“Ông trùm” bến xe ôm ở Bến xe Miền Đông

Thứ Bảy, 01/07/2006, 08:38
Không Đảng, không đoàn, không chức sắc  gì trong Ban lãnh đạo bến xe cả, song "ông kẹ" Nguyễn Văn Chiến (thường gọi là Ba Chiến) lại toàn quyền trừng phạt cũng như ban phát bổng lộc cho hàng trăm người đang hành nghề xe ôm  kiếm sống ở khu vực Bến xe Miền Đông.

Trong hàng chục lá đơn tố cáo về hành vi sai phạm của Ba Chiến, có rất nhiều người gặp chúng tôi họ phải bật khóc khi kể lại nỗi đớn đau, thống khổ của mình. Họ than rằng, kể tội về "ông kẹ" này cả ngày không hết được. Gặp gỡ, tố cáo là vậy nhưng khi ra về ai cũng "xin" đừng nêu tên họ trên báo. Họ sợ vì đại đa số dân xe ôm vào làm ăn ở đây đều thuộc lao động nghèo, kiếm ăn qua ngày. Và, chỉ cần đến tai Ba Chiến hoặc đám đệ tử thân cận của ông ta là hôm sau "lên đường" ngay.

Đi tìm nguyên nhân Ba Chiến có tài cán gì mà ghê gớm thế? Chúng tôi  thấy ông Chiến cũng chẳng phải dạng giang hồ có số má gì. Vốn là người làm bảo vệ ở Bến xe Văn Thánh, sau khi bến xe này giải thể, theo chân một số đàn anh, Ba Chiến được chuyển về làm bảo vệ ở Bến xe Miền Đông. Mọi người kể lại "bước ngoặt" cuộc đời Ba Chiến chính là thời kỳ ông Nguyễn Nam Sơn về làm "sếp" ở Bến xe Miền Đông.

Để "khẳng định" tài năng của mình, Ba Chiến đã ngày đêm sát cánh cùng Nam Sơn đổi mới bến xe. Lĩnh vực mà Ba Chiến xin Nam Sơn giao cho mới nghe thì rất đơn giản "quản lý mấy người xe ôm…".

Thực tế, thầy trò Ba Chiến đã nhìn rõ bối cảnh tương lai việc thu nguồn tài chính này là vô cùng lớn. Kế sách Ba Chiến và Nam Sơn tâm đắc nhất chính là dùng sức lao động của giới xe ôm "vắt sức lấy tiền". Họ chỉ có duy nhất lợi thế là mặt bằng tận dụng những nơi "thừa thãi" trong bến xe. Và hàng ngàn lượt khách bình dân trong bến ra vào mỗi ngày. Rồi cũng từ đây mà chiến dịch "tay không bắt giặc" ra đời. Nguyễn Nam Sơn giao toàn quyền cho Ba Chiến từ việc khai thác sân bãi đến tuyển mộ lực lượng.

Cùng với Ba Chiến, còn có Nguyễn Nam Quốc (em ruột Nam Sơn) tổ chức lực lượng vòng ngoài. Đội quân xe ôm có quân số chính thức gồm có 300 đầu xe được chia đều thành 9 tổ. Mỗi tổ được Ba Chiến tuyển chọn tổ trưởng, tổ phó. Ngoài những chức danh chủ chốt do Ba Chiến phong, bên trong còn có hàng chục đệ tử "hoạt động ngầm" theo dõi mọi diễn biến hoạt động, giám sát các tổ, đặc biệt là cung cấp thông tin để Ba Chiến "đình tài" cũng như áp dụng các hình thức phạt.

Những điều luật có một không hai

Từ những "bài học" thực tiễn mà Ba Chiến nhìn thấy Giám đốc Nam Sơn áp dụng hình phạt đối với các lái xe ôtô ở Bến xe Miền Đông. Cái mà Ba Chiến tâm đắc nhất ở "ông thầy" của mình là "tận thu" và "trừng phạt thật nặng bất cứ ai làm "trái lệnh".

Trong lĩnh vực xe ôm, tuy đối tượng đa phần là lao động nghèo, song Ba Chiến vẫn thường răn đe cho đây là loại dữ dằn và khó trị nhất. Việc đầu tiên mà Ba Chiến cùng với cố vấn là "Lộc lùn" soạn thảo ra bản nội quy (anh em xe ôm ở đây thường gọi là "Bản nội quy thép") dán trong nhà để xe ôm. Trong rất nhiều điều luật liên quan đến phạt vạ, điều nhẹ nhất là treo tài 3 ngày.  Nặng nhất là đuổi ra khỏi bến.

Khó khăn bị hành hạ là vậy nhưng nộp đơn xin vào đội quân xe ôm này không phải chuyện dễ. Ngoài những trường hợp cá biệt do các "sếp" ở Bến xe Miền Đông "gửi" xuống thì Ba Chiến phải nhận. Còn tất cả đều có "luật" áp dụng cụ thể cho từng trường hợp. Mà "luật" này không dành cửa cho "hoàn cảnh" hoặc "tình cảm"…

Thư bạn đọc

Kính gửi: Báo Công an Nhân dân

Tôi là một đảng viên, gần một tháng qua theo dõi loạt bài điều tra của Báo CAND, phanh phui những sai phạm của ông Nam Sơn -nguyên Giám đốc Bến xe Miền Đông. Những sai phạm này của ông Nam Sơn thì đã rõ rồi, điều tôi muốn hỏi là quan điểm xử lý của các ngành chức năng như thế nào? Thực sự càng đọc báo tôi càng thấy buồn. Tôi tự hỏi với cách xử lý như vậy thì đến bao giờ chúng ta mới giảm được tệ quan liêu, tham nhũng? Chúng tôi thật sự bất bình.

Vụ việc nghiêm trọng như vậy mà không hiểu tại sao đến giờ này các đồng chí lãnh đạo chính quyền TP Hồ Chí Minh vẫn chưa thấy ai lên tiếng? Tổng Công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn không làm được, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh không làm được, chẳng lẽ ngay cả UBND thành phố cũng không làm được?

Một cán bộ đảng viên nếu không đủ tư cách đạo đức như vậy thì tại sao không loại ra khỏi hàng ngũ của Đảng và bộ máy Nhà nước? Đọc bài trả lời phỏng vấn của Báo CAND với ông Đỗ Tiến Lực - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn… tôi lại càng cảm thấy bức xúc vì cách trả lời vòng vo, đổ vấy trách nhiệm. Có người bạn của tôi đã nói: "Trả lời phỏng vấn mà làm gì, họ cùng một giuộc cả, và họ cũng còn phải lo giữ cái ghế của họ nữa chứ…". Thế đấy, chưa nói đến việc họ đã để cho Nam Sơn tác oai tác quái mấy năm nay, bây giờ vụ việc vỡ lở mà cũng không dám làm kiên quyết, làm dứt điểm. Xin hỏi công luận ai dám làm việc này…?

VŨ THỦY (Đội Cấn - Ba Đình - Hà Nội)

Tất cả phải có "tiền tươi" từ 5-7 triệu đồng lót tay cho một người nếu muốn có một tấm thẻ đăng tài xe ôm tại đây. Trong số hàng trăm trường hợp bị "bác đơn", có nhiều người do không đủ tiền "chung chi" đã đành, nhiều trường hợp khác "không được duyệt" chỉ vì ông Ba Chiến không thích thì không cho vào.

Tâm sự với chúng tôi, chị V, một trong số rất ít phụ nữ chạy xe ôm khu vực ngoài Bến xe Miền Đông cho biết: "Chị em phụ nữ chúng tôi hành nghề này biết là rất nguy hiểm nên cố gắng "chạy chọt" để được vào bến bãi. Nhưng, không quen ai nên "chạy" hoài vẫn không được".

Hay trường hợp anh Nguyễn Thành Nh…, ông Nh. chỉ bị mắc lỗi là về quê do vợ sinh, quá phép nên bị xóa tên. Đã mấy năm nay, ông Nh. làm đơn gởi các nơi nhưng chẳng ai giải quyết. Nhiều lần, bí quá, ông Nh. đánh liều chạy vào  khu vực "cấm" của ông Ba Chiến" cai quản, lần nào cũng bị bảo vệ phát hiện và mỗi lần như vậy phải chịu phạt 50.000đ. Có rất nhiều người chạy xe ôm vì hoàn cảnh quá nghèo phải thuê xe (thường ở mức 20.000đ/ngày). Nếu vô phúc "đụng" phải tay chân ông Ba Chiến thì coi như đói cả tháng…

Về "lệ phí" bến bãi và những nghĩa vụ khác từ khi ông Nam Sơn về  nắm quyền Giám đốc Bến xe Miền Đông, cánh lái xe ôm ai nấy đều than trời  về những quy định không giống ai này. Thời ông Huỳnh Thanh còn làm Giám đốc, toàn bộ có khoảng 170 xe ôm.

Đây cũng là thời hoàng kim nhất của giới xe ôm vì lượng khách vào ra Bến xe Miền Đông khi đó rất đông. Đến khi ông Nam Sơn nắm quyền, mặc dù lượng khách đã xuống đến mức thê thảm nhưng lượng xe ôm trong bến được tăng cường lên đến gần 300 xe (chưa kể hàng trăm xe khác quần thảo ở ngoài bến).

Lệ phí trước đây mỗi xe chỉ phải đóng  30.000 đ/tháng, nay Ba Chiến "tận thu" gấp 3 lần (90.000đ/tháng). Chưa hết, nếu ai chạy ngoài giờ quy định thì phải đóng "bổ sung" thêm 60.000đ nữa. Để buộc anh em xe ôm phải gác đêm thay cho bảo vệ, Ba Chiến chỉ đạo cho "Lộc lùn" soạn thảo sẵn mẫu đơn "Tình nguyện trực gác" giao cho các tổ, bắt các xe ôm phải viết tên "tình nguyện" theo mẫu. Đây cũng chính là thủ đoạn mà Ba Chiến đối phó nếu ai đó kiện thưa.

Chảy vào túi ai?

Như phần trên chúng tôi đã nêu, do tập trung bóc lột công sức của người lao động nên hàng tháng số tiền do Đội quản lý xe ôm thu về rất lớn. Theo quy định đã được thông qua Giám đốc, để "duy trì mọi hoạt động có hiệu quả", Ba Chiến triển khai miễn giảm 50% tất cả các loại phí cho các tổ trưởng, tổ phó honda ôm; ba gác đạp; ba gác máy, xích lô. Về "phí" thì số cốt cán được miễn giảm như vậy nhưng quyền lợi khác thì thả sức lộng hành. Họ tha hồ vào bến đỗ mời khách, không còn tài chuyến và cũng chẳng bao giờ phải canh gác đêm hôm cả. Riêng ông Ba Chiến và những đệ tử ruột, ông áp dụng kiểu "ngồi mát ăn bát vàng".

Tất cả mọi công việc như sắp xếp an ninh, hướng dẫn xe buýt đậu sao cho trật tự, cấm hàng rong leo lên xe… đều do anh em xe ôm phải kiêm nhiệm. Trong bến đỗ, Ba Chiến và Lộc "lùn" cho vạch lằn ranh giới hạn. Nếu ai "đụng vô" lằn ranh này đều bị đình tài 3 ngày. Một số xe ôm cho chúng tôi biết, chuyện ông Ba Chiến "làm khó" xe ôm không hẳn vì giữ an ninh trật tự, ngoài chuyện chung chi, mỗi lần mắc lỗi còn để ông Chiến ra oai hù dọa người khác nữa.

Cũng chính vì "lằn ranh" quái ác này gần chỗ xe buýt de tới de lui mà anh Thắng (lái xe ôm) bị xe buýt cán gãy chân khi đang chờ đón khách. Anh em xe ôm thấy nguy hiểm năn nỉ ông Chiến cho lằn ranh cao một chút để an toàn thì ông Ba Chiến quát mắng: "Cứ để vậy, chết thằng nào đỡ thằng đó…".

Chửi bới, lăng nhục hành hạ những người lao động "thấp cổ bé họng"  diễn ra hàng ngày như vậy, song cũng vì "nồi cơm" nên bao năm qua, phần đông lái xe ôm ở đây đều phải im lặng, chấp hành. Hàng tháng, thường vào ngày 27, 28, tổ trưởng các loại xe: honda ôm chạy ngày, honda ôm chạy đêm, honda chở hàng; ba gác máy, ba gác đạp; xích lô máy, xích lô đạp… đều phải thu gom tiền "các tổ viên" về giao nộp cho Ba Chiến. Theo tính toán của một số xe ôm thì  ít nhất  ông Ba Chiến cũng thu được 40-50 triệu đồng.

Qua điều tra thực tế của chúng tôi, chính vì kiểu "khoán gọn" này nên  ông Nam Sơn đã tạo mọi thuận lợi nhất cho Ba Chiến toàn quyền thu, nộp tiền. Cụ thể là Ba Chiến thu của anh em xe ôm đủ khoản như vậy nhưng anh ta chỉ nộp cho tài vụ: xe ôm: 60.000đ/tháng, ba gác đạp: 90.000đ/tháng, ba gác máy: 150.000đ/tháng, xích lô : 90.000đ/tháng. Toàn bộ số tiền chênh lệch này chỉ có Ba Chiến và ông Nam Sơn biết?! Như vậy, trong suốt 3 năm qua, ngoài những khoản tự thu không ghi chép, bỏ túi riêng, những khoản thu "chính thống" đã công bố cho các tổ viên phải nộp hàng tháng, số tiền chênh lệch hàng trăm triệu đồng này ông Ba Chiến chiếm giữ và "chung chi"  cho những ai?

Còn rất nhiều khuất tất liên quan đến ông "trùm"  Ba Chiến và nguyên Giám đốc Bến xe Miền Đông Nam Sơn, dư luận đang yêu cầu cơ quan CSĐT cùng các ngành chức năng sớm xác minh, làm rõ

Nhóm PV Kinh Tế
.
.
.