Ông bụt của học trò nghèo

Thứ Sáu, 02/04/2010, 16:08
Ông là Nguyễn Trung Chỉnh, 59 tuổi (tổ 7, thôn Mỹ Chánh, xã Hải Chánh, Hải Lăng, Quảng Trị) được người dân nơi đây gọi với cái tên thật trìu mến: "Ông bụt của học trò nghèo".

Trở về từ chiến trường Bình-Trị-Thiên khói lửa, người lính cụ Hồ ấy đã làm đủ thứ việc. Từ ông chủ tịch xã đến phó giám đốc một công ty có tiếng ở huyện. Ở cái tuổi về hưu nghỉ ngơi ông lại lên xã xin cho mình một việc làm thêm nhưng công việc đó phải… không lương! Mà theo cách giải thích của ông: "Tôi chỉ mong vực dậy sự học của xã nhà".

Làm việc không lương

Chứng kiến cảnh nhiều học sinh xã nhà phải bỏ học giữa chừng vì "cái ăn, cái mặc chưa đủ thì nói gì đến chuyện học" đã làm ông cựu chiến binh suy nghĩ nhiều. Nghỉ hưu, không bàn bạc với ai, ông Chỉnh một mình lên xã trình bày ý kiến với chính quyền địa phương và xin vào làm việc trong Hội khuyến học xã.

Ông nhớ lại: "Hồi mình xin và được UBND xã Hải Chánh giao chức Chủ tịch Hội Khuyến học, mình nói thẳng: Tui sẽ làm việc… không lương! Nhiều người ngạc nhiên nhưng với mình, mục tiêu trước mắt là lo cho sự học của các em trong xã. Mình là đảng viên thì cần phải làm gương cho người khác chứ! Không vực dậy được cái sự học ở xã, làm không tròn trách nhiệm thì có xứng đáng nhận lương không!".

Từ ngày làm việc, ông luôn nhiệt tình đi đầu trong các cuộc vận động quyên góp để xây dựng Hội Khuyến học xã ngày càng lớn mạnh, rồi ông đến từng nhà có con em nghỉ học "tư vấn" cho các bậc làm cha làm mẹ cố gắng tiếp tục cho con đến trường. Học trò vùng cát nghèo bán sơn địa này không còn dở dang chuyện học hành như trước nữa. Ông Chỉnh còn đến các cơ quan, xí nghiệp, các đơn vị kinh doanh trên địa bàn xã đóng góp vào quỹ, xây dựng Hội Khuyến học xã ngày càng lớn mạnh.

Cũng từ ngày ông Chỉnh "nhậm chức" Chủ tịch Hội khuyến học xã, nhiều học trò nghèo học giỏi đã được hội "tiếp sức" đến trường, nhiều em nhờ đó mà nỗ lực học tập đạt nhiều thành tích cao. "Mong muốn của tui là giúp các cháu học tập thật tốt để mai này góp phần vào xây dựng quê hương đất nước. Mà trước tiên là giúp các cháu học để có cái chữ để không phải cực khổ tần tảo ruộng đồng như ba mẹ các cháu" - ông Chỉnh nói.

Ông bụt của học trò nghèo

Ngoài làm tốt công tác khuyến học của xã, ông Chỉnh còn là một ông khuyến học… làng chính hiệu. Năm 2008, ông Chỉnh lập ra "Quỹ khuyến học gia đình". Đó là một thùng quỹ đặt tại nhà ông. Ban đầu thùng quỹ ấy được quyên góp từ số tiền của gia đình, con cái và bạn bè ông đến chơi. "Mỗi lần bà nhà đi chợ, đáng lẽ hôm đó ăn 20.000 đồng thì ăn 15.000 đồng thôi còn lại bỏ vào thùng quỹ; mỗi lần đi nhận lương về, mình bỏ nhanh vào đó 100 đến 200 ngàn gì đó; hay bạn bè đến chơi mình lại gợi ý về thùng quỹ để mọi người biết và đóng góp…" - ông Chỉnh chia sẻ về cách làm khuyến học của mình.

Nhiều người vào nhà ông, thấy thùng "Quỹ khuyến học" đều nghi ngờ "lòng tốt" của ông, nhưng rồi dần dần mọi người đã nhìn ông một cách khác. Dần dà, thùng quỹ còn đón nhận một nguồn khác từ các tiểu thương buôn bán trước sân nhà ông Chỉnh vì ông không thu tiền cho thuê mặt bằng bán hàng mà vận động chị em ai góp được bao nhiêu thì góp cho thùng quỹ khuyến học ngày một "đầy".

Thùng quỹ ngày một đầy là niềm động viên đối với ông Chỉnh. "Tui cũng có ba đứa con đi học, mình làm Nhà nước, hàng tháng có lương đều đặn mà nuôi còn thấy chật vật, huống chi là nông dân. Thấy nhiều cháu bỏ học giữa chừng rồi la cà quán xá hư hỏng vì điều kiện gia đình. Tui đã lập ra thùng quỹ này. Lúc đầu mình làm thí điểm trong gia đình, thấy hiệu quả nên nhân rộng dần" - ông Chỉnh tâm sự.

Và năm 2008, số tiền trong thùng quỹ được ông Chỉnh bóc ra trước sự chứng kiến của Hội Khuyến học xã là 3.800.000 đồng. Số tiền ấy ông Chỉnh đã góp cùng với xã để trao học bổng cho các em tân sinh viên của xã theo học tại các trường đại học, cao đẳng trong cả nước và các em học sinh nghèo học giỏi.

Ông Hồ Quang Phú, Hiệu trưởng Trường THCS Mỹ Chánh, nơi có nhiều học sinh được nhận "học bổng làng" của ông Chỉnh cũng không hết lời khen ngợi. "Đây là một việc làm rất có ý nghĩa, tôi vô cùng ủng hộ cách làm khuyến học này, các em nghèo trong xã có thêm nghị lực tiếp tục chắp cánh ước mơ gieo chữ".

Không chỉ tự tay quyên góp tiền xây dựng thùng quỹ ngày một lớn mạnh ông Chỉnh còn nhận đỡ đầu cho em Nguyễn Thanh Toàn, đang theo học ngành Sư phạm Địa lý, Trường ĐHSP Huế, số tiền 1,2 triệu đồng/năm. Năm 2009 này ông Chỉnh còn đóng góp vào nguồn quỹ của xã Hải Chánh 5 triệu đồng và xã Hải Hòa (quê hương gốc của ông) số tiền 2 triệu đồng.

Ông Chỉnh cho biết: "Tui dự tính ngoài suất học bổng hằng năm dành cho một tân sinh viên trong xã có hoàn cảnh khó khăn nhất, năm nay tui sẽ tăng thêm hai suất nữa, mỗi suất 500 ngàn đồng"

Nga Sơn
.
.
.