Phòng bệnh tim mạch và say nắng trong những đợt nắng nóng
Gần giờ trưa, dọc hành lang Khoa khám bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương ken đặc người đưa trẻ đến khám, không khí rất ngột ngạt.
Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi ngày bình quân có tới trên dưới 2.000 bệnh nhân vào khám bệnh, và trung bình có khoảng 1.000 bệnh nhân vào điều trị nội trú.
Bác sĩ Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương dự đoán, thời điểm hiện tại đang bắt đầu vào mùa dịch, cộng thêm thời tiết nắng nóng trẻ sẽ mắc nhiều các bệnh về đường hô hấp, sốt virus và viêm não.
Bệnh viêm não thường xuất hiện từ đầu tháng 5 và bùng phát từ tháng 6 đến hết tháng 8 hằng năm. Đặc điểm của bệnh là khởi sốt đột ngột với các triệu chứng liên quan đến màng não như sốt cao 39-40 độ C, tiêu chảy, nôn, bỏ ăn. Vì thế nếu thời tiết còn nắng nóng, số lượng trẻ nhập viện sẽ còn tăng cao hơn nữa.
Các bệnh viện tại Hà Nội luôn quá tải trong những ngày nắng nóng. |
Tại Bệnh viện Bạch Mai, chúng tôi chứng kiến cảnh xếp hàng đông nghịt, khổ sở vì nóng của bệnh nhân. Ngoài các bệnh lý liên quan đến thời tiết nắng nóng như bệnh đường hô hấp, tiêu chảy…, hiện đang có dịch sốt virus, có thể lây qua tiếp xúc, khiến nhiều người mắc bệnh, đông nhất là trẻ em. Theo thống kê có tới 1/4 bệnh nhi hiện vào Bệnh viện Bạch Mai là do sốt virus.
TS. Nguyễn Trung Anh - Trưởng khoa Khám bệnh- Viện Lão khoa quốc gia cho biết, hiện mỗi ngày Viện tiếp nhận khoảng 400 bệnh nhân đến khám, tăng 15 - 20% so với ngày thường. Trong số bệnh nhân nhập viện, có nhiều người bị bệnh tim mạch, tai biến mạch máu não, say nắng… do thời tiết quá nóng.
Theo các bác sỹ, thời tiết nóng làm tim phải gắng sức co bóp, gây quá tải, tình trạng suy tim tăng lên, có thể gây tử vong với người mắc bệnh van tim, bệnh tim bẩm sinh, bệnh mạch vành... Riêng với người mắc bệnh mạch vành, tim gắng sức làm tăng nhu cầu ôxy nên dễ gây thiếu máu cơ tim, gây ra triệu chứng đau thắt ngực, mệt, khó thở, có thể gây nhồi máu cơ tim.
Trong thời tiết nắng nóng, tốt nhất nên ở trong phòng, dùng điều hòa nhiệt độ hoặc quạt thoáng, mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, hạn chế ra ngoài trời vào thời điểm nắng gắt, tránh ăn quá no hay thức ăn khó tiêu, chất kích thích, uống đủ nước, vận động thể lực vừa sức.
Theo PGS.TS Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai, sốt virus thông thường không nguy hiểm, chỉ khó chẩn đoán vì dễ nhầm sang những bệnh khác. Đặc biệt, nếu không biết cách chăm sóc, dẫn đến trẻ bị biến chứng co giật hoặc viêm não thì sẽ nguy hiểm.
Thực tế qua các ca nhập viện, nhiều gia đình vẫn chưa biết cách chăm sóc trẻ sốt, như thấy trẻ sốt thì tự ý cho uống thuốc, trẻ có biểu hiện run, ra mồ hôi nhiều thì lại ủ ấm cho trẻ thay vì cởi bớt quần áo, quạt cho thoáng, đến khi trẻ bị co giật thì mới hốt hoảng đưa vào viện… Trẻ bị sốt virus có thể tự khỏi bệnh, nhưng không nên chủ quan và cần biết cách chăm sóc, theo dõi, để đề phòng biến chứng nguy hiểm