Những mốc son lịch sử

Phá tề, trừ gian, bảo vệ vùng căn cứ

Thứ Bảy, 01/08/2015, 10:00
Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Bác Hồ, lực lượng CAND cùng với đồng bào cả nước đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.


Ngày 21/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 23 - SL thành lập Việt Nam Công an vụ. Ngày 13/3/1947, Bộ Nội vụ ra Nghị định số 36-NĐ quận Công an trong phạm vi các tỉnh. Ngày 16/5/1947, Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ nhất quyết định bỏ Sở Công an Bắc Bộ và Sở Công an Trung Bộ, lập Công an các khu. 

Trong thời gian này, Nha Công an Trung ương được củng cố tổ chức gồm có Văn phòng, Ty điệp báo, Ty trật tự, Ty chính trị, bộ phận bảo vệ an toàn khu. Ở các ty Công an, lập các quận Công an. Các đơn vị công an cũng bố trí một số bộ phận như điệp báo, trinh sát ở gần các khu trọng điểm để nắm tình hình địch.

Ngay khi thực dân Pháp mở cuộc tiến công lên Việt Bắc, Công an các tỉnh Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn… đã bố trí trinh sát nắm tình hình hoạt động của địch, kịp thời báo cho ban chỉ huy chiến dịch những tin tức và hướng tấn công của địch. Phối hợp với chiến trường Việt Bắc, ở những vùng sau lưng địch, các đơn vị Công an xung phong, các đội hành động hoạt động phá tề, trừ gian, gây nhiều tổn thất cho địch.

Ngày 25/1/1948, Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 2 tổ chức tại Tuyên Quang. Hội nghị đã thống nhất ở Nha Công an đặt thêm Ty tuyên nghiên huấn. Sở Công an liên khu đặt thêm chức phó giám đốc, trưởng ty Công an phải kiêm trưởng ban chính trị. 

Ngày 11/3/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng chí Giám đốc Công an Khu XII, trong thư Người đã dạy cán bộ, chiến sĩ Công an phải rèn luyện tư cách người Công an cách mệnh, là: Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính. Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ. Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành. Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép. Đối với công việc, phải tận tụy. Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Bác Hồ, Công an các khu, tỉnh và thành phố chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Công an các tỉnh, thành phố bố trí lực lượng luồn sâu vào vùng địch xây dựng cơ sở nắm tình hình, hình thành mạng lưới điệp báo ngay trong lòng địch. 

Đầu năm 1949, Đảng chủ trương biến hậu phương của địch thành hậu phương của ta, phát triển du kích chiến tranh ở vùng sau lưng địch, lực lượng Công an đã làm nòng cốt trong các chiến dịch tổng phá tề, trừng trị nhiều tên ngoan cố, bắt những tên nguy hiểm để khai thác, giáo dục. Ở một số địa phương, lực lượng Công an cùng các đoàn thể bố trí người đứng ra lập hội tề với phương châm sử dụng hội tề là để đi tới phá tề. 

Công tác phá tề là một cuộc đấu tranh thường xuyên, liên tục ở vùng địch kiểm soát. Đồng thời, lực lượng Công an đẩy mạnh công tác đánh địch, trừng trị những bọn cầm đầu trong bộ máy đàn áp của chúng.

Trong phong trào phá tề, trừ gian đã xuất hiện nhiều gương chiến đấu dũng cảm, mưu trí, kiên cường của cán bộ, chiến sĩ Công an. Điển hình như đồng chí Trần Việt Hùng, Đội trưởng Đội trừ gian Ty Công an Hải Dương; Trần Văn Châu, Đội trưởng Đội Công an xung phong Ký Con, Nam Định; Nguyễn Xuân Thưởng, Công an Thừa Thiên; Bửu Đóa, Đội trưởng Đội Công an xung phong Khánh Hòa; Võ Thị Sáu, đội viên Đội Công an xung phong Đất Đỏ, Bà Rịa… 

Tháng 2/1950, trong phiên chợ giáp Tết Canh Dần, Võ Thị Sáu dùng lựu đạn tiêu diệt 2 tên Cả Đay và Cả Suốt, là những tên ác ôn, có nhiều nợ máu với nhân dân. Không may bị địch bắt, mặc dù bị tra tấn dã man nhưng chị luôn nêu gương anh dũng, không khai báo, không chịu khuất phục. Địch đưa ra xử bắn, chị vẫn hiên ngang nhìn thẳng họng súng kẻ thù, hát vang bài “Tiến quân ca”, hô vang “Hồ Chí Minh muôn năm”…

Tại các vùng hậu phương và căn cứ của ta, các vùng tự do, lực lượng công an đẩy mạnh công tác xây dựng lực lượng, bố trí trinh sát, Công an trật tự làm nhiệm vụ bảo vệ chính quyền cơ sở, vận động nhân dân thực hiện phong trào bảo mật phòng gian. Nhờ đó, vùng hậu phương, căn cứ của ta được củng cố.

CAND
.
.
.