Ông thủ từ khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh

Chủ Nhật, 15/02/2009, 17:39
Cách đây 27 năm, đích thân Tổng bí thư Trường Chinh sau 21 năm về thăm quê đã chỉ vào ông và nói: "Nếu đồng chí này vui vẻ nhận nhiệm vụ thì giao". Và cũng ngần ấy năm, ông Nguyễn Thế Hiệp vui vẻ nhận nhiệm vụ bảo quản, sưu tầm, giới thiệu khu lưu niệm cố Tổng bí thư tại xóm 7, thôn Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.

Đầu xuân Kỷ Sửu, chúng tôi xuất hành tới đất học Hành Thiện. Ngôi làng hình cá chép thời Nho học có 419 người đỗ đạt cao, trong đó có 4 người làm quan Thượng thư, 4 quan Tổng đốc, 23 quan Giáp, 69 quan tri phủ, tri huyện…

Thời tân học, Hành Thiện đã sinh ra cho đất nước một đồng chí Tổng bí thư và 15 người là Thứ trưởng, tướng lĩnh, Anh hùng Lao động và Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Cũng ở đất học Hành Thiện, đã có 45 vị Giáo sư và Phó Giáo sư. Đến Hành Thiện, chưa đến thăm khu lưu niệm cố Tổng bí thư Trường Chinh, chưa thể về, thầy giáo Mộng Anh, Trường THPT Xuân Trường giới thiệu với chúng tôi.

Thôn Hành Thiện có 14 xóm, khu lưu niệm nằm trong xóm 7. Ngay từ đầu xóm, chúng tôi đã rất ấn tượng với vẻ cổ kính của vòm cổng. Đi vào bên trong, một khung cảnh thôn quê với những ngôi nhà mái ngói, những vườn rau xanh mướt. Khu lưu niệm cố Tổng bí thư Trường Chinh cũng bình dị như xung quanh. Nghĩa là cũng nhà ngói, nhà mái bổi, sân gạch, ao cá, cây ăn trái.

Ông Nguyễn Viết Điềm, bảo vệ khu lưu niệm cho biết, những ngôi nhà hơn 100 tuổi ở Hành Thiện còn nhiều lắm, có đến gần 300. Ngôi nhà của gia đình cố Tổng bí thư cũng được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX. Vẻ dân dã của nó rất dễ lẫn vào khung cảnh thanh bình nơi đây.

Chúng tôi khá bất ngờ khi tiếp xúc với thủ từ khu lưu niệm, ông Nguyễn Thế Hiệp. Ông có vẻ bề ngoài chất phác như những người nông dân luống tuổi dễ gặp ở quê. Nghe ông nói, chúng tôi vô cùng khâm phục về vốn kiến thức văn hoá cổ cũng như sự am tường chữ Hán Nôm ở người đàn ông này. Chúng tôi càng bất ngờ hơn khi biết, kiến thức của ông do tự học.

Sinh năm 1952, học chưa hết cấp II, ông đi bộ đội. Rời quân ngũ với thương tật 31% sức khoẻ, ông trở thành anh dân cày và lấy vợ sinh liền 4 đứa con. Công việc nhà nông vốn vất vả nhưng ông vẫn tích cực tham gia công tác xã hội.

Năm 1981, khi ông đang là Bí thư xã đoàn thì cũng là dịp Tổng bí thư Trường Chinh về thăm quê. Sau hơn 20 năm xa cách, trở về nếp nhà xưa, Tổng bí thư vô cùng xúc động. Đây là nơi Tổng bí thư sinh ra, lớn lên, lập gia đình và cũng có cả thời gian đồng chí về đây hoạt động cách mạng.

Trước đó, UBND xã, huyện, tỉnh đã có chủ trương xây dựng nơi đây thành khu lưu niệm. Thế nên, khi đồng chí Tổng bí thư về thăm quê đã đề xuất chủ trương này. Giữa những vị cán bộ chủ chốt của địa phương, đích thân đồng chí Tổng bí thư đã chỉ vào ông Nguyễn Thế Hiệp, khi đó mới 31 tuổi mà bảo rằng: "Nếu đồng chí này vui vẻ làm nhiệm vụ thì giao". Lời đề nghị giản dị của đồng chí Tổng bí thư lúc đó khiến ông vô cùng xúc động. Chắn hẳn, đồng chí Tổng bí thư rất hài lòng về câu trả lời của ông về gia thất, về đồ vật, đặc biệt là cách hiểu về 4 đôi câu đối, hoành phi treo trong nhà.

Theo ông Hiệp, ngôi nhà ngói đơn sơ của gia đình cố Tổng bí thư thời điểm đồng chí về thăm đang nằm trong diện bảo quản của chính quyền xã. Có lúc, ngôi nhà được trưng dụng làm trụ sở Hợp tác xã nông nghiệp, trụ sở UBND xã hoặc cho người dân ở nhờ. Còn trước đó, khoảng trước năm 1956, khi hai cụ thân sinh cố Tổng bí thư đi tản cư trong Thanh Hoá, nhà được gửi lại họ hàng. Năm 1956, hai cụ ra Hà Nội.

Ông Nguyễn Thế Hiệp giới thiệu về khu lưu niệm.

Năm 1958, cụ ông mất. Năm 1960, cụ bà lại theo cụ ông về với tổ tiên, ngôi nhà tiếp tục được để cho họ hàng trông nom. Dù nhiều năm trôi qua, nhưng những vật dụng trong nhà vẫn để nguyên và bảo quản tốt. Chính vì vậy, khách đến tham quan khu lưu niệm hôm nay vẫn được sống trong không gian như thuở sinh thời của Tổng bí thư.

"Các cháu đọc "Lều chõng" của Ngô Tất Tố chưa?", ông Nguyễn Thế Hiệp chợt cất tiếng hỏi. Khi thấy chúng tôi cùng trả lời là đọc rồi, ông chỉ vào hai chiếc hộp gỗ để dưới chân hai bên bàn thờ và bảo "Lều chõng đây". Nói rồi, ông mở hộp và lấy ra những cuốn sách viết bằng chữ Hán. Đó là hành trang của thí sinh mỗi khi đi ứng thí. Ông lại mở hộp gỗ phía bên kia và lấy ra cái nồi đồng bé xíu. Ông giải thích rằng, nhìn vào cái nồi đồng chỉ nấu được khoảng một đấu gạo này, sẽ suy đoán ra, người sử dụng khi vào kinh thành dự thi không có người theo hầu. Thuở ấy, đường đi lối lại vô cùng khó khăn, gian khổ, trong dân gian có câu "Sợ truông Nhà Hồ, sợ phá Tam Giang".

Vậy mới biết, việc dùi mài kinh sử của các bậc nho sỹ khi xưa vô cùng gian khó. Những hiện vật lều chõng một thời đang trưng bày trong khu lưu niệm này cho thấy truyền thống khoa cử của gia đình cố Tổng bí thư.

Chúng tôi đặc biệt thích thú khi nghe ông Nguyễn Thế Hiệp giới thiệu về bức hoành phi và các đôi câu đối. Đó là những kỷ vật những bậc tiền nhân trong gia đình cố Tổng bí thư đã được bạn bè thân hữu tặng. Đó là những đôi câu đối cuốn trúc, đôi câu đối tạo trên hình lá cây (lá chuối)… Mỗi hiện vật ngoài dấu ấn thời gian còn mang trong nó đậm nét văn hoá và lịch sử. Chúng chính là tộc phả bằng hiện vật. Phải là người am hiểu Hán Nôm, văn học của tiền nhân mới hiểu và giảng giải cho khách tham quan đầy đủ về thân thế, sự nghiệp của cố Tổng bí thư cũng như thân tộc ông. Từ một người văn hoá học bổ túc văn hoá cấp II, trong gần 30 năm tự học, ông Hiệp đã không ngừng trau dồi kiến thức mọi mặt để xứng với niềm tin được cố Tổng bí thư giao phó.

Trở lại cái ngày đáng nhớ được Tổng bí thư giao nhiệm vụ, ông Hiệp bảo rằng ngay sau đó ông chính thức trong "biên chế" trông coi khu lưu niệm. Lương của ông lúc đó được xã trả công là 1,6 tạ thóc một vụ. Nhưng với ông, công xá có hề chi. Ông được Tổng bí thư tin tưởng và giao nhiệm vụ đã là một niềm tự hào rồi.

Năm 1994, khu lưu niệm được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Trước đó 3 năm, ông được vào biên chế của Phòng Văn hoá huyện. Một sự ghi nhận đóng góp của ông rất xứng đáng. Lại nói về việc học chữ Hán, ông bảo gia đình mình nhiều đời làm thủ từ ở chùa Keo (còn có tên gọi khác là chùa Hành Thiện). Ngôi chùa lớn vào bậc nhất vùng, ra đời từ năm 1588 nhưng đến nay chưa từng có sư trụ trì. Ngay thời còn để chỏm, các bé trai trong gia đình ông đã học Tam tự kinh. Ông dạy bố, bố dạy con….

Thế hệ này truyền cho thế hệ kia, cái vốn kiến thức nho học cứ thế ngấm dần. Nói rồi, ông lại chỉ cho chúng tôi xem bức chân dung vua Duy Tân hồi trẻ treo trên bức vách phía bên phải mà bảo rằng, chữ tượng hình có cái hay đặc biệt. Vua Duy Tân khi còn là đứa trẻ lên 10 đã từng đối đáp câu đối xách mé của một cố đạo người Pháp khi nghe hỏi: "Rút ruột ông vua, tam phân thiên hạ" (chữ "vương", nếu không còn nét dọc thành chữ "tam".

Ý của người này muốn nói đến ý đồ  phân chia nước ta thành ba kỳ của thực dân Pháp (Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ). Đức vua đáp lại ngay rằng "Chặt đầu thằng Tây, tứ hải giai huynh" (chữ "tây" nếu bỏ phần đầu sẽ thành chứ "tứ"". Câu trả lời của vua Duy Tân hàm chứa quyết tâm bảo toàn lãnh thổ nước Nam ta.

Các bậc tiền nhân của gia đình cố Tổng bí thư treo ảnh vua Duy Tân là cách thể hiện lòng mến mộ và kính yêu. Dân gian từng lưu truyền câu chuyện, một lần đức vua nhỏ tuổi nghịch cát. Cận vệ mới đem nước cho đức vua rửa tay, nhà vua bỗng hỏi "tay bẩn lấy nước mà rửa. Nước bẩn lấy chi mà rửa?". Nói rồi, nhà vua tự trả lời "nước bẩn lấy máu mà rửa".

Chính bởi am tường các điển tích, điển cố nên ông Hiệp đã truyền cho khách tham quan niềm hứng khởi cũng như ý thức ham học hỏi. Bằng sự tự học và niềm tin yêu đối với người học trò giỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Hiệp đã truyền thụ cho khách tham quan những giá trị chân thực từ những hiện vật đang lưu giữ.

Gần 30 năm gắn liền với khu lưu niệm, ông Hiệp không nhớ mình tiếp bao nhiêu đoàn khách trong và ngoài nước. Trong đó có các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước như Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đồng chí Tổng bí thư Nông Đức Mạnh… Hiện nay, ông đã có hàng chục cuốn sổ lưu bút của những người đến tham quan.

Tại trang đầu tiên của cuốn sổ thứ nhất, có bút tích của Tổng bí thư Trường Chinh. Tổng bí thư viết: "Hai mươi mốt năm nay, trở lại quê nhà, tôi vô cùng phấn khởi thấy cuộc sống của bà con nhiều đổi mới và có nhiều tiến bộ. Đó là do đồng chí, đồng bào xã ta ra sức thi hành Chỉ thị của Trung ương và Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ. Tôi không năng về quê, vì bận công việc chung của cả nước. Tuy vậy, lòng tôi luôn luôn bên cạnh bà con và theo dõi từng bước tiến của quê hương. Chân thành chúc bà con xã nhà và đồng bào cả nước mạnh khoẻ và thu được nhiều thành tích trong sự nghiệp chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc". Phía dưới, Tổng bí thư ghi ngày 3 tháng 3 năm 1981 và ký tên Trường Chinh.

Với ông thủ từ Nguyễn Thế Hiệp, việc lưu giữ bút tích của Tổng bí thư Trường Chinh và các đoàn tham quan vô cùng quan trọng. Nó là chứng tích quan trọng, đôi khi mang dấu ấn lịch sử. Bút tích của Tổng bí thư vừa nêu trên là một ví dụ. Đoạn Tổng bí thư viết "Đó là do đồng chí, đồng bào xã ta ra sức thi hành Chỉ thị của Trung ương…" đã nhắc đến việc thực hiện Chỉ thị 100 CT/TW về nông nghiệp.

Đích thân Tổng bí thư đi kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này của bà con nông dân quê mình. Mang trong mình niềm tự hào là người con Hành Thiện, được đích thân Tổng bí thư giao nhiệm vụ, ông thủ từ Nguyễn Thế Hiệp vô cùng trân trọng những di huấn và hiện vật trong khu lưu niệm này.

Trong lộ trình phát triển du lịch của tỉnh Nam Định, khu lưu niệm này cũng nằm trong những điểm tham quan. Đến đây, rất nhiều du khách sẽ hiểu thêm về người chiến sỹ cách mạng Trường Chinh cũng như vùng đất giàu truyền thống hiếu học Hành Thiện

Cao Hồng - Nguyễn Hương
.
.
.