Ổ dịch sốt xuất huyết từ những dòng kênh ô nhiễm
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của cơ quan chức năng thành phố, hiện số ca mắc SXH đã vượt ngưỡng 14 ngàn trường hợp. Trong số này cũng đã có những trường hợp bị tử vong do bệnh nặng, không được cấp cứu kịp thời.
Thực tế dịch bệnh hoành hành là thế, song khi nhìn vào những gì đã và đang xuất hiện kèm với nhiều con kênh, mương ô nhiễm trên địa bàn hiện nay, nỗi lo bùng phát ổ dịch luôn hiện hữu. Chiều 17-8, chúng tôi đến con ngõ 105 Thụy Khuê (quận Tây Hồ). Chảy qua con ngõ nhỏ này là con mương Thụy Khuê đen kịt, mặt nước nhiều vị trí lềnh bềnh rác thải sinh hoạt.
Dọc hai bờ mương là vô số ống nước xả thải của các hộ dân sinh sống trên địa bàn. Mương nước ô nhiễm, mưa lớn gây ẩm thấp, do vậy ruồi, muỗi không ngừng bủa vây cuộc sống của người dân nơi đây. Nguy cơ phát sinh dịch bệnh SXH từ con mương ô nhiễm này theo đó luôn rình rập xảy ra.
Cẩn trọng với việc phát sinh dịch SXH từ những kênh, mương ô nhiễm. |
Phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm là một trong những địa bàn đang “nóng” bởi dịch SXH. Thống kê của UBND phường Cổ Nhuế 1 cho thấy, trong đợt dịch vừa qua đã có 43 ca mắc SXH. Nguy cơ dịch bệnh SXH phát sinh trên diện rộng luôn tiềm ẩn nhất là khi những con mương chảy qua địa bàn đang bị ô nhiễm. Sáng 18-8, có mặt tại ngõ 581 Phạm Văn Đồng, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh con mương với dòng nước chảy đen kịt.
Hình ảnh dòng nước đen kịt, rác, phế thải bủa vây khiến ruồi, muỗi sinh sản, đe dọa lây lan dịch bệnh, trong đó có dịch SXH cũng xuất hiện ở con mương trong ngõ 145 đường Cổ Nhuế (phường Cổ Nhuế 2 – quận Bắc Từ Liêm), ngõ 115 Trần Cung (phường Nghĩa Tân – quận Cầu Giấy)…
Hiện tại, dịch SXH đang hoành hành. Số ca mắc SXH trên địa bàn thành phố không ngừng gia tăng. Các quận, huyện đang khẩn trương triển khai hàng loạt biện pháp nhằm khống chế, dập dịch, ổn định cuộc sống người dân. Băng rôn, khẩu hiệu phòng chống dịch bệnh SXH được các địa phương căng, tuyên truyền một cách sâu rộng tới người dân.
Ông Nguyễn Ngọc Quang, Chủ tịch UBND phường Cổ Nhuế 2 cho biết, là địa bàn có 46 trường hợp mắc bệnh SXH, nguy cơ lây lan dịch bệnh trên diện rộng luôn tiềm ẩn xảy ra nên cùng với công tác tuyên truyền, tổ chức ký cam kết cho các hộ dân về phòng, chống dịch SXH, UBND phường đã chủ động thành lập ở mỗi tổ dân phố từ 1-2 đội xung kích có nhiệm vụ dọn dẹp, vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, nhất là tại khu vực có kênh, mương, đồng ruộng…
Trở lại ổ dịch SXH rình rập từ những con kênh, mương đen qua địa bàn phường Cổ Nhuế 1, trao đổi với PV Báo CAND, ông Chu Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường Cổ Nhuế 1 cũng cho rằng, con mương có độ dài gần 400m qua địa bàn là một trong những vị trí được UBND phường xác định là trọng điểm trong việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh SXH.
Phường có hơn 2,4 vạn dân, trong đó có hơn 20 hộ sống ven con mương này, thế nên thời gian qua, UBND phường đã cắt cử các đội xung kích (gồm 3-5 thành viên) trực tiếp xuống địa bàn tổ chức ký cam kết, tuyên truyền người dân (bao gồm các hộ sống ven con mương) chủ động phòng, ngừa dịch bệnh SXH phát sinh như: diệt muỗi, đi ngủ phải mắc màn, mặc quần dài phòng muỗi đốt ban ngày, đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng, lật úp các dụng cụ không chứa nước…
Cũng theo ông Chu Việt Dũng, UBND phường đã lên phương án và tới đây sẽ tăng cường tổ chức phun thuốc khử muỗi, diệt bọ gậy đối với trên 12km đường, ngõ, trong đó tập trung vào các khu vực có mương nước đen đi qua địa bàn.
Ám ảnh vì sốt xuất huyết, nhiều người không mắc vẫn xin nhập viện Theo báo cáo của Sở Y tế Hải Phòng, đến ngày 17-8, trên địa bàn thành phố đã có 209 ca sốt xuất huyết (SXH), trong đó có 68 trường hợp dương tính với virus Dengue. Tuy nhiên, Giám đốc Sở Y tế Phạm Thu Xanh cho biết, đó là con số thống kê được từ các bệnh viện và trung tâm y tế. Số người mắc SXH tại cộng đồng có thể cao hơn rất nhiều. Hiện nay chỉ trừ huyện đảo Bạch Long Vỹ, 14/15 quận, huyện Hải Phòng đều đã xuất hiện ổ dịch, với tổng số 67 ổ dịch tại 53 xã, phường. Quận Lê Chân có số người mắc cao nhất, lên đến 30 trường hợp, rất may không có ai tử vong vì SXH. Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp hiện đang trong tình trạng quá tải do số người bị SXH nhập viện ngày càng tăng. Khoa Bệnh nhiệt đới tiếp nhận khoảng 13-15 ca SXH mỗi ngày, số giường bệnh chật kín. Còn tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, tính đến nay đã có 4 ca SXH nhập viện điều trị, trong đó 3 ca đã xuất viện. Giám đốc Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng Bùi Văn Chiến cho biết, số bệnh nhân đến khám vì sốt rất đông, do lo lắng về dịch bệnh SXH. Bởi vậy, khoa khám bệnh đa khoa hằng ngày luôn trong tình trạng quá tải. Đáng chú ý, một số người bệnh không có dấu hiệu SXH nhưng vẫn yêu cầu nhập viện để theo dõi khiến cường độ làm việc của bệnh viện càng tăng cao. Việc vận động bệnh nhân nhẹ điều trị ở tuyến dưới hoặc theo dõi ở nhà khi chưa có biểu hiện SXH ở thời điểm khám tại bệnh viện gặp khó khăn. Đó cũng là tình trạng tương tự tại một số bệnh viện hạng I khác của thành phố như: Bệnh viện Kiến An và Bệnh viện Hữu nghị Việt-Tiệp. Việc tập trung nhiều người bệnh mắc SXH ở cùng một tuyến điều trị không chỉ gây quá tải mà còn làm tăng nguy cơ lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Bởi vậy, bà Phạm Thu Xanh chỉ đạo các bệnh viện cũng như các trung tâm y tế cần nhanh chóng có giải pháp phân bố khoa phòng, tuân thủ nguyên tắc cách ly các bệnh nhân SXH. “Bệnh viện tuyến trên phải có sự sàng lọc, phân loại người bệnh để chuyển về tuyến dưới điều trị, hạn chế quá tải cho các bệnh viện tuyến trên để các bệnh viện này tập trung điều trị cho các ca bệnh nặng, không để xảy ra tai biến” – bà Xanh lưu ý các cơ sở y tế. (V.Huy) |