Phá tan âm mưu của tình báo, gián điệp Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Thứ Năm, 17/04/2014, 10:41
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, các cơ quan Phòng Nhì và SDECE (Tổng cục Tình báo - Phản gián) của Pháp rất tích cực phục vụ cho Nava, Tổng Tư lệnh quân viễn chinh Đông Dương. Sau đây là hai trích đoạn từ hồi ký của hai sĩ quan tình báo Pháp đã viết:

Jean Ferrandi, quan ba Thường trực Phòng Nhì Bắc Đông Dương, trong cuốn “Sĩ quan Pháp đối mặt với Việt Minh (1) đã kể rằng: Ngày 15/9/1953, tôi được Đại tướng Tổng Tư lệnh Navarre triệu tập. Tôi lấy làm lạ vì chưa bao giờ Đại tướng triệu tập cấp dưới loại như tôi (2). Trên bàn làm việc của Đại tướng có bức ảnh lớn đề là “Điện Biên Phủ”. Đại tá Berteil, Tổng Tham mưu phó, bảo tôi: “Tôi biết Đại úy đã cùng Đại tướng Salanv đến Điện Biên Phủ ngày 11/11/1952, trước khi Việt Minh chiếm nơi đó. Yêu cầu ông tả lại phong cảnh Điện Biên thật rõ ràng”.

Sau khi nghe tôi tả xong, Đại tá nói thêm: “Chắc ông đoán được mục đích cuộc nghe báo cáo này, vậy ông không được nói với người khác, vì đây là việc rất bí mật”.

Tôi càng đoán được rằng, Tổng Tư lệnh Navarre đã chọn Điện Biên Phủ để đánh gãy xương sống Việt Minh.

Ferrandi viết tiếp:

…“Ngày 20/11/1953, lính dù của tướng Gilles chiếm được Điện Biên Phủ một cách dễ dàng… Tôi được Đại tá Berteil hỏi: “Theo Phòng Nhì, Việt Minh có bao nhiêu đạn để tấn công Điện Biên?”.

- Họ đã đưa đến Điện Biên Phủ 15.000 viên đạn, súng cối và đại bác. Tôi trả lời.

- Về mặt này chúng ta đã thắng, Berteil nhận định, vì chúng ta có 60.000 đạn đại bác.

Tôi cố tranh luận với Đại tá Tổng Tham mưu phó, vì Việt Minh vẫn hơn ta ở chỗ: Họ chỉ cần bắn tập trung vào một cứ điểm, còn ta phải bắn vào cả khu lòng chảo rộng hơn rất nhiều.

Berteil cãi: “Thế ta không biết phản pháo lại hay sao? Ông chẳng biết về pháo binh vì ông không phải là dân pháo thủ!”.

“Đây là sai lầm rất lớn, sai lầm lớn nhất của các tham mưu của Đại tướng Navarre, vì họ không ngờ được rằng Việt Minh lại có thể đưa được đại bác lên sườn núi để chĩa súng bắn thẳng vào các cứ điểm của ta. Sâu xa hơn, các quân sư của Đại tướng đều mắc phải bệnh coi thường đối phương”.

Ferrandi viết tiếp: “Vào tháng giêng năm 1954, Phòng Nhì đã nắm hoàn toàn kế hoạch tác chiến của Việt Minh: Họ đã bỏ ý đồ tiến qua Lào để tập trung lực lượng lớn về Điện Biên Phủ, nhằm tiêu diệt quân chiến lược của ta. Trinh sát Việt Minh đã tiến hành điều tra rất tỉ mỉ địa bàn… Còn Bộ Tổng Tư lệnh của ta lại rất vui mừng vì đã buộc đối phương phải giao chiến để chúng ta tiêu diệt chúng theo kế hoạch của ta… Những người thân cận của Đại tướng Tổng Tư lệnh đều rất lạc quan, trừ Phòng Nhì bị họ coi là bọn phá đám.

“Phòng Nhì đã theo dõi Hậu cần của Việt Minh từ biên giới Việt – Trung đến Điện Biên Phủ thấy đội xe vận tải của họ từ 600 chiếc hồi đầu năm 1953, nay đã tăng vọt lên 2.000 xe; họ đã trữ lương thực đủ nuôi 7 vạn người trong 70 ngày (căn cứ vào tiêu chuẩn ăn hằng ngày của lính Việt Minh). Việt Minh đã điều ba đại đoàn có đủ vũ khí hạng nặng vào chiến trường này.

“Sau khi mất hai căn cứ Béatricte (Him Lam) và Gabrielle (Độc Lập) sáng 14/3/1954, Navarre gọi hỏi ý kiến tôi về tình hình mới nhất. Tôi báo cáo xong, Đại tướng tỉnh bơ nói: “Được, tối nay tôi sẽ tung tiểu đoàn dù Bigeard xuống và tôi sẽ duy trì cuộc chiến”.

Tôi phát biểu thêm: “Nếu Thiếu tá Bigeard chiếm lại được hai căn cứ đã mất và phát triển thêm được không gian thì mọi việc sẽ ổn thỏa”.

Đại tướng trả lời: “Nếu tình hình không diễn ra được như thế thì tôi chỉ còn việc phải xách va li về sáng ngày mai, phải không? Không, tôi sẽ duy trì trận chiến!”.

Ferrandi viết tiếp: “Sau này càng nghĩ về câu “Tôi sẽ duy trì trận chiến của Đại tướng, tôi mới hiểu thêm ý nghĩa câu đó. 50 ngày Đại tướng đã tung hết quân nhảy dù, không theo kế hoạch, chỉ nhằm “duy trì trận chiến”, chẳng còn tính tiến công; thật là bất ngờ về một vị tướng tư lệnh từ trước đến nay luôn luôn tỏ ra có tư tưởng tấn công”.

Quan ba Thường trực Phòng Nhì Bắc Đông Dương Ferrandi kết luận: “Navarre sai lầm, chẳng có sĩ quan tham mưu nào dám nói lên sự thật để giúp Đại tướng đừng sa vào thất bại, trừ Phòng Nhì”.

Nhưng về phần mình, Navarre viết trong hồi ký “Thời đại của sự thật” chê bai toàn bộ các cơ quan tình báo Pháp ở Đông Dương chẳng giúp cho ông được cái gì quan trọng, trừ bộ phận mã thám của SDECE cung cấp (qua theo dõi điện đài của Hậu cần Việt Nam – TG).

Vì SDECE Đông Dương có kế hoạch đánh tháo cho quân Pháp bị vây hãm ở Điện Biên: Trong hồi ký của quan hai gián điệp biệt kích E-Bergot và nhất là trong cuốn “Chiến tranh bí mật ở Đông Dương của Trung tá giảng viên Học viện Quân sự Michel David (3)  cho biết: Khi quân Pháp ở Điện Biên Phủ sắp thua, hai trùm gián điệp biệt kích GCMA của SDECE ở Lào là Tubi và Vàng Pao góp 400 quân vào tổng số 1.800 gián điệp biệt kích ở Lào đi phá vây cho quân Pháp ở thung lũng Mường Thanh, Điện Biên Phủ, nhưng đạo quân này vừa đến gần biên giới Lào – Việt thì Đờ Cát đã đầu hàng…

Trong cuốn hồi ký kể trên, bại tướng Navarre than phiền về mặt an ninh và tình báo của Pháp có hai điểm rất yếu: Thứ nhất là do Việt Minh biết giữ bí mật nghiêm ngặt nên tình báo Pháp không nắm được chắc ý đồ của đối thủ của mình; ngược lại ông rất ngạc nhiên phải thốt lên rằng, Việt Minh nắm chắc được kế hoạch của Pháp, đến mức ông vừa bàn xong kế hoạch thì Việt Minh sau vài ngày đã biết rõ nội dung kế hoạch của ông.

Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết trong cuốn “Điện Biên Phủ điểm hẹn của lịch sử” (4) có kể rằng: Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ QĐND Việt Nam Phạm Kiệt có kiến nghị với Đại tướng rằng, đại bác của ta đặt ở ngoài trời quanh Điện Biên Phủ là không an toàn vì sẽ bị phản pháo của Pháp bắn tan ngay sau khi ta nổ đại bác. Đây là căn cứ quan trọng để Đại tướng thay phương châm chiến dịch từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc thắng chắc”. Và Đại tướng kể thêm rằng, Trung Quốc có cung cấp cho ta toàn bộ kế hoạch Navarre kèm theo bản đồ.

Cuối cùng phải nêu lên công tích quan trọng của Công an và Quân đội đã quét sạch hàng nghìn tên gián điệp biệt kích vùng Tây Bắc đảm bảo hậu phương Điện Biên Phủ sạch bóng tai mắt của Navarre

(1) NXB Paris 1966
(2) “Những anh hùng bị bỏ quên”, NXB Grasset, Paris (1975)
(3) NXB Lavanjelle (2005)
(4) NXB QĐND 2001, trang 17 và trang 99
T.V.
.
.
.