Người dân, chính quyền địa phương:

Phản đối dự án “phá rừng” của Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận

Thứ Ba, 26/07/2005, 08:41

"…Trong quá trình lập và duyệt dự án, không có đơn vị nào trao đổi với chúng tôi. Hiện trạng mà dự án xác định là đất trống và rừng Ic là không thực tế, vì rừng chồi gì mà lắm gỗ to thế? Bà con chúng tôi phản đối dự án này…" - Những bức xúc của Chủ tịch UBND xã La Dạ, B'Rông Tẻm trong cuộc trao đổi với chúng tôi chiều 23/7.

Thời gian vừa qua, sau khi Báo CAND phanh phui hành vi triệt phá rừng phòng hộ đầu nguồn của Xí nghiệp Lâm - nông - công nghiệp Hàm Thuận Bắc (XNL-N-CN.HTB) tại xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, chúng tôi đã nhận được rất nhiều thông tin của quần chúng cấp báo việc XNL-N-CN.HTB ngày đêm cho vận chuyển hết số lượng gỗ quý đã khai thác để phi tang. Họ còn huy động lực lượng, ngày đêm tranh thủ đào bới cả những gốc cây gỗ quý thuộc nhóm I và II, vận chuyển theo đường "tiểu ngạch" để phi tang, xóa sạch tang chứng, vật chứng trước khi đoàn kiểm tra do UBND tỉnh được thành lập.

Sáng 23/7, chúng tôi trở lại cánh rừng bạt ngàn bị triệt phá trước đây, và thực tế những gì quần chúng phản ánh quả không sai. Tại bãi gỗ của XNL-N-CN.HTB, lần trước chúng tôi chứng kiến có khoảng 2.000m3 gỗ, trong đó có rất nhiều gỗ bằng lăng, dầu… vậy mà chỉ nửa tháng qua, số sỗ ở đây đã được vận chuyển đi gần hết. Số gỗ ít ỏi còn lại chỉ là gỗ tạp và những cây hư hỏng.

Đặc biệt, hơn 100 gốc cây cổ thụ thuộc các loại gỗ nhóm I và II như giáng hương, gõ, căm xe và sao, có đường kính từ 1m trở lên, có gốc nặng khoảng 2 tấn cũng đã được XNL-N-CN.HTB chở đi gần hết. Hiện ở bãi gỗ chỉ còn lèo tèo hơn 20 gốc.

Số này còn tồn tại bởi có một đoàn của kiểm lâm đến kiểm tra, đánh dấu cấm tiêu thụ. Tiến sâu vào rừng phòng hộ đầu nguồn, chúng tôi phát hiện một số cây gỗ lim bị chặt hạ và cất giấu trong rừng cũng đã biến mất. Nhiều gốc cây giáng hương, sao, căm xe tại khu rừng phòng hộ đầu nguồn cũng đã bị đào bới lấy gốc, số rễ cành còn lại cũng được "lâm tặc" gom lại phóng hỏa để phi tang…

Một điều không bình thường là trong lúc XNL-N-CN.HTB đang tích cực xóa dấu vết hòng phi tang thì Đoàn kiểm tra của tỉnh thành lập, vẫn được chỉ đạo ngồi tại Phan Thiết để "ngâm cứu tài liệu". Chính sự chậm trễ khó hiểu này đã tạo điều kiện cho XNL-N-CN.HTB có điều kiện tiêu huỷ chứng cứ.

Thêm nữa, cách nay một tuần, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Thuận đã thành lập một đoàn kiểm tra do hai vị lãnh đạo dẫn đầu, lên La Dạ để kiểm chứng những gì mà Báo CAND phản ánh. Nhưng không hiểu Đoàn này kiểm tra thực tế ra sao mà cho đến nay vẫn không đưa ra được kết luận trình UBND tỉnh xem xét?

"Rừng thiêng" cũng bị  hủy hoại

Đó là chuyện bức xúc nhất của bà con dân tộc K'Ho sống tại xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc. Ông K'Tin, 80 tuổi; ông B'Rông Biên, 56 tuổi; bà B'Đam Thị Bốn, bà M'Đam Thị Sáu, 60 tuổi là những người sinh ra và lớn lên tại thôn 2, xã La Dạ đã dẫn chúng tôi ra tận nơi "đất trống" nằm trong dự án mà XNL-N-CN.HTB đã cày xới, nói:

Chỗ này là rừng “Ông Bà” của người K'Ho chúng tôi, từ bao đời nay, chúng tôi gìn giữ, vậy mà "ông lâm sản" đã đưa máy vào cưa sạch sẽ. Họ đạp cả lên mồ mả ông bà chúng tôi để chặt cây, sau đó dùng máy ủi san phẳng nghĩa địa. Chúng tôi đã khóc, đã đến tận nơi van xin họ đừng chặt cây nữa, nhưng chẳng ai cứu giúp chúng tôi cả…

Những cây bằng lăng trong rừng "Ông Bà" có đường kính 1,5m đã được XNL-N-CN.HTB đánh dấu để triệt hạ.

Chiều 23/7, mặc dù đang diễn ra đại hội Đảng bộ xã, nhưng Chủ tịch UBND xã La Dạ - B'Rông Tẻm tranh thủ tiếp chúng tôi. Anh rất bức xúc cho rằng: Nhiều người dân và cán bộ xã La Dạ đã phản đối dự án của Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận vì nó không đúng thực tế. Trước khi thiết kế và khi triển khai dự án, UBND xã La Dạ không hề được một đơn vị nào bàn bạc ý kiến cả.

Chủ tịch B'Rông Tẻm khẳng định, khu đất trên 1.000ha được cắm mốc trong dự án của Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận là rừng già chứ không phải đất trống như tỉnh phê duyệt. 4 khu rừng tại thôn 2 là rừng "Ông Bà" của người dân tộc K'Ho có từ trên 300 năm tuổi, người dân K'Ho chọn nơi rừng già này làm nơi chôn cất những người đã chết. Chính vì thế mà họ gìn giữ và coi là “rừng thiêng”. Luật của buôn làng là không được chặt phá.

Theo Chủ tịch B'Rông Tẻm thì XNL-N-CN.HTB đã đưa quân vào khai thác trắng 3 trong số 4 khu rừng "Ông Bà". Còn lại một khu duy nhất, XNL-N-CN.HTB cũng cho người vào đánh dấu cây và đang tiến hành chặt hạ. Bức xúc quá, già làng và bà con vác xà gạt (dao phát rừng) vào dàn hàng ngang ngăn chặn.

Uất ức vì “rừng thiêng” bị tàn phá, "động" đến mồ mả tổ tiên, “Ông Bà” cũng không còn đất và rừng để "ở", bà con đã kéo đến UBND xã phản đối và buộc XNL-N-CN.HTB phải bồi thường mỗi khu nghĩa địa là 30 triệu đồng để họ mua đồ tế lễ, tạ lỗi với “Ông Bà”.

Thế nhưng, sau 3 lần lãnh đạo UBND xã La Dạ họp với XNL-N-CN.HTB truyền đạt tinh thần của bà con buôn làng nhưng XNL-N-CN.HTB vẫn phớt lờ. Ngay sau đó, UBND xã La Dạ đã có văn bản gửi lên huyện Hàm Thuận Bắc đề nghị can thiệp ngăn chặn việc triệt phá rừng và bồi thường rừng cho bà con dân tộc K'Ho. Thế nhưng, xã vẫn chỉ nhận được một sự im lặng. Và người K'Ho lại trông chờ vào tỉnh, nhưng tỉnh thì vẫn đang "bình chân như … vại"

Nhóm PVPL&BĐ
.
.
.