Pháo hoa "Made in Vietnam"

Thứ Năm, 03/02/2005, 08:26

Vào những dịp lễ tết, trên bầu trời thủ đô và các thành phố lớn không thể thiếu sắc màu của những chùm pháo hoa kỳ ảo, rực rỡ. Tuy nhiên, ít người biết rằng những chùm pháo hoa này là do những người lính thợ ở Công ty hoá chất 21, Bộ Quốc phòng, sản xuất. Bằng bàn tay khối óc của mình, họ đã gián tiếp vẽ lên những sắc màu huyền diệu trên bầu trời.

Cầm trên tay quả pháo hoa vừa mới "ra lò", vỏ màu nâu nhạt, chỉ to hơn quả táo Tàu một chút, Thượng uý Trần Đình Mạnh, trợ lý kỹ thuật phân xưởng sản xuất pháo hoa giải thích với chúng tôi: "Đây chỉ là loại quả nhỏ, cỡ 6,5cm. Tuy nhìn thì bé thế, nhưng khi bắn lên nó cao tới 90m, tán hoa rộng khoảng 60 mét vuông. To nhất là loại số 8, đường kính của nó tới trên 22cm, khi bắn tầm cao khoảng 270m, tán hoa rộng tới 250 mét vuông. Loại này thường được dùng để "khoá đuôi" sau mỗi màn trình diễn".

Nếu nói về sản xuất pháo hoa, Công ty Hóa chất 21 đã có truyền thống gần 30 năm nay. Ngay từ năm 1975, Công ty đã sản xuất loại sản phẩm này theo mẫu của Trung Quốc để bắn trong đêm Lễ hội mừng đất nước thống nhất. Lúc đó công nghệ sản xuất còn rất thủ công, đơn giản, toàn bộ "vốn liếng" chỉ có khoảng 10 mẫu, khi pháo "nở" trên bầu trời, người tinh mắt có thể dễ dàng nhận ra đó chỉ là những màu rất cơ bản!

Bước ngoặt quan trọng trong công nghệ làm pháo hoa ở Công ty Hóa chất 21 được đánh dấu vào năm 1995, khi 2 doanh nghiệp của Nhật Bản là Công ty Taiô và Công ty Iamaraky đặt vấn đề sản xuất theo sự chuyển giao công nghệ của họ. Kỹ sư Nguyễn Trí Dũng, Trưởng phòng KCS, người được mệnh danh là "chuyên gia pháo hoa" của Công ty tâm sự: Năm 1997, anh cùng 2 cán bộ được Công ty cử sang Nhật Bản để học tập công nghệ sản xuất pháo hoa. Về nước, anh và các đồng sự bắt tay vào nghiên cứu, chế thử và đã sản xuất thành công. Lúc đó, do quyết định cấm đốt pháo của Chính phủ nên việc sử dụng sản phẩm này trong nước dường như chưa ai dám nghĩ đến. Mục đích sản xuất chính là xuất khẩu sang chính thị trường... Nhật Bản (và sau này là thị trường Mỹ). Mãi tới năm 1999, lần đầu tiên pháo hoa của Công ty mới được bắn trong dịp Tết Nguyên đán, và đó cũng là thời điểm để Công ty quyết định mở rộng mặt hàng này.

Có thể nói, nếu nhìn hình dáng bề ngoài của quả pháo hoa và đặc biệt là khi xem nó "nở" trên bầu trời, thì nhiều người nghĩ chắc phải được sản xuất trên những dây chuyền công nghiệp rất quy mô, hiện đại. Thực ra, khi trực tiếp chứng kiến mới thấy hết vẻ thủ công và... đơn giản của nó. Quy trình để sản xuất thành phẩm một quả pháo hoa có thể "tóm lại" những công đoạn: Trộn thuốc, tạo viên màu, sản xuất ngòi, lắp ghép, bồi quả, gắn ngòi, phơi sấy và hoàn chỉnh bao gói. Trong tất cả các công đoạn đó, ngoài trộn thuốc, tạo viên và phơi sấy ít nhiều có liên quan đến máy móc cơ khí, còn lại hầu hết là do lao động thủ công, bằng chính đôi tay của những người lính thợ.

Người công nhân sản xuất pháo hoa cũng giống như một nghệ nhân, đó là họ lưu giữ cho hiện tại và tương lai những giá trị thẩm mỹ truyền thống lâu đời. Họ cần cù, tỉ mẩn đến từng chi tiết, đường nét để tạo ra một sản phẩm có tính thẩm mĩ cao, nhưng đồng thời cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt những yêu cầu về kỹ thuật - yếu tố quyết định tới vẻ đẹp của quả pháo hoa sau khi bắn.

Bí quyết để có được những chùm "hoa thăng thiên" muôn màu sắc, hình dáng phong phú, đa dạng phụ thuộc vào thành phần thuốc, tỉ lệ phối liệu các viên màu và phương pháp lắp ghép. Những ngày đầu mới làm theo công nghệ của Nhật Bản, Công ty chỉ sản xuất được khoảng vài chục mẫu với 7 loại kích cỡ, đến nay các loại pháo hoa đã được phát triển lên tới gần 150 mẫu, mà khi nghe qua cũng đủ gây ấn tượng: Hoa cúc có nhụy, sóng vàng lấp lánh, sóng trắng chuyển hoa, mưa trên hoa cúc, liễu rủ vàng, hoa nở và vương miện, mưa vàng, trái tim, nụ cười, suối bạc, hoa hướng dương...  Năm 2004 vừa qua, lần đầu tiên Công ty sản xuất được loại pháo hoa không có rác, đảm bảo trong sạch cho môi trường sau mỗi lần "hoa nở"…

Nhân đây được nói thêm về kỹ thuật bắn pháo hoa. Tuy công nghệ sản xuất được chuyển giao từ Nhật Bản, thế nhưng họ lại không chuyển giao phương tiện bắn (lâu nay vẫn gọi là súng, hoặc ống phóng). Được biết, công nghệ của Nhật hiện nay rất cao, khi bắn sẽ dùng bộ điều khiển đã được lập trình tự động làm cho độ chụm, thời gian và "khả năng nổ" của pháo hoa thường... trăm phát, trăm trúng! Có điều, giá thành của nó khá đắt, lên tới cả tỉ đồng Việt Nam, mà pháo hoa thì không phải lúc nào cũng đem ra bắn. Vậy nên các cán bộ kỹ thuật của Công ty Hóa chất 21 đã nghiên cứu, tìm ra một kiểu bắn riêng, đó là "tự trang, tự chế" lấy ống phóng, bố trí nó theo kiểu "trận địa".

Thời kỳ đầu, khi bắn "pháo thủ" phải cầm từng quả một thả xuống "nòng" như bắn súng cối. Động tác thủ công đó rất không an toàn cho người sử dụng. Những năm gần đây, Công ty "phát triển" lên một kỹ thuật cao hơn, đó là "ém" sẵn pháo trên dàn, dùng dây điện dẫn ra khỏi "trận địa" rồi kích nổ. Điều đó không chỉ đảm bảo an toàn mà còn có thể bắn theo nhạc, theo từng đợt hoặc một kịch bản đã định sẵn trông rất đẹp.

Trong dịp SEA Games và Para Games tổ chức tại Việt Nam vào cuối năm 2003, lần đầu tiên dàn bắn pháo hoa theo công nghệ của Nhật Bản được đưa ra sử dụng. Chính vì vậy, khi những chùm "hoa thăng thiên" nở rực rỡ, lung linh giữa màn trời đêm, nhiều người như không tin nổi vào mắt mình - sự diệu kỳ của pháo hoa Việt Nam!

Đã trở thành quy định của Chính phủ, Tết này người dân trong cả nước lại được xem bắn pháo hoa. Rất có thể khi những chùm "hoa thăng thiên" đang lung linh khoe sắc trên bầu trời, thì cũng là lúc những người lính thợ Công ty Hóa chất 21 vẫn lặng lẽ vào ca. Họ như những bông hoa thầm lặng, khoe sắc về đêm, làm đẹp thêm mỗi miền quê đất nước khi Tết đến, Xuân về..

Lê Thiết Hùng
.
.
.