Ô nhiễm sông Nhuệ: Nín thở chờ "giải cứu"

Thứ Bảy, 22/03/2008, 09:44
Thôn Liễu Nội, huyện Thường Tín (Hà Tây) có chừng 500 hộ, với gần 2.000 nhân khẩu, sống ven bờ sông Nhuệ. Cả làng Liễu Nội phải đào giếng khoan vì nước mưa không đủ dùng, nước sông Nhuệ thì quá bẩn, không ai dám nghĩ đến chuyện dùng để ăn uống. Vậy mà, nước ở cái giếng khoan ấy cũng bốc mùi khó chịu và người dân vẫn đang phải ăn thứ nước này.

Nguyễn Đại Thu năm nay 38 tuổi, sống với vợ là Cao Thị Thủy (39 tuổi) cùng ba đứa con (đứa lớn nhất 17 tuổi, đứa bé nhất mới 4 tuổi) tại đội 7, thôn Liễu Nội, xã Khánh Hà, huyện Thường Tín (Hà Tây), sát bên bờ sông Nhuệ. Đại Thu nhớ, ngày nhỏ, sông Nhuệ không đen kịt như bây giờ, anh vẫn thường ra sông bơi lội và mò cua bắt cá.

Thôn Liễu Nội của Đại Thu có chừng 500 hộ, với gần 2.000 nhân khẩu, sống ven bờ sông Nhuệ. Nhà ở gần sông, sợ nước ngầm cũng nhiễm bẩn, Đại Thu khoan giếng thật sâu, tới 67 mét. "ấy thế mà nước vẫn không dùng nổi. Qua bể lọc, nhìn nước rất trong, nhưng mùi thì rất khó chịu. Cứ để qua đêm, mở bể nước ra là bốc ngay vào mặt cái mùi thum thủm, không sao ngửi được" - Vừa nói, Đại Thu vừa chụm tay múc một vốc nước từ trong bể ra để cho khách ngửi - "Cả thôn, cả xã chúng tôi vẫn đang phải ăn thứ nước này đấy".

Cả làng Liễu Nội dùng nước giếng khoan vì nước mưa không đủ dùng, nước sông Nhuệ thì quá bẩn, không ai dám nghĩ đến chuyện dùng để ăn uống. 

Từ chuyện ba thùng cá chết…

Mấy năm nay, gia đình Đại Thu thuê một mẫu Bắc Bộ của thôn để nuôi cá, tổng mức thuế mỗi vụ là 6 tạ thóc. Anh trai của Đại Thu cũng thuê một cái ruộng như vậy. Mấy năm trước, mỗi năm Đại Thu thả chừng 1 tạ giống, toàn cá chép, trôi, trắm, mè và rô phi đơn tính.

Vụ cá năm nay, Đại Thu đầu tư gần 20 triệu tiền cá giống, nuôi 3.000 con cá sộp và cá quả. Vất vả cả năm, đến vụ cá nào cũng vậy, Đại Thu chưa kịp khấp khởi nghĩ đến thu hoạch thì cá đã chết hết. Tính cả cá giống và cá thịt, mấy năm nay Đại Thu đã thất thu cả trăm triệu đồng. Nhà anh trai Đại Thu cũng vậy.

Dẫn chúng tôi ra hiên nhà, Đại Thu mở ba cái thùng lớn, bên trong chứa đầy những con cá đang khô cứng, teo tóp dần, bề ngang mỗi con chưa bằng nửa bàn tay. "Cá chết, tôi cho bà con trong thôn vớt về làm thức ăn cho lợn. Còn bao nhiêu, tôi cho cả vào thùng, ướp muối lại. Xót của thì cứ ướp để đó thôi, chứ tôi cũng chẳng dám ăn" –

Đôi mắt Đại thu đỏ hoe - "Cả cánh đồng thôn Liễu Nội này, đố anh còn tìm được con lươn con trạch nào đấy, chúng chết hết rồi, vì nước sông Nhuệ này ô nhiễm quá. Khốn nạn, sao cái giống ốc bươu vàng lại sống trong nước bẩn khỏe thế, sinh con đàn cháu đống, ăn hết lúa má, hoa màu…".

Mỗi lần xách cá lên khỏi thùng để chúng tôi ghi hình, Đại Thu lại giơ tay ra xa mũi, vì mùi cá chết "nặng" quá. Đại Thu bảo: Nhiều năm nay, những người nuôi thủy sản dọc hai bờ sông Nhuệ đều phải bỏ nghề. Đặc biệt nhất, cách đây vài năm, có một gia đình đã mất hơn 500 triệu đồng vì sự ô nhiễm của nước sông Nhuệ.

Đến chuyện làng chài bắt… hến

Người nuôi cá đã vậy, những người gắn bó với dòng sông Nhuệ bằng nghề đánh bắt cá trên sông thì gần như đã kiệt lực. Thôn Vạn Nghệ, xã Văn Lý, huyện Lý Nhân (Hà Nam) trước đây có đa số dân sống bằng nghề chài lưới, nay hơn 150 hộ của thôn đã mất nghề, đặc biệt, 15 hộ dân lâu nay sống trên thuyền, đã hết cá mà vẫn chưa lên bờ được.

Một góc làng chài Lê Lợi.

Chúng tôi xuôi đến xã Phù Vân, thị xã Phủ Lý, nơi có hơn 240 hộ dân sống bằng nghề chài lưới, nay đã mất nghề. Thôn Lê Lợi của xã hiện có 73 hộ dân vẫn đang dập dềnh trên sông Nhuệ, tạo thành một xóm thuyền nhỏ dưới chân cầu Phù Vân. Những chiếc thuyền rách nát nằm chen chúc trên dòng sông đen ngòm, nồng mùi hôi hám.

Anh Bùi Trang Tần (42 tuổi), tổ phó của thôn chài Lê Lợi, rất hiếu khách nhưng ngại không mời chúng tôi lên chiếc thuyền xi măng có các khoang thuyền vá chằng vá đụp của mình. Vừa dẫn chúng tôi đi dọc xóm chài, vừa than thở: "Tính đến nay, xóm chài đã cư ngụ trên dòng sông này được ba đời rồi đấy. Nay vẫn sống trên sông Nhuệ, nhưng chúng tôi phải chuyển nghề từ bắt cá sông Nhuệ sang bắt hến sông Đáy. Cá chết hết rồi, chài lưới bỏ không. Hến sông Nhuệ vẫn còn nhưng rác nổi lều bều, bèo tây kín đặc thế kia, làm sao bắt nổi". 

Chị Nguyễn Thị Nga (37 tuổi) chui ra từ một khoang thuyền lụp xụp, góp chuyện: "Mỗi ngày, tôi cùng hai đứa con gái nhỏ bơi thuyền 5-7 km sang bên sông Đáy, cào được chừng hơn ba cân hến, bán được hơn 10.000 đồng. Trước đây, mỗi lần đem chài ra sông Nhuệ quăng cũng được cả chục cân cá, đi cào cũng được cả thuyền hến trai. Nước bẩn làm tôm cá chết hết, chúng tôi cũng chẳng biết rồi sẽ sinh sống bằng gì nữa".

Tổ phó Bùi Trang Tần xác nhận: "Lâu lắm rồi, làng chài chưa có đứa trẻ nào tốt nghiệp THCS, đứa học nhiều nhất cũng chỉ đến lớp 7 là thôi. Mấy hôm nay, thủy triều của sông Đáy đang lên khiến khu vực sông Nhuệ chảy ngược. Rác rưởi, bèo tây tưởng đã xuôi ra ngoài cửa sông, lại ùn ùn trở lại. Người già ngồi trên khoang thuyền thở dài. Đám thanh niên kéo lên bờ đi tìm việc, từ thợ xây, phụ hồ đến cửu vạn, việc gì cũng làm".

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết: Hiện nay, các cơ quan chức năng đã có nhiều hành động tích cực để giải cứu dòng sông Nhuệ, như hai dự án nạo vét sông Nhuệ và khơi cống Tắc Giang của Bộ NN và PTNT... Đánh giá về mức độ ô nhiễm của sông Nhuệ, ông Tân cho rằng, tần suất đã giảm so với nhiều năm trước, nhưng vẫn rất trầm trọng

L.H.Q.
.
.
.