Phần 2 bộ phim "Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông" sẽ ra mắt vào dịp 2/9

Thứ Tư, 16/06/2010, 09:16

"Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông" phần 2 (còn có tên gọi "Vượt qua bến Thượng Hải") là bộ phim do Nhà nước đặt hàng, được đầu tư 15 tỷ đồng và Nhà nước tài trợ 70% sẽ ra mắt vào 2/9 năm nay, nhân dịp 65 năm Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Đây là bộ phim thứ 2 hợp tác giữa Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam và Trung Quốc. Một sự tình cờ khi đạo diễn Triệu Tuấn người Việt Nam là đạo diễn của Đài Truyền hình Việt Nam, còn đạo diễn Phạm Đông Vũ cũng là đạo diễn của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc. Ông tốt nghiệp Học viện Điện ảnh Bắc Kinh và khởi nghiệp từ một diễn viên với giải thưởng trong phim "Kung phu" và 2 giải thưởng quốc gia trong vai trò đạo diễn,

Khác với "Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông" phần I, lần này, ekip làm phim người Trung Quốc thực hiện với tư cách làm dịch vụ cho phía Việt Nam. Bối cảnh phim cũng rộng hơn khi diễn ra ở cả Hạ Môn và Thượng Hải, nhiều nhân vật hơn và phim có nhiều tình tiết sáng tác. Diễn viên cũng nhiều thay đổi. Không phải là Trần Lực vào vai Nguyễn Ái Quốc, mà Minh Hải, chàng thanh niên xứ Nghệ của Nhà hát Tuổi trẻ có ngoại hình khá giống Nguyễn Ái Quốc khi trẻ, đã lọt mắt xanh đạo diễn Phạm Đông Vũ, khi ông sang Việt Nam trực tiếp casting diễn viên. Nữ diễn viên Mỹ Duyên cũng vượt qua nhiều gương mặt để nhận vai nữ chính, cô y tá Phương Thảo, người luôn bên cạnh chăm sóc và dành tình cảm đặc biệt cho Nguyễn Ái Quốc.

"Vượt qua bến Thượng Hải" sẽ là một trong rất ít tác phẩm nghệ thuật đề cập đến chuyện tình cảm riêng tư liên quan đến vị lãnh tụ. Đạo diễn Phạm Đông Vũ cho biết, vai diễn của Mỹ Duyên khá nặng ký, làm sao thể hiện được tình cảm sâu nặng dành cho Nguyễn Ái Quốc, nhưng lại phải chừng mực, tình cảm mà không khô cứng. Nữ diễn viên Mỹ Duyên tâm sự: "Đây là một vai diễn đòi hỏi sự tinh tế cao. Vì tình cảm Phương Thảo dành cho Nguyễn Ái Quốc vừa có tình yêu thầm kín của người con gái, lại vừa có sự kính trọng, tôn thờ một bậc anh hùng, nghĩa khí…". Thế nhưng, cô đã thể hiện thành công vai diễn, khiến đạo diễn luôn khen ngợi.

Một cảnh trong phần 2 bộ phim "Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông".

Đạo diễn Phạm Đông Vũ cũng cho biết, dẫu chưa từng được gặp Hồ Chủ tịch, nhưng thế hệ ông đã được nghe nhiều về các vị lãnh tụ như Hồ Chí Minh, Kim Nhật Thành, Mao Trạch Đông v.v… nên ông đã hiểu nhiều về các lãnh tụ. Họ đều có những phẩm chất chung, nhưng ở Nguyễn Ái Quốc lại có đặc điểm nổi trội là sứ mệnh cao cả của vị lãnh tụ trong tương lai. Đó không phải là sứ mệnh tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản, mà là sứ mệnh giải phóng dân tộc và độc lập dân tộc là lý tưởng cao nhất với Nguyễn Ái Quốc. Điều này, đạo diễn Phạm Đông Vũ hiểu sâu sắc và ông phải thể hiện được trong tác phẩm của mình.

Với tình cảm dành cho lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đạo diễn Phạm Đông Vũ và Triệu Tuấn đều cố gắng ở mức cao nhất để thể hiện chân thực vị Anh hùng dân tộc của Việt Nam. Để quay cảnh Nguyễn Ái Quốc đón Tết ở Hạ Môn, các đạo diễn phải lập một bàn thờ Tết đúng theo phong tục Việt: có cành đào, mâm ngũ quả, bánh chưng xanh. Giám đốc hãng Nguyễn Xuân Hưng chụp ảnh một bàn thờ với mâm ngũ quả ở Việt Nam gửi sang, để các đồng nghiệp ở Trung Quốc tìm mua và sắp xếp theo. Đoàn làm phim cẩn thận mang sang từ Việt Nam mấy chiếc bánh chưng và cả gói cốm làng Vòng, để làm đạo cụ. May mà những ngày này đang mùa hoa đào nở ở Trung Quốc.

Để quay bối cảnh ở Hội An và Sài Gòn những năm 1920-1930, các đạo diễn phải rất vất vả để tìm lại được các mẫu quần áo, dép râu và cả những biển hiệu cửa hàng ở Việt Nam thời kỳ đó. Lựa chọn diễn viên quần chúng, đạo diễn Phạm Đông Vũ yêu cầu phải là những người có hiểu biết về văn hóa và gần gũi với người Việt Nam, để thể hiện được cốt cách của người Việt Nam. Đạo diễn Triệu Tuấn và các diễn viên của Việt Nam lại tỏ ra ngưỡng mộ tính chuyên nghiệp của điện ảnh Trung Quốc. Việc chuyển cảnh ở Việt Nam phải mất vài ngày, nhưng ở trường quay của Trung Quốc, chỉ mất chừng 2 tiếng.

Tâm sự với chúng tôi, đạo diễn Phạm Đông Vũ tỏ ra hài lòng với dàn diễn viên Việt Nam khi các diễn viên đều rất hợp vai diễn về ngoại hình. Điều quan trọng hơn nữa là các diễn viên diễn xuất tốt, lột tả được tinh thần của nhân vật. Ông đã không lầm khi chọn Minh Hải cho vai lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, khi anh nhập vai có chiều sâu, thể hiện được cốt cách, tinh thần của vị lãnh tụ trong tương lai: nhanh chóng, chuẩn xác nhưng không vội vàng và không bao giờ cuống. Điều làm đạo diễn Phạm Đông Vũ an tâm còn là tinh thần làm việc nghiêm túc của các diễn viên Việt Nam. Mặc dù không quen chịu lạnh, nhưng các diễn viên Việt Nam vẫn làm việc đầy hiệu quả dưới cái lạnh 2 độ C, trong đêm khuya với chiếc áo mỏng.

Do Nhà nước chỉ tài trợ 11 tỷ đồng trong tổng số 15 tỷ đồng làm phim, Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam phải vay 4 tỷ đồng. Điều này, buộc Hãng phải đề cao tính hấp dẫn, bên cạnh tính chính luận, để phim có lãi. Đây thực sự là áp lực với Hãng. Tuy nhiên, khi tôi hỏi ông có cảm thấy áp lực không khi làm phim về lãnh tụ ở một đất nước khác, hơn nữa, lại cần phải hấp dẫn, là điều vô cùng khó khăn, đạo diễn Phạm Đông Vũ tự tin trả lời rằng, lãnh tụ cũng là con người, chỉ có nhân cách lãnh tụ là cao hơn mọi người. Người đạo diễn này còn chia sẻ mong muốn sẽ có được một giải thưởng về điện ảnh ở Việt Nam.

Hé lộ ban đầu về bộ phim này là sẽ có khá nhiều bất ngờ dành cho người xem. Phim vẫn giữ phong cách của Phạm Đông Vũ với tiết tấu nhanh, hình ảnh đẹp và chăm chút đến từng chi tiết nhỏ nhất, đạo diễn Phạm Đông Vũ và Triệu Tuấn hy vọng sự sáng tạo của mình sẽ mang cho khán giả Việt Nam và cả Trung Quốc những cảm nhận thật đẹp về lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc: Người không chỉ đơn thuần là một lãnh tụ cách mạng trong tương lai, mà là một con người bình dị, nhân ái, thủy chung.

Dự kiến, phim sẽ được phát sóng trên Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc, còn tại Việt Nam, phim sẽ được trình chiếu tại Megastar 1 tuần vào cuối tháng 8/2010

Thanh Hằng
.
.
.