Khu công nghiệp Tam Hiệp - Bắc Chu Lai (Quảng Nam):

Nước thải công nghiệp chảy lộ thiên

Thứ Năm, 26/03/2009, 08:44
Hiện có hàng chục dự án đã đi vào hoạt động, đang được xây dựng, cấp phép đầu tư ở 2 Khu công nghiệp (KCN) Tam Hiệp và Bắc Chu Lai thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam. Thế nhưng, gần 4 năm qua, hàng ngàn hộ dân các thôn: Mỹ Bình, Vĩnh Đại, Thọ Khương, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành ngày ngày phải hít thở không khí nặng mùi, đặc biệt là nước thải công nghiệp cứ vô tư chảy qua khu dân cư, đổ thẳng ra hồ ao, đồng ruộng… của nhân dân.

Dân khiếu kiện, môi trường kiểm tra gắt gao, nhưng…

Mấy năm nay, rất nhiều lần hàng ngàn hộ dân hai thôn Mỹ Bình và Vĩnh Đại vốn đã chịu thiệt thòi vì nhường đất sản xuất, vườn tược, nhà cửa để làm KCN Tam Hiệp, phản ánh, khiếu kiện vì tình trạng các nhà máy vô tư gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Trên đường vào khu dân cư phía sau KCN này, chúng tôi cũng thấy khó chịu bởi mùi hôi nồng nặc của các nhà máy thải ra môi trường.

Ông Lương Văn Sách (81 tuổi) sống bên cạnh Nhà máy Ôtô Chu Lai - Trường Hải bức xúc phản ánh: "Nhà máy ni suốt ngày thải ra môi trường mùi hôi, đến bữa cầm chén cơm không thể ăn được. Mấy năm trước, nhà máy còn đốt chất thải khói um đen sì, mùi hôi nồng nặc. Dân phản ứng, giờ không thấy họ đốt nữa, không biết đem đi đâu… Còn từ khi có nhà máy chế biến cát, nước thải cứ chảy róc rách bao quanh khu vực, con cá chết, lội xuống hồ lên thấy chân tay đều mẩn ngứa".

Nhưng bức xúc, lo lắng nhất là tình trạng KCN này chưa có nhà máy xử lý nước thải, hệ thống cống thu nước thì tạm bợ, nước thải công nghiệp của các nhà máy cứ vô tư chảy qua khu dân cư, đến một lúc nào đó, nguồn nước ngầm sẽ bị nhiễm bẩn, độc hại. Điều đáng nói là điểm cuối của hệ thống cống này là kênh mương và ruộng đồng của người dân.

Đến thôn Vĩnh Đại, chúng tôi khá bất ngờ khi nhìn thấy nước thải của Nhà máy Ôtô Chu Lai - Trường Hải vô tư xả vào một máng lớn lộ thiên chảy qua khu dân cư và chảy vào kênh mương của người dân.

Anh Bình - một người dân có nhà sát máng nước thải này cho biết: "Do cơ quan môi trường làm rất gắt, tình trạng xả nước thải chưa qua xử lý của nhà máy đã giảm đi, nhưng vào những lúc chiều muộn, mưa, hoặc đêm khuya là nhà máy cứ xả nước thải có mùi hôi nồng nặc, đục ngầu như nước vo gạo ra".

Tình trạng các nhà máy ở KCN Tam Hiệp gây ô nhiễm môi trường cũng đã được các cơ quan chức năng thừa nhận là do chưa được đầu tư xây dựng các trạm xử lý nước thải tập trung dẫn đến nước thải không được xử lý đã đổ thẳng ra sông, môi trường bên ngoài.

Còn kết quả khảo sát của Cục Bảo vệ môi trường cho biết: Tại KCN Tam Hiệp, hàm lượng các chất thải rắn lơ lửng thường vượt chỉ tiêu 1-3 lần; môi trường không khí đã có dấu hiệu ô nhiễm nặng, đặc biệt, thông số bụi lơ lửng đã vượt tiêu chuẩn cho phép 1,2 lần.

Xả nước màu trắng đục vào ban đêm

Hơn một năm nay, 350 hộ dân với hơn 1.000 nhân khẩu sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp của thôn Thọ Khương, xã Tam Hiệp, rất lo âu vì nguồn nước thải trong KCN Bắc Chu Lai chảy vào hệ thống kênh mương sản xuất nông nghiệp của người dân có màu trắng đục như nước vo gạo.

Theo phản ánh của người dân, nước đục này thường xả vào ban đêm, ban ngày mọi người đi làm đồng lội xuống mương về là bị ngứa chân, cá thì chết, trong khi trâu bò thường uống nguồn nước kênh mương.

Theo Chi bộ và Ban nhân dân thôn Thọ Khương: "Trước tình hình nước thải tại Khu công nghiệp Bắc Chu Lai thải ra hệ thống mương có màu đục, Chi bộ và Ban nhân dân thôn đã phản ánh và UBND xã Tam Hiệp cũng đã có buổi làm việc với Ban quản lý Khu công nghiệp Bắc Chu Lai và Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Núi Thành để giải quyết tình trạng nêu trên, nhưng đến nay tình trạng xả nước thải đục ngầu vào hệ thống kênh mương vẫn tiếp diễn. Sợ rằng nước đục đã ngấm vào các giếng nước sinh hoạt của hộ dân sống gần khu vực mương và hàng ngày trâu, bò thường xuyên uống nguồn nước này, nếu không được xử lý tốt sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của nhân dân trong khu vực!".

Rất mong các cơ quan chức năng cần sớm đầu tư, quan tâm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường ở hai KCN nêu trên để hàng ngàn hộ dân yên tâm định cư, sản xuất

Viết Nam
.
.
.