Phụ nữ lao động ở nước ngoài: Phía sau mồ hôi và nước mắt

Thứ Tư, 16/08/2006, 14:59

Những người phụ nữ Việt Nam dằn lòng xa chồng, xa con đi xứ người hòng kiếm miếng cơm, manh áo để gửi về lo cuộc sống gia đình. Ai cũng hiểu được rằng đó là sự ra đi không dễ dàng chút nào, là cả một sự cố gắng, hy sinh quên mình. Nhưng chưa hết…

Tôi đến thắp hương cho đứa cháu bên chồng vừa chết đuối cách đây vài tháng. Căn nhà ngói 3 gian được bao quanh bởi hàng duối thay cho tường. Ngôi nhà lại ở rìa làng nên lại càng thêm hiu hắt. Bước vào trong nhà, chỉ thấy mỗi bà nội đang ngồi trông bàn thờ, nhìn những nén hương đang cháy dở; bố cháu bé, chắc do quá mệt mỏi, đang nằm ở trên giường.

Anh chị em tôi đến, bà già tôi (mẹ anh) gọi anh dậy. Mệt mỏi và ơ hờ, anh pha ấm nước chè mời anh chị em tôi. Rít một điếu thuốc lào, anh nói vu vơ: "Nó (con trai anh) mất cách đây 4 ngày". Thế rồi anh im lặng. Cái im lặng bao trùm cả 5 người chúng tôi. Tấm ảnh cháu bé trên bàn thờ ngây thơ, ánh mắt như cười, nhưng tôi hiểu, cháu không còn hiện diện trên cõi đời này nữa. Một cái bàn (chắc là bàn học của cháu) được kê tạm làm bàn thờ, lọ hoa nhỏ, nải chuối và cái đèn con. Căn nhà nhỏ đã tối, bóng đèn dầu cũng chỉ leo lét, nhập nhòe…

Căn nhà đã buồn lại càng buồn hơn khi không có sự hiện diện của người phụ nữ. Mẹ cháu, cách đây hai năm đã sang Đài Loan giúp việc. Ở nhà chỉ có ba bố con anh. Thằng anh đã lớn, nó học lớp 7, còn thằng em học lớp 4. Gia cảnh nghèo khó, anh đã thay vợ ở nhà chăm sóc hai đứa con, hy sinh mọi tình cảm để chị đi giúp việc hòng kiếm ít tiền cho gia cảnh bớt bần hàn.

Hết hạn 2 năm lao động ở Đài Loan, chị cũng gom được kha khá. Thế nhưng, vì chăm chỉ, được gia chủ tin cậy gia hạn thêm hợp đồng, thế là chị ở lại. Chị tính ở thêm một năm nữa rồi về hẳn vì thỉnh thoảng gọi điện về nhà, anh vẫn bảo gia đình bình thường, con ngoan, em cứ yên tâm. Thế rồi một ngày, thằng con trai út nó "lừa" anh (anh bảo thế), nó ghét anh, nó bỏ anh…

Anh bảo nó ghét anh thì không sao, nhưng còn mẹ nó, gần 3 năm hai mẹ con không thấy mặt nhau, con thiếu thốn tình cảm của mẹ và nó ra đi khi không nhìn thấy mặt mẹ lần cuối. Và điều đau đớn là, anh vẫn chưa dám báo tin này cho vợ biết. Chị ở bên ấy vẫn cặm cụi làm với một niềm tin, hy vọng về người chồng và những đứa con…

Nỗi buồn vì người chồng

Chị sang Đài Loan giúp việc cho một gia đình có 2 cụ già gần 80 tuổi ốm yếu, hàng ngày, phải dậy sớm làm quần quật không ngơi tay, nấu ăn, sắc thuốc, giặt giũ, đi chợ, lau nhà cửa, nâng giấc cho 2 cụ. Không ít lần các cụ phải vào viện dưỡng bệnh, chị phải trực hàng tuần trong bệnh viện chẳng được nghỉ ngơi. Bận bịu quá thì thôi chứ ngơi tay, chân là trong lòng chị cồn cào nỗi nhớ quê hương, gia đình, nơi có người chồng thân yêu và đứa con gái bé bỏng thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ.

Thiệt thòi, vất vả là thế, ăn uống lại không hợp khẩu vị, khí hậu thay đổi... khiến chị gầy gò nhưng vẫn cố gắng tất cả vì đồng tiền bát gạo. Chị bảo: "Khổ mấy chị cũng chịu được miễn sao tích lũy chút vốn trang trải nợ nần và mở mang phát triển kinh tế gia đình để thoát cảnh nghèo túng". Đều đặn, chị gửi tiền về cho chồng.

Nhưng chồng chị đã không biết xót những đồng tiền do chị làm ra. Anh ta sinh chứng đua đòi, bỏ mặc việc đồng áng. Không những thế, anh ta còn bồ bịch, gái trai… Gần trăm triệu đồng chị gửi về anh ta đã tiêu xài hết. Chị lại hoàn toàn tay trắng, còn anh chồng, đã bỏ theo người đàn bà khác

Khánh Linh
.
.
.