Nước mắt voi ở Tây Nguyên

Thứ Tư, 08/07/2009, 13:46
Cái không thể thiếu cho du lịch Tây Nguyên là voi. Voi như hơi thở, lẽ sống cho sự phát triển du lịch ở vùng đất đỏ bazan này, nhưng có lẽ bao niềm tự hào của "xứ voi" Tây Nguyên bây giờ đang từng ngày chìm vào kí ức xa xăm…

>> "Vua voi": Ngày ấy... bây giờ

Xóa sổ làng voi Nhơn Hòa

Một lần đến Gia Lai, đồng nghiệp nhờ tôi đưa đi làng voi ở Nhơn Hòa, Chư Sê để cưỡi voi. Đang trong sự háo hức, bất chợt anh bạn buồn bã vì hay tin voi Nhơn Hòa không còn nữa.

Kể chuyện làng voi Nhơn Hòa bị xóa sổ, dân làng Plei Kia (Nhơn Hòa, Chư Sê, Gia Lai) ai nấy đều buồn rười rượi. Già làng Nay Tơr bảo: "Cách đây 2 năm ở làng còn duy nhất một con, còn bây giờ thì hết voi thật rồi".

Những câu chuyện về voi ở Plei Kia bây giờ chỉ còn trong ký ức. Con voi Thoong Khăm hơn 40 năm trước được đổi của bà Thao Thông Chanh, từ Buôn Đôn, Đắk Lắk với giá 80 con bò để đưa về Nhơn Hòa. Thoong Khăm gắn bó với gia đình già Nay Tơr qua bao năm tháng thăng trầm gian khổ. Ngày ấy, Thoong Khăm làm mọi việc cho cả gia đình và dân làng từ kéo củi, chở nước đến chuyên chở hoa màu. Những năm cuối đời, Thoong Khăm đóng vai trò của cỗ xe làm du lịch. Gia đình, dòng họ nào có voi đều tự hào, hãnh diện nhất làng.

Dân làng kể rằng, ngày trước không chỉ ở Nhơn Hòa mà các làng xung quanh đều có voi, làng ít vài con, làng nhiều đến 50 con voi, nhưng rồi những cánh rừng thu hẹp dần, voi cũng ra đi nhanh hơn cả đời người.

Năm 2002, khi thấy nguy cơ đàn voi ở Nhơn Hòa có khả năng không còn, ông Nguyễn Tấn Thành - Giám đốc Công ty Dịch vụ - Du lịch Gia Lai cố gắng giữ thương hiệu "làng voi Nhơn Hòa" nổi tiếng với khách du lịch nên đã mua 3 con voi để nuôi dưỡng làm du lịch. Ông Thành kể, khi đó mua voi khó lắm. Mua 1 con voi phải cần đến hơn 20 chữ ký của dân làng, bởi voi là tài sản chung của dòng họ.

Người Jơ Rai ở Nhơn Hòa không có nghề săn bắt thuần dưỡng voi như Buôn Đôn, song họ lại có nhiều tài sản để đổi voi. Voi Nhơn Hòa nhiều và nổi tiếng một thời là nhờ người dân ở đây biết thuần dưỡng, chăm sóc voi một cách kỹ lưỡng. Ngày đó, du khách trong nước và quốc tế khi đến Bắc Tây Nguyên ai cũng muốn đi cưỡi voi Nhơn Hòa. Vì đó là thú du lịch độc đáo mà cả nước chỉ vài nơi ở Tây Nguyên có được. Ngoài ra, làng voi Nhơn Hòa còn góp phần vực dậy ngành Du lịch Gia Lai trong những ngày đầu khốn khó, trở thành thương hiệu nổi tiếng đối với nhiều công ty lữ hành du lịch cả nước… Nhưng rồi cuối cùng những lo toan và sự tính toán sợ mất hết voi cũng không tránh khỏi. Môi trường, điều kiện sống của voi ở đây ngày càng thu hẹp và lần lượt những chú voi Nhơn Hòa đã ra đi hết, bây giờ chuyện voi ở đây chỉ còn là ký ức một thời để nhớ.

Voi Buôn Đôn, làng voi hiếm vùng Đông Nam Á

Buôn Đôn thuộc xã Krông Ana, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) cách TP Buôn Ma Thuột khoảng 50km, là nơi săn bắt và thuần dưỡng voi có một không hai của vùng Đông Nam Á. Con voi đi vào du lịch đã làm đa dạng hóa bức tranh độc đáo của du lịch Đắk Lắk nói chung và phong cách người Tây Nguyên nói riêng. Có được điều đó bởi Buôn Đôn là nơi được thiên nhiên ban tặng một khu rừng quốc gia Yok Đôn thật lý tưởng có một không hai ở khu vực Đông Dương này cho voi và nhiều động vật khác sinh tồn.

Chừng 20 năm về trước, đến Buôn Đôn là đến với thế giới của voi. Hàng trăm chú voi rừng, voi nhà to khỏe, sức mạnh được ví như "thần núi". Ở vùng địa linh này cũng sản sinh ra một con người giống như huyền thoại, đó là "vua voi" Ama Kông. Trong đời, Ama Kông đã săn bắt, thuần dưỡng được tất cả 298 con voi rừng, làm nên những kì tích hào hùng về nghề săn bắt, thuần dưỡng voi ở Tây Nguyên.

Bây giờ Ama Kông đã ngoài 90 tuổi, chân run tay mềm nhưng mỗi khi khách đến thăm, nhắc lại chuyện voi, Ama Kông tự hào lắm. Ông kể về những chuyến săn voi, thuần phục voi đầy ly kỳ giống như huyền thoại cách đây hàng chục năm ở Buôn Đôn. Ông chỉ tay lên chiếc tù và treo bên mái nhà nói: "Khi xưa, tiếng tù và thổi lên như lời hiệu triệu của những chuyến săn voi. Tiếng tù và này cũng thường cất lên báo hiệu dân làng đến ăn mừng sau những chuyến săn voi thắng lợi trở về".

Buôn Đôn bây giờ chỉ còn lại vài chục con voi già ốm yếu và bị nhổ trộm gần như trơ trụi hết lông đuôi để bán cho khách du lịch! Voi Buôn Đôn hôm nay không chỉ giúp người chuyên chở hàng hóa mà còn nhận trách nhiệm nặng nề để thúc đẩy cho du lịch Buôn Đôn nói riêng và Tây Nguyên nói chung phát triển.

Voi ngày càng ít đi và phải lẩn tránh con người trong rừng sâu. Nạn đốt rừng làm rẫy, phá rừng lấy gỗ… làm môi trường sống của voi bị hủy diệt. Những đàn voi nhà nuôi dưỡng làm du lịch cũng bị "bóc lột" thậm tệ. Dưới những tán cây me cằn cỗi, tôi ngắm nhìn những chú voi Buôn Đôn bây giờ thật tội nghiệp. Nó cứ cố ve vẩy cái đuôi nhưng đâu còn sợi lông nào.

Voi càng ngày càng hiếm

Ngoài giá trị về vật chất, sự giàu có, từ ngàn xưa, voi còn là con vật mang nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Tây Nguyên. Nhưng trong thời gian gần đây, ngoài việc giết voi để lấy ngà, mặt hàng lông đuôi voi cũng đã trở thành "đặc sản" của nhiều du khách nên tình trạng mất voi ngày càng cao.

Ở Buôn Đôn, Đắk Lắk, có hai thứ hàng hóa bán chạy nhất hiện nay là nhẫn lông đuôi voi và thuốc Ama Kông. Dạo quanh những quầy hàng ở các khu du lịch đều thấy trưng bày 2 loại "đặc sản" có một không hai này ở Tây Nguyên cũng như trong nước và quốc tế. Theo giới thiệu của các chủ hàng, lông đuôi voi được trang trí nổi bật trong những chiếc nhẫn vàng, bạc có giá thấp nhất từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng/chiếc. Có loại lớn, nhẫn đôi hoặc vòng đeo tay lên tới hàng triệu đồng/chiếc (tuỳ theo cỡ tay), vòng đeo tay, do người đặt hàng. Nếu du khách không mua nhẫn, vòng vàng, bạc thì có thể mua lông đuôi voi, giá 100.000 - 200.000 đồng/sợi, có sợi dài giá tới 500.000 đồng/sợi...

Tôi đặt câu hỏi nghi ngờ vì lấy đâu ra lông đuôi voi nhiều như vậy? Một người bán hàng "bật mí": "Nếu không rành hàng sẽ bị mua đồ rởm đấy". Tôi nhập vào giới xe ôm ở các khu du lịch và được biết, hàng giả lông đuôi voi được sản xuất khá tinh vi bằng nhựa với xơ dừa. "Tuy nhiên, để phân biệt loại giả thật chỉ có cách duy nhất là nhờ lửa đốt, nếu lông đuôi voi thật không dễ chảy như nhựa và xơ dừa", một người hành nghề xe ôm thổ lộ.

Theo các quản tượng xứ voi Buôn Đôn cho biết, lông đuôi voi bị nhổ không thể mọc lại như cũ được nữa, vì thế, họ chưa bao giờ nhổ lông đuôi voi bán, dù khá nhiều tiền. Thế nhưng nghiệt ngã là lông đuôi voi của họ bị nhổ trộm trơ trụi hết. Theo quản tượng Y Nghĩa, bọn "đạo chích" thường canh lúc thả voi vào rừng hoặc khi nghỉ ngơi thì nhổ trộm lông và có khi còn chặt cả đuôi. Dù luật tục của người dân xứ Bản Đôn nếu phát hiện kẻ trộm phải phạt trâu, bò và tiền rất nặng. Sợi lông đuôi voi bị nhổ phải đốt để tạ lỗi "thần voi", nhưng thực tế thật khó phát hiện kẻ trộm... 

Giai thoại về lông đuôi voi mang lại may mắn chỉ là hư truyền, nhưng trong cuộc sống thực tại hiện nay nhiều người đã lợi dụng lòng tin, sự tìm tòi của một số người để trục lợi. Cũng vì lợi mà con người sẵn sàng giết voi để lấy ngà, lấy lông đuôi một cách bất chấp pháp luật và luật lệ của dân làng. Ngoài ra, cũng vì lợi nhuận mà voi bị bóc lột sức lao động quá mức nên dẫn đến nhanh già, chết. Từ những "ngón nghề" mưu sinh, thương mại hóa sản phẩm voi bằng mọi cách mà dẫn đến thảm cảnh voi quật chết người, người giết voi. Và cái vòng luẩn quẩn ấy đã đến ngày làm cho đàn voi Tây Nguyên bị tận diệt.

                                             (Còn nữa)

Ngọc Như
.
.
.