lại vẫn phải đề nghị gia đình tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng”.

Hiện nay, khả năng tiếp nhận thêm bệnh nhân của Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn là rất hạn chế. (Trong ảnh, người tâm thần nữ tại Trung tâm vận động nhẹ nhằm giảm bớt căng thẳng, tạo tâm lý thoải mái).

Năm 2016, Sở LĐ-TB&XH Bình Định giao cho Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn chỉ tiêu là 512 bệnh nhân (gồm 450 bệnh nhân  ngân sách nuôi và 62 bệnh nhân xã hội hóa). Căn cứ vào số lượng bệnh nhân hiện tại là 507 thì số người tâm thần được tiếp nhận thêm trong thời gian tới chỉ đếm trên đầu ngón tay.

“Một vấn đề đáng nói là các bệnh nhân đã ổn định theo kết luận của Bác sỹ chuyên khoa tâm thần có thể đưa về để giảm áp lực cho Trung tâm và mở ra cơ hội chăm sóc, nuôi dưỡng cho các trường hợp mới nhưng gia đình người bệnh đều từ chối nhận về. Nhiều gia đình cho rằng mình quá khó khăn về kinh tế nên không đủ điều kiện để chăm sóc, nuôi dưỡng. Một bộ phận khác lại lo sợ tình trạng bệnh tái phát khi về với cộng đồng. Rất nhiều gia đình sau khi đưa người bệnh về nhà để chăm sóc, một thời gian lại tái phát bệnh. Vậy nên, ở lần đề nghị tiếp theo đưa thân nhân về nhà, họ đều lần lữa, chối khéo”, ông Tuấn trao đổi.

Xã hội ngày một phát triển, cuộc sống nảy sinh nhiều áp lực tác động lên tâm lý con người, dẫn đến tình trạng người mắc bệnh tâm thần, rối nhiễu tâm trí. Việc thiếu điều kiện để chăm sóc, quản lý tập trung bệnh nhân này có thể dẫn đến nhiều nguy hiểm cho gia đình, xã hội.

Việc đầu tư về cơ sở vật chất, nâng cấp hạ tầng, tăng cường về nhân lực cho Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn để mở rộng khả năng tiếp nhận là điều bức thiết, góp phần giúp cho xã hội ổn định hơn. Trong lúc đó, gia đình của người tâm thần, khu dân cư có người tâm thần cần quan tâm hơn nữa đến người mắc bệnh, tạo điều kiện để họ hòa nhập cộng đồng sau điều trị. 

Hoàng Nguyên
.
.
.