Phù thuỷ “luộc” xe hơi

Chủ Nhật, 29/05/2005, 06:44
Xe mua về, đầu tiên phải vệ sinh, rút côngtơmét, thay lốp ốp la răng kiểu trau chuốt làm hàng. Đồ thay thế chủ yếu là hàng Trung Quốc, Đài Loan giá chỉ bằng 1/4, 1/5 hàng xịn. Sau nữa là dùng dầu hóa chất đặc biệt làm bóng máy như mới, gia cố lại gầm bệ, sátxi.

Chợ xe cũ Hà Nội tập trung ở phố Phan Chu Trinh, Láng Hạ, Nguyễn Văn Cừ, Trần Khát Chân với những đại gia như gara H.H., xưởng NGT salon Đ.D. (nay đã chuyển bản doanh về Pháp Vân). Tại nhà xưởng N.G.T. trên đường Phan Chu Trinh, mặc dù đang trong thời kỳ quy hoạch, xây dựng lại, nhưng lượng xe vào, ra vẫn rất nhiều.

Tôi nhìn lướt thấy khoảng 30 chiếc đủ loại: Daewoo, Kia, Toyota, Mercedes, biển 29 từ đời U, V, biển NN (nước ngoài), NG đỏ (ngoại giao), biển các tỉnh và thậm chí không có biển. Quá  nửa trong số này là xe của dân buôn chuyên nghiệp đã thuộc tên, quen mặt.

Hiện nay, có ít nhất 3 dạng xe hơi second-hand: Dòng xe trước những năm 90 như Peugeot, Corolla, Bluebird nồi đồng cối đá, nay đã quá đát, ít đồ thay thế, giá bèo từ 30 đến 50 triệu đồng, chủ yếu bán cho dân ở những tỉnh vùng sâu, vùng xa. “Thượng đế” chỉ phải bỏ ra khoản tiền bằng cái xe máy đã có ngay một chiếc xe hơi chở được những 4, 5 người.

Hơn một chút ít là dòng xe bình dân, sản xuất trong nước như Matiz, Lanos, Kia, giá từ 80 đến 100 triệu đồng, khách mua dùng, lúc muốn bán ít bị mất giá, phụ tùng dễ kiếm. Đây là dòng xe được nhiều “thượng đế” lựa chọn nhất và các tay buôn tuy lãi không cao như hàng xịn nhưng dễ bán.

“Đỉnh” nhất là dòng xe “thửa”, xe cao cấp các kiểu “nhất Mẹc, nhì Bi, tam Ri, tứ Nit”, phải những tay chơi cỡ bự mới dám nghĩ tới. Săn được một con loại này, thợ xe lãi không dưới 10.000 USD. Vì vậy, mặc dù đã có luật cấm, nhưng thị trường xe cũ nhập khẩu nguyên chiếc hết sức nhộn nhịp.

Chị Quế, chủ gara H.P. (Trần Khát Chân) cho biết thêm: Cả Hà Nội chỉ có một vài con Lexus, Sport hai cánh xịn, con dòng Audi thì hiện Việt Nam vẫn chưa  có phụ tùng thay thế nguyên bộ.

Những điều “Thượng đế” nên biết

Cũng theo chị Quế, chủ gara H.P. thì người mua vẫn có thể kiếm được một chiếc xe second-hand giá rẻ, thủ tục thuận tiện và chất lượng đảm bảo nếu xem kỹ trước giấy tờ xe, chọn dòng xe bình dân có nhà máy sản xuất phụ tùng trong nước như Daewoo, Kia, Toyota.

Anh Hòa cũng cho biết thêm: Chọn xe không chỉ nhìn lốp, côngtơmét, màu sơn xe phải cùng với màu sơn dưới đai cao su viền quanh kính, mép vỏ xe đều thẳng là xe chưa bị sơn, gia công lại vỏ. Đặt cục nam châm qua tấm giấy lên vỏ xe, nếu hút tốt là thép, vỏ xe chưa bị han gỉ. Chú ý sự hoạt động của pittông, xécmăng, côn, gầm, bệ là phần quan trọng, quyết định độ bền, độ an toàn mỗi xe.

Bộ phận giằng, thước lái, cân bằng tự động phải hoạt động tốt thì xe mới không bị mất lái, không dễ xảy ra tai nạn. Cuối cùng, nên có thợ xe “ruột” đi cùng, tránh tin tưởng hoàn toàn vào thợ xe ở gara, dễ “ăn hai mang” với cả khách mua và dân buôn.

Có phải tội phạm?

Thế nhưng thực tế cho thấy, trong thời gian vừa qua, rất nhiều khách hàng bị “cò” mua phải xe đã qua tay “luộc” tới vài “cầu”, tức vài lần được mông má và đã được mua đi bán lại rất nhiều mà khách hàng không hề biết. Tất nhiên, qua những lần sử dụng, ngoài hỏng hóc, thay đồ và vá đồ rởm vào đã gây cho xe không còn “linh hồn” nữa, nhiều khi nó còn “nát” như đồng nát.

Loại “cò” này chỉ ăn một mang, thậm chí là chủ gara, đồng thời chủ yếu môi giới làm ăn kiêm luôn nghề mở đại lý kinh doanh phụ tùng xe, khi “nhập hồn” hắn ta lo bán từ A đến Z, kiếm lời lớn từ việc buôn gian bán lận, cốt chỉ kiếm lợi nhuận lớn. Còn chất lượng xe luộc lại thì tùy vào sự may rủi của khách hàng.

Đã có nhiều vụ tai nạn ôtô xảy ra do xe có chất lượng “quá đát”. Có nhiều bộ phận của máy, khi khách hàng mua về chạy thử thấy vẫn ngon, nhưng có biết đâu đấy chỉ là chất lượng được lắp ráp theo kiểu râu ông nọ cắm cằm bà kia. Chỉ chạy được vài nghìn cây là mòn, là không khớp rồi mọi bộ phận không “ăn ý” với nhau, cứ thế "phản" chủ tội nghiệp. Có nhiều xe, chỉ cần một cái xóc là coi như “toi mạng” cả người lẫn xe.

Trên thực tế, một hệ thống dịch vụ phụ tùng và hàng tiêu dùng cho hành vi “luộc” xe mọc lên như nấm, bán phá giá, bán chui, trốn thuế của Nhà nước. Cũng theo điều tra của chúng tôi, ở một số dịch vụ phụ tùng, đồ bán ra đều là đồ kém chất lượng, nhập về với chất lượng thấp, giá rẻ, nhưng bán cho “cò” thì “quát” gấp ba bốn lần giá gốc, lại là đồ không có chất lượng.

Cái hệ thống dịch vụ phụ tùng này cứ ăn theo các gara xe hơi đểu, theo danh sách điểm danh, ở Hà Nội hiện tại có trên cả trăm gara ôtô tự kinh doanh từ A đến Z, làm ăn phạm pháp, trốn thuế.

Các chủ gara cứ tha hồ mà “phù phép” và săn tìm mọi thứ xe hỏng hóc, cũ nát, xe tai nạn, thậm chí cả xe tội phạm để tẩy, đục số máy. Bước thứ hai là họ lo chạy giấy tờ hoặc làm giả giấy tờ bán ra thị trường rất nguy hiểm

Nguyễn Văn Thành
.
.
.