Hà Nội:

Phường, xã cũng có phương tiện kiểm tra bánh phở

Thứ Năm, 08/02/2007, 09:15

Trước thực trạng đáng báo động về bánh phở có nhiễm phoóc môn tại một số cửa hàng bán phở và cơ sở sản xuất bánh phở ở Hà Nội thời gian gần đây, Sở Y tế Hà Nội đã quyết định cấp miễn phí 232 bộ test thử nhanh cho các xã, phường trên địa bàn thủ đô.

Thực ra đây không phải là lần đầu tiên Sở Y tế Hà Nội “ra mắt” bộ test thử nhanh đối với các sản phẩm có chứa phoóc môn, đặc biệt là bánh phở mà  ngay sau một số lần phát hiện trường hợp bánh phở có chứa phoóc môn ở Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội đã lập tức phát cho 9 quận và 5 huyện tập trung nhiều nhất những cơ sở sản xuất bánh phở và bán phở để chính quyền sở tại ở các nơi này có thể giám sát và quản lý về an toàn vệ sinh thực phẩm đối với những cơ sở đó. Tuy nhiên, do tình trạng bánh phở nhiễm phoóc môn ngày càng tràn lan, đặc biệt là những bánh phở có nguồn gốc từ các tỉnh lân cận Hà Nội như Hà Tây... rồi trôi nổi vào thị trường Hà Nội đến mức không thể kiểm soát được nên Sở Y tế mới quyết định phân phát đến cả xã, phường bộ test thử nhanh.

Đây là sản phẩm “made in Vietnam” chính hiệu. Nó được các nhà y tế trong nước nghiên cứu và sản xuất nhằm thay thế những bộ test thử nhanh đang được sử dụng phổ biến trong nước nhưng lại có giá thành cao do phải nhập khẩu từ nước ngoài. So với một bộ test của Thái Lan thì bộ test của Việt Nam có giá thành rẻ hơn 10 lần. Có thể nói đây là một phát kiến của ngành Y tế Việt Nam. Phát kiến ấy còn “sáng giá” hơn khi nó được sử dụng một cách rộng rãi nhằm bảo vệ sức khỏe, lợi ích của con người trong cộng đồng.

Trở lại với việc cấp miễn phí 232 bộ test thử nhanh cho các xã, phường.  Theo ông Đỗ Lê Huấn, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng sau khi nhận được bộ test thử nhanh này, chính quyền địa phương phải liên tục kiểm tra những cơ sở sản xuất bánh phở, bán phở trên địa bàn. Với mỗi bộ test số lần kiểm tra cho phép lên đến 40 - 50 lần. Mỗi lần thực hiện, theo các bước rất đơn giản. Trước hết cắt nhỏ bánh phở, cho vào nước cất rồi khuấy lên như nhúng bánh phở. Sau đó chắt nước cất ấy ra và lần lượt 3 loại dung dịch được nhỏ giọt vào nước cất đó. Đến lần nhỏ dung dịch cuối cùng, nếu nước cất giữ nguyên màu trắng, nghĩa là bánh phở không có phoóc môn. Còn nếu nước cất chuyển từ trắng sang hồng có thể kết luận bánh phở chứa phoóc môn. Để khẳng định chắc chắn điều này đồng thời xác định hàm lượng độc tố có trong bánh phở, cơ quan chức năng, cụ thể là Trung tâm Y tế dự phòng phải xét nghiệm lại một lần nữa mẫu cho kết quả dương tính. Bởi test thử nhanh chỉ cho kết quả định tính: có hay không.

Với các bước thử nhanh gọn như vậy, Sở Y tế Hà Nội quy định, chính quyền địa phương, đặc biệt là bộ phận y tế, mỗi tháng phải sử dụng hết một bộ test, nghĩa là phải kiểm tra tối đa số lần bộ test cho phép: 40-50 lần như đã nói. Hết số lần đó, cơ quan chức năng sẽ cấp phát tiếp bộ test khác. Tuy nhiên, có một vấn đề đặt ra là đã cấp phát test thử nhanh cho một số quận, huyện. Số quận, huyện đó lại giới hạn ở một con số nhất định. Thế mà tình trạng bánh phở có phoóc  môn vẫn không kiểm soát được, thậm chí ngày càng nhiều bánh phở có phoóc môn bị phát hiện hơn.

Phoóc môn (tên hóa học Formaldehyde) tồn tại ở hai dạng khí và lỏng. Khi ở dạng lỏng là chất không màu, mùi hăng, có tính độc, thường được sử dụng trong sản xuất nhựa tổng hợp, làm hóa chất trung gian, thuốc tẩy. Trước đây, để giữ cho cá tươi, phoóc môn được sử dụng làm chất bảo quản. ở một số quốc gia cũng dùng chất này để bảo quản thức ăn. Năm 1998, theo Quyết định 867 của Bộ Y tế, phoóc môn bị nghiêm cấm sử dụng làm chất bảo quản trong chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, nó vẫn được sử dụng để tẩy trùng vỏ sữa, nền nhà... Do có tác dụng chính là sát khuẩn, tẩy rửa nên tác động lớn nhất của phoóc môn đối với sức khỏe con người là làm ảnh hưởng đến hệ vi khuẩn (vi khuẩn có ích) trong đường ruột của cơ thể con người.
(Theo Viện Dinh Dưỡng)

Vậy lần này, khi cấp xuống xã, phường bộ test thử nhanh, làm thế nào cơ quan chức năng có thể giám sát được hiệu quả của công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm đối với bánh phở? Ông Đỗ Lê Huấn cho biết, để sát sao công tác giám sát, quản lý sản xuất bánh phở “sạch” của chính quyền, cơ quan y tế địa phương, Sở Y tế Hà Nội, Trung tâm Y tế dự phòng mỗi quý một lần, sẽ kiểm tra lại kết quả những lần “test nhanh” của cơ quan chức năng địa phương, thậm chí kiểm tra đột xuất những cửa hàng mà các cơ quan nói trên từng kiểm tra để thấy rõ hiệu quả làm việc của họ. Nhưng ông Huấn cũng nói rõ, việc cấp phát miễn phí bộ test thử nhanh đối với chất phoóc môn có trong bánh phở cho tất cả xã, phường hiện nay, bên cạnh  mục đích chính nâng cao trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương và ý thức giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm của người tiêu dùng còn nhằm “đánh đòn tâm lý” vào người bán hàng bằng cách: nếu muốn tồn tại, anh phải bảo đảm cung cấp bánh  phở “sạch” cho khách hàng. Còn không, tự anh triệt tiêu bản thân khi khách hàng phát hiện bánh phở của anh có phoóc môn và tẩy chay sản phẩm đó khỏi thị trường tiêu dùng.

Ông Huấn rất hy vọng biện pháp này sẽ mang lại kết quả tốt trong việc ngăn chặn tình trạng sản xuất bánh phở có phoóc môn. Song để đạt được như vậy, trước hết phải nỗ lực trong việc vận động công khai những địa chỉ “đen” chuyên lạm dụng phoóc môn trong sản xuất bánh phở. Bởi trước đây, không chỉ riêng trong lĩnh vực này,  mà trong công tác quản lý an toàn thực phẩm nói chung chính do không công khai các cơ sở làm sai  nguyên tắc vệ sinh thực phẩm, nên điều đó đã trở thành một trong những nguyên nhân khiến tình trạng vi phạm vệ sinh thực phẩm ngày càng nghiêm trọng hơn. Một lý do nữa theo nhận định của nhiều người cũng là nguyên nhân khiến cho thực phẩm trở thành mối họa cho con người đó là chúng ta chưa hình sự hóa trách nhiệm của người cố tình cho phụ gia độc hại vào thức ăn chín, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt... Hiện nay, những người này chỉ bị xử phạt hành chính. Mà xử phạt hành chính theo ông Huấn không phải là biện pháp hữu hiệu trong việc răn đe vi phạm Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trong khi chưa có một hình thức nghiêm khắc đối với việc xử lý những trường hợp vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, việc cấp phát miễn phí cho các xã, phường bộ test thử nhanh phoóc môn trong bánh phở có thể coi là sáng kiến của Sở Y tế Hà Nội trong việc giúp người tiêu dùng tự tẩy chay những thực phẩm độc hại để bảo vệ sức khỏe cho mình

Tú Anh
.
.
.