Quốc hội thảo luận về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm:

Phải phát huy sức mạnh toàn xã hội

Thứ Năm, 27/10/2011, 15:39
Hôm qua (26/10) Quốc hội (QH) đã dành nhiều thời gian thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao; công tác thi hành án và công tác đặc xá.

Trong đó, các đại biểu QH tập trung phân tích nguyên nhân tội phạm và chống người thi hành công vụ, sự vào cuộc của các cấp các ngành, các giải pháp cấp bách hữu hiệu để ngăn ngừa và xử lý tội phạm và hướng giải quyết…

Sự manh động của tội phạm trẻ

Tình hình tội phạm xảy ra trong thời gian qua đã khiến các đại biểu âu lo. Nhất là tội phạm tuổi vị thành niên dùng hung khí nóng để gây án đang khiến các bậc cha mẹ, gia đình và cả xã hội quan tâm. Vì sao lại xảy ra những vụ việc đau lòng như vậy. Đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) cắt nghĩa, do tuổi vị thành niên có nhiều thay đổi về tâm lý, không cân bằng về thể chất và thần kinh, tâm lý ở thời kỳ chưa ổn định…

Đại biểu bức xúc: “Nhiều phụ huynh chưa quan tâm đến con cái, chưa dành nhiều thời gian cho con, chưa quản lý con cái chặt chẽ. Có gia đình thì nuông chiều con, phó thác cho nhà trường và xã hội. Trong khi đó, quản lý của các ngành chức năng còn lỏng lẻo, Internet về tới tận hang cùng ngõ hẻm… Và, có một nguyên nhân phạm tội nữa ở tuổi vị thành niên là, nhiều em từ những miền quê nghèo, về thành phố kiếm việc làm nhưng đã sa vào nghiện ngập, cờ bạc vào game online, lao vào ăn chơi trụy lạc dẫn tới phạm tội đau lòng”.

Đưa ra giải pháp, bà Minh kiến nghị các cơ quan chức năng, gia đình và nhà trường tiến hành dạy kỹ năng sống cho học sinh; cuốn hút các em vào các hoạt động đoàn thể, xã hội, các hoạt động tình nguyện…

Đại biểu QH Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội) cũng đồng tình với đại biểu Ngô Thị Minh, cha mẹ do mải mê làm ăn, chưa quan tâm nhiều đến con cái. Ông cho rằng, khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày càng lớn, vì thế các bậc phụ huynh không giám sát được những việc làm, hành vi của con em mình. Trong khi đó, nhà trường thường chỉ quan tâm tới dạy kiến thức, chưa dạy kỹ năng sống cho các em khi bước vào cuộc sống.

Nói về tình hình tội phạm hiện nay, đại biểu Lương Thị Huyền (Ninh Bình) và đa số đại biểu đều cho rằng, tình hình vi phạm pháp luật gia tăng nhưng Chính phủ đã có biện pháp quyết liệt, lực lượng Công an đóng vai trò nòng cốt, nhất là những địa bàn trọng điểm, góp phần giữ vững an ninh trật tự. Lực lượng Công an đã tập trung điều tra các vụ án nghiêm trọng khẩn trương nhanh chóng để ổn định tình hình ANTT.

Nguyên nhân nảy sinh tội phạm thì có nhiều, việc chấp hành pháp luật của một số người dân còn hạn chế, văn hóa phẩm đồi trụy chưa được quản lý chặt chẽ, sự phối hợp của các cấp, các ngành chưa đồng bộ. Bà Huyền nhấn mạnh, cần xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, ANTT ở các địa bàn hình thành mô hình tự quản, quản lý các dịch vụ vũ trường, quán Internet… Tội phạm tham nhũng, tội phạm công nghệ cao, tội phạm môi trường… cũng được các đại biểu đề cập.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh Ngô Thị Minh phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN .

Nhiều cán bộ chiến sĩ Công an anh dũng hy sinh

Giữa thời bình mà vẫn còn nhiều chiến sĩ Công an hy sinh xương máu để bảo vệ bình yên Tổ quốc. Nhiều đại biểu Quốc hội đã thể hiện sự xót xa khi tội phạm ngày một manh động, tổ chức thành những băng nhóm, trắng trợn gây án, chống người thi hành công vụ. Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) bức xúc: “Tội phạm gia tăng cả về số vụ và bị can. Bộ Công an đã có chỉ đạo quyết liệt nhưng vẫn diễn biến phức tạp. Nhiệm vụ phát triển kinh tế là trọng tâm, nhưng có ổn định xã hội mới phát triển kinh tế tốt”.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu) bày tỏ: “Tôi đánh giá cao công tác lãnh đạo của Đảng và vai trò tham mưu của các cấp, đặc biệt là lực lượng Công an trong đấu tranh phòng chống tội phạm”. Đại biểu diễn giải, tình hình tội phạm đang diễn biến phức tạp, ma túy, tham nhũng, tội phạm dùng vũ khí nóng với những hành vi phạm tội dã man… đang là vấn đề được người dân quan tâm và là nỗi lo của tất cả chúng ta. Vì vậy, cần phải có giải pháp đồng bộ phối hợp quyết liệt. Nếu phát triển kinh tế mà ANTT chưa đảm bảo thì không thể an toàn… cần phải nâng cao nhận thức của người dân. Và gia đình luôn là đối tượng để tội phạm tấn công. Vì vậy, vai trò ở cơ sở là rất quan trọng, nhưng hiện nay chính sách đối với lực lượng Công an cơ sở thì còn khiêm tốn.

Đánh giá kết quả trong đấu tranh phòng chống tội phạm, đại biểu Trịnh Xuyên (Thanh Hóa) cho rằng, nếu không làm tích cực thì tội phạm còn phức tạp hơn nhiều. Cơ quan điều tra đã tích cực điều tra xử lý nhiều vụ án. Lực lượng Công an đã góp phần tích cực trong giữ gìn ổn định đất nước chúng ta, thúc đẩy phát triển kinh tế trong điều kiện hết sức khó khăn.

Đồng cảm với những khó khăn này, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) khẳng định: “Tội phạm ngày càng trẻ hóa, tội giết người do nguyên nhân xã hội chiếm 95%, từ đó cho thấy đạo đức xã hội là đáng lo ngại. Tội phạm ma túy nghiêm trọng, manh động, nhiều cán bộ chiến sĩ Công an đã anh dũng hy sinh trên mặt trận phòng chống ma túy để giữ gìn bình yên”.

Đa số các đại biểu đều đồng tình với đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang), hiện tượng băng nhóm xã hội đen hoạt động manh động, trắng trợn. Trong đấu tranh với loại tội phạm nguy hiểm này đã có nhiều cán bộ, chiến sĩ Công an bị thương, hy sinh và phơi nhiễm HIV. Bà Thủy kiến nghị, phải tăng cường đủ mạnh để chống tội phạm, làm sao để người thi hành công vụ có biện pháp bảo vệ hiệu quả. Cần tăng biên chế, tiền lương, giáo dục đạo đức, nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ Công an, đặc biệt là những lực lượng trực tiếp chiến đấu.

Chủ động phòng ngừa, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc

Các đại biểu QH đều nhất trí cao khi có ý kiến đưa ra: Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc trong công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm hiện nay. Đại biểu Trịnh Xuyên (Thanh Hóa) nhấn mạnh, đề nghị Chính phủ huy động sức mạnh của cả xã hội, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, trong đó lực lượng Công an làm nòng cốt. Trước hết cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân, phải mở rộng các đợt cao điểm phòng chống tội phạm, nâng cao ý thức phòng ngừa ở các cơ quan, doanh nghiệp.

Đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) thì đánh giá rất cao những nỗ lực của các lực lượng Công an. Ông cho rằng, trong phòng chống tội phạm, báo cáo vẫn còn tập trung vào lực lượng Công an, còn các lực lượng khác thì chưa đậm nét. Cần phải có đồng bộ sư phối hợp của các cấp, các ngành thì mới thành công. Ví dụ, tình hình tai nạn giao thông, nạn ùn tắc giao thông, ý thức của người dân là rất lớn, cần phải tìm biện pháp tác động tới người dân một cách hữu hiệu. Tán thành với ý kiến này, đại biểu Võ Thị Hồng Thoại cho rằng, cần có biện pháp đồng bộ phối hợp quyết liệt. Mục tiêu của ta là làm thế nào để thực sự có hiệu quả trong phòng chống tội phạm. Cần nâng cao nhận thức của người dân, dân hiểu thì sẽ thực hiện có hiệu quả. Bà Thoại ví dụ: “Khi hỏi một tội phạm ma túy thì họ bảo không biết pháp luật nên vi phạm. Vì thế việc phòng ngừa chống vi phạm pháp luật là của toàn dân”

Kim Quý- Đăng Trường
.
.
.