Ông lão Khmer mê dịch sách về Bác Hồ

Thứ Tư, 30/09/2009, 09:32
Sau 16 năm ông Trịnh Thới Cang vừa cần mẫn dịch sách vừa xin cấp phép, cuối cùng, cuốn hỏi đáp về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng tiếng Khmer cũng được xuất bản.

Ông kể rằng khoản nhuận bút 2 triệu đồng được dành để ông cảm ơn mấy người bạn đã giúp mình hoàn thành cuốn sách và mua thêm vài chục cuốn để biếu người thân. Ông rất vui vì tâm nguyện đóng góp chút công sức đưa tư tưởng của Bác Hồ truyền bá sâu rộng trong đồng bào Khmer Nam Bộ đã bước đầu thành hiện thực.

16 năm một tập sách

Thực ra, với 86 tuổi đời, 56 tuổi Đảng, ông Trịnh Thới Cang có thể hoàn toàn thảnh thơi, sống an nhàn, vui vầy cùng con cháu nhưng ngày ngày ông vẫn cặm cụi bên bàn làm việc. Chiếc tủ sách trong căn nhà nhỏ bên đường Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận, TP HCM của ông đầy ắp những sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông bảo rằng ông muốn chuyển tải tư tưởng của Bác cho đồng bào Khmer thì không gì bằng trước tiên phải đọc, phải "thấm" tư tưởng của Người.

Ông Trịnh Thới Cang giới thiệu tủ sách về Bác của gia đình.

Là trí thức Khmer sớm giác ngộ cách mạng, sau này, với vai trò của một cán bộ công tác trong Ủy ban dân tộc, trong những năm 1960-1963, ông nhiều lần may mắn được gặp Bác, thế nhưng điều ông nhớ nhất vẫn là cuộc gặp giữa Người với các đại biểu của các dân tộc thiểu số sau một chuyến tổ chức cho đồng bào đi thăm, học tập dưới các tỉnh miền xuôi.

Khi nói chuyện về sự cần thiết của tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc trong nước, Người giơ bàn tay mình lên và bảo, Việt Nam có rất nhiều dân tộc cùng sinh sống, có dân tộc ít người, có dân tộc nhiều người nhưng phải là một khối đoàn kết thống nhất. Cũng giống như bàn tay có ngón ngắn, ngón dài nhưng đều được nuôi dưỡng chung một dòng máu, không thể tách rời… Bài học đó, suốt đời ông không bao giờ quên.

Năm 1993, dù đã về hưu được vài năm song lời nhắc nhở của Bác, những câu chuyện về người Khmer không biết chữ quốc ngữ, không có điều kiện tiếp cận với tư tưởng của Bác vẫn luôn khiến ông trăn trở. Đúng lúc ấy, ông được biết Bảo tàng Hồ Chí Minh đã soạn thảo, phát hành một tập sách hỏi đáp về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh khá công phu và rất đầy đủ nên xin được dịch sang tiếng Khmer.

Nhớ lại những ngày tháng cặm cụi một mình dịch sách, ông bảo rằng phần lớn người Khmer không biết chữ quốc ngữ là dân nghèo, sư sãi nên ông phải cố dịch làm sao cho họ dễ hiểu. Chữ Khmer lại không có dấu, rất khó dịch cho thoát ý, nhiều khi tìm mãi không được từ ngữ tương đồng. Với những từ tiếng Pháp lại càng khó. Thế nên, tại bản xuất bản lần này, tuy là bằng tiếng Khmer nhưng đôi chỗ ông vẫn phải "phòng hờ" bằng cách để kèm cả nguyên tiếng Pháp bên cạnh.

Việc dịch sách đã khó, làm thế nào để sách được xuất bản, ông còn vất vả hơn. Bởi khi ấy, mặc dù đã đi lại đề nghị rất nhiều lần nhưng những người tiếp ông vẫn chỉ có một câu trả lời chung chung: Giám đốc đi công tác vắng, không có người thẩm định. Mãi sau này, một số người quen "mách nước" rằng có thể đơn vị không có người giỏi chữ Khmer nên không dám duyệt cho xuất bản. Vậy là ông lại vác bản thảo về tận Sóc Trăng, địa phương tập trung nhiều người dân Khmer sinh sống, Đài truyền hình, báo chí có chuyên mục riêng bằng tiếng Khmer dành cho người Khmer để nhờ biên tập, thẩm định. Bản thảo được Hội đồng thẩm định thông qua, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật TP Hồ Chí Minh tài trợ kinh phí in ấn.

Dịch sách để phổ biến rộng rãi tư tưởng Hồ Chí Minh đến đồng bào

Sách đưa đi phát hành, ông được nhận nhuận bút 2 triệu đồng và mấy cuốn sách nhưng ông rất vui vì tâm nguyện của ông đã thành hiện thực. Hiện tại, ông đang cố gắng dịch "Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất" (NXB Từ điển Bách khoa và cuốn sách ông được đánh giá là cô đúc, dễ hiểu về Bác: "Đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh" (NXB Chính trị Quốc gia", "Di chúc Bác Hồ 1969" (NXB Trẻ), "Lời non nước" tập hợp các câu nói nổi tiếng của Bác sang tiếng Khmer.

Cũng đã có khá nhiều hòa thượng, sư cả trụ trì có uy tín trong cộng đồng dân tộc Khmer phát tâm giúp phát hành sách và cùng huấn thị, vận động phật tử trong bổn đạo đến đọc sách về tư tưởng Hồ Chí Minh ngay tại nhà chùa hoặc các nơi khác. Nếu thành công, tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ thực sự được truyền bá sâu rộng hơn vì phần lớn đồng bào Khmer Nam Bộ đều là tín đồ của đạo Phật. Tuy nhiên, nếu có điều kiện thuận lợi, ông sẽ còn thực hiện thêm một tập sách hướng dẫn học tiếng Khmer nhanh nhất dành cho người các dân tộc chưa biết chữ Khmer và cho chính người Khmer chưa biết chữ.

Cũng mới đây, đúng dịp Quốc khánh 2-9, ông còn kỳ công photocoppy hàng loạt các tài liệu về tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết bình đẳng và tương trợ giữa các dân tộc, về chính sách dân tộc của Đảng đối với dân tộc thiểu số Khmer Nam Bộ qua 2 cuộc kháng chiến, về lịch sử, truyền thống đấu tranh yêu nước bất khuất của cộng đồng người Khmer… để gửi cho những ban, ngành chức năng có liên quan đến công tác dân tộc mà ông biết.

Ông tự trích tiền lương hưu để làm vì ông tin, nếu ai cũng làm một cách thực tâm, học tập thực tâm thì chắc chắn tư tưởng tốt đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ được truyền bá ngày càng sâu rộng, đưa tất cả các dân tộc xích lại gần nhau hơn để cùng nhau đoàn kết xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp hơn, đúng như tâm nguyện của Bác lúc sinh thời

Ngọc Nguyễn
.
.
.