"Ông chủ Công Dung" và ước vọng đường về(Kỳ 2)

Thứ Hai, 05/11/2007, 14:15
Cũng như các phạm nhân khác đang thụ án ở Trại cải tạo Xuân Nguyên, Hải Phòng, ước nguyện cháy bỏng của Ngô Văn Thà là sớm được trở về với cuộc sống đời thường của một công dân chân chính. Cứ mỗi lần nghĩ đến điều ấy là mỗi lần Thà thấy quặn đau, ân hận vì những việc làm tội lỗi của mình trong quá khứ.

>>"Ông chủ Công Dung" và ước vọng đường về.

Ngày đầu mới bị bắt, bị kết án và đưa về thụ án ở Trại Xuân Nguyên, Thà luôn trong tâm trạng bi quan, chán nản và có lúc tưởng như bị suy sụp. Nhưng rồi được các cán bộ quản giáo nơi đây cảm hóa, giáo dục và sẻ chia, Thà chợt nhận ra rằng, vì tiền mà mình đã bất chấp tất cả, những việc làm tội lỗi của mình không chỉ đi ngược lại đạo đức, lối sống, thuần phong mỹ tục của dân tộc cũng như an ninh - trật tự mà còn làm tan vỡ hạnh phúc của chính gia đình mình.

Nguyên là một luật sư lại đang theo học chương trình cao học, giờ đây trong thân phận là một phạm nhân, Ngô Văn Thà cũng hiểu rằng, lời giải cho đường về của mình chỉ do mình tự quyết định. Đó là tự mình cải tạo, chấp hành nghiêm chỉnh mọi nội quy, quy chế của trại cải tạo để được hưởng các chính sách nhân đạo của Nhà nước.

Với suy nghĩ ấy, nên sau khi nhận được sự động viên, chia sẻ của Ban giám thị và các cán bộ quản giáo, Thà đã thể hiện ý chí của mình qua từng việc làm cụ thể trong suốt thời gian thụ án ở Trại cải tạo Xuân Nguyên.

Từ việc ngày ngày đi khai thác đá, xúc than đến việc trồng rau, nuôi cá, chăm sóc vườn cây cảnh trong khuôn viên của trại… Thà đều hoàn thành tốt các công việc được giao.

Ở ngoài đời, Ngô Văn Thà được coi là người có nhiều tài lẻ, nhưng phải đến khi ngồi trong trại giam, theo Thà kể thì các tài lẻ và năng khiếu ấy mới có dịp thể hiện.

Ngồi trò chuyện với chúng tôi, Ngô Văn Thà cho biết: "Hơn 3.000 ngày sống trong trại giam là sự nỗ lực phấn đấu không ngừng với ước vọng mãnh liệt để mong được giảm án. Vào tù khi mới 33 tuổi, quãng thời gian 9 năm ngồi trong trại giam đã biến đổi tôi từ một chàng thanh niên nông nổi, coi trời bằng vung trở thành một người đàn ông chín chắn và am hiểu về pháp luật cũng như chính sách khoan hồng nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta".

Tóc lốm đốm có sợi bạc, Thà cũng đã kịp ngộ ra, sự nôn nóng làm giàu theo kiểu "ngựa non háu đá" sẽ chỉ dẫn đến kết cục thảm bại. Do vậy, suốt thời gian thụ án, Thà phải đấu tranh với hai con người trong bản thân mình để rồi nhận ra rằng: Tiền bạc kiếm được bằng những hành vi bất lương chỉ là thứ phù du, mang lại những bất hạnh cho anh ta và gia đình. 

Ở Trại Xuân Nguyên có một bức tranh cổ động được vẽ trên bức tường khá lớn. Trong bức tranh ấy ghi lại cảnh các phạm nhân đang hăng hái lao động. Nhìn bức tranh, ai cũng nghĩ tác giả là một họa sỹ được trại mời đến vẽ. Tuy còn có khá nhiều ngô nghê về bút pháp, nhưng bức tranh khá ấn tượng bởi sự phản ánh chân thực.

Hỏi ra mới biết, tác giả của nó không ai khác chính là phạm nhân Ngô Văn Thà. Thà tâm sự: "Tôi vẽ bức tranh ấy đúng vào lúc các cơn sốc giày vò. Tôi đang trong tâm trạng khủng hoảng mất niềm tin vào cuộc sống thì các cán bộ quản giáo đã đến với tôi bằng cả tấm lòng. Họ không chỉ động viên, an ủi và sẻ chia với tôi những mất mát, đau đớn mà tạo mọi sự thuận lợi để tôi phát huy được tài năng cũng như những việc làm mà mình yêu thích như tạo cảnh quan cho các vườn cây cảnh trong khuôn viên của trại, trực tiếp sáng tác các tác phẩm hội họa... Bắt tay vào thực hiện bức tranh, chính tôi cũng không ngờ mình lại có thể vẽ đẹp đến thế".

Trực tiếp quan sát những công việc của Thà, chúng tôi không ngờ bàn tay của một thư sinh đất Hà thành, bàn tay đã từng đen đúa vì cầm những đồng tiền bẩn ngày nào nay đã biết phục thiện. Công việc hiện tại trong Trại Xuân Nguyên của Thà là giúp lãnh đạo phân trại theo dõi công tác thi đua của trại.

Trong suốt quãng thời gian cải tạo, theo lời Thà thì anh ta nhận được rất nhiều sự quan tâm của Ban giám thị và các cán bộ quản giáo. Khi anh ta bị tai biến mạch máu não, trong gần một tháng phải nằm điều trị ở bệnh xá, Thà đã từng có những giờ phút bi quan, tuyệt vọng.

Biết được tâm tư của Thà, bác sỹ Hùng đã đến động viên, giúp Thà không chỉ vượt qua cơn bạo bệnh mà còn vượt qua cơn chấn động khủng hoảng tinh thần. Những lúc ấy, Thà bảo: "Chỉ cần một câu nói, một lời hỏi thăm ân cần của các cán bộ quản giáo cũng giúp tôi vững tâm phấn đấu cải tạo tốt".

Trao đổi thêm với chúng tôi về phạm nhân này, Ban giám thị Trại cải tạo Xuân Nguyên cho biết: Phạm nhân Ngô Văn Thà đã giúp cán bộ quản lý trại khá nhiều việc hữu ích, thậm chí đã có những lần phát hiện và cứu sống một số phạm nhân khác định tự tử.

Đó là phạm nhân Vũ Văn Cẩn, người có HIV, đã 6 lần vào trại giam. Dạo đó tinh thần của phạm nhân này thường xuyên không ổn định, bị kích động nên đã có những biểu hiện bi quan tiêu cực. Vào dịp Tết, lễ, khi các phạm nhân khác được gia đình đến thăm nuôi, động viên thì Cẩn vẫn một mình âm thầm chịu đựng những đau đớn do bệnh tật hành hạ, lại không có người thân đến thăm nom.

Sự thờ ơ của gia đình cộng với căn bệnh hiểm nghèo khiến Cẩn hoàn toàn tuyệt vọng. Đêm nằm trong cùng một phòng giam, Thà nghe thấy tiếng thở dài, có lúc là sự rấm rứt, hờn oán của Cẩn. Biết Cẩn sẽ làm điều dại dột, kể từ đó, đêm ngày Thà để tâm tới anh bạn tù này nhiều hơn.

Đúng như Thà dự đoán, hằng đêm đợi phạm nhân yên mình trong giấc ngủ, Cẩn lặng lẽ xé chăn, bện thành dây định thắt cổ tự tử thì Thà phát hiện kịp thời, cứu sống được phạm nhân này. Tiếp theo Cẩn là phạm nhân Lương Xuân Hạnh, quê ở Cẩm Phả, Quảng Ninh. Phạm nhân này cũng nhiễm HIV và đã tự tử bằng thuốc ngủ.

Chính Thà là người phát hiện, báo với các y sỹ, bác sỹ của trại kịp thời cứu sống Hạnh. Sau khi Hạnh hồi phục, Thà lại gần gũi, động viên để Hạnh bình tâm. Những việc làm đó của Ngô Văn Thà đã được Ban giám thị Trại cải tạo Xuân Nguyên biểu dương và ghi nhận trong mỗi lần xét giảm án.

Trước đây, ngoài lý do cải tạo tốt để được ghi nhận và giảm án, Thà còn có một động lực khác là được gặp vợ tại phòng hạnh phúc. Nhưng từ khi D, vợ Thà chủ động trao cho tờ đơn xin ly hôn, trong Thà chỉ còn một khát khao mãnh liệt duy nhất, là được ra tù làm lại cuộc đời và sớm trở về với hai cô con gái.

Cứ mỗi lần đọc danh sách đặc xá, Thà lại nản lòng khi không thấy có tên mình. Mới đây nhất, trong đợt đặc xá tháng 10 vừa qua, Thà cứ lặng đi khi thấy nhiều bạn tù được về đoàn tụ với gia đình. Mỗi lần như thế là một lần Thà lại tự trách mình bởi hậu quả việc làm phi pháp của Thà gây ra cho xã hội quá lớn, mặc dù Thà và gia đình đã nộp đầy đủ số tiền phạt mà bản án đã tuyên.

Song Thà vẫn có niềm tin, pháp luật Nhà nước sẽ công minh và công bằng cho tất cả phạm nhân nếu tiếp tục cải tạo tốt, tất yếu các đợt đặc xá tiếp theo sẽ có tên mình. Có lẽ, trong trại giam, người hiểu rõ nhất Thà đang nghĩ gì, mong mỏi gì không ai hơn ngoài các cán bộ quản lý trại. Biết được tâm tư, nguyện vọng của Thà, mỗi khi Thà buồn chán, họ lại có mặt bên cạnh anh ta để có thêm lời động viên, an ủi.

Những ngày này mặc dù đang thụ án ở trại, thế nhưng Thà vẫn còn nhiệt huyết kinh doanh. Qua sách báo, tivi do trại cung cấp, các thông tin trong nước và thế giới Thà nắm khá chắc, đặc biệt là diễn biến sôi động của thị trường chứng khoán.

Mỗi buổi tối, tranh thủ thời gian rảnh rỗi, Thà cùng một người bạn tù tâm đầu ý hợp mang sách do người nhà gửi ra nghiền ngẫm. Bên trong trại, khác với cảnh tù túng nhiều người vẫn hình dung, Thà được thả hồn, thả trí tưởng tượng và tài khéo tay của mình vào việc kiến tạo vườn hoa, cây cảnh.

Thà dẫn chúng tôi đi xem hai cây sung lá được Thà dày công uốn thành hình đôi rồng mọc tươi tốt, rồi từng cây hoa, ngọn cỏ được Thà chăm sóc kỹ lưỡng. Khi mới vào trại, Thà chưa quen cầm cuốc, cầm xẻng, tay phồng rộp, tứa máu, nhưng giờ thì anh ta đã thành thạo như một người làm vườn thứ thiệt.

Thà tâm sự, sau này khi được ra tù, Thà sẽ tiếp tục theo con đường kinh doanh. "Nhưng lần này là kinh doanh chân chính, mà ở đó thấm đậm tình người của đất trại hôm nay" 

Nhóm phóng viên KTXH
.
.
.