Nữ tướng cướp hoàn lương

Thứ Tư, 29/11/2006, 08:38

Thật khó hình dung người đàn bà đã vào ngưỡng "thất thập cổ lai hy" sống dưới mái nhà bình dị này từng một thời là nữ tướng cướp khét tiếng. Bà tên Trần Thị Liễu nhưng người ta thường gọi bà là Tám Lũy. Và đó cũng là biệt danh của băng cướp, nỗi khiếp đảm của người dân vùng sông nước miền Đông Nam Bộ những năm chín mươi của thế kỷ trước.

Ngồi đối diện với tôi, ánh mắt sắc lạnh của người đàn bà ấy dịu hẳn lại, nhường chỗ cho cái nhìn sám hối và những lời nói, cử chỉ ân cần, lương thiện. Bà bảo: Con người ta sinh ra có trăm ngàn cách sống, nhưng cho dù sống cách nào thì cái đích cuối cùng vẫn là sự hướng thiện.

Cái đích này thời trẻ thường là người ta không thấy, hoặc thấy nhưng không biết, hoặc biết nhưng vì nhiều lý do mà người ta không làm hoặc không làm được. Nhưng càng về cuối đời thì nó càng hiện ra rõ hơn, cho dù sự hướng thiện lúc này chẳng đủ để bồi lấp hố sâu đạo lý mà một thời lầm lỗi mình đã gây ra...

Mỹ nhân khét tiếng

Con đường từ bến phà Cát Lái về vùng sông nước Phú Đông, Nhơn Trạch mùa này thật ẩm ướt và âm u. Giữa bốn bề sông rạch, đồng nước mênh mông, nổi lên một thảm xanh trải dài hút tầm mắt. Người dân địa phương gọi đó là giồng Ông Đông. Nhà bà Tám cùng trang trại chăn nuôi của bà nằm ở một vị trí khá đẹp giữa giồng.

Thời chiến tranh, khu vực này là địa bàn hoạt động của quân giải phóng và biệt động thành, tạo bàn đạp đánh vô nội thành Sài Gòn. Sau ngày giải phóng miền Nam, vùng này trở thành nơi ẩn náu của nhiều băng nhóm trộm cướp, giang hồ.

Đến đầu thập niên chín mươi, những băng nhóm này lần lượt xộ khám trước sự tấn công, truy quét quyết liệt của lực lượng Công an. Duy nhất một băng cướp nằm ngoài tầm kiểm soát bởi sự ranh ma trong hành sự và trốn tránh pháp luật, đó là băng cướp Tám Lũy.

Phải mất nhiều năm điều tra, trinh sát, bám nắm địa bàn, lực lượng Công an tỉnh Đồng Nai mới lần ra tung tích của băng nhóm này. Điều kinh ngạc, "đại ca" của băng cướp là một phụ nữ rất giỏi võ thuật, được mệnh danh là "con cá kình" và các tên cướp trong băng nhóm đều là con, em, họ hàng của nữ tướng cướp này, tổng số lên đến 25 tên.

Nữ tướng cướp đó là Trần Thị Liễu, thường gọi là Tám Lũy (gọi theo tên chồng). Liễu sinh ra ở Thủ Đức, Sài Gòn, trong một gia đình có truyền thống võ nghệ. Từ nhỏ, Liễu đã theo gia đình lênh đênh buôn bán, làm ăn dọc các vùng sông nước từ Nhà Bè, Sài Gòn đến Đồng Nai, Vũng Tàu... Cuộc sống ấy đã giúp Liễu thông thạo địa hình sông nước như lòng bàn tay, có biệt tài bơi lặn như một con rái cá và rất giỏi điều khiển phương tiện giao thông đường thủy.

Hồi trẻ Liễu khá đẹp và hấp dẫn. Nhiều người đến bây giờ vẫn còn nhắc chuyện Liễu một mình đánh tan tác toán lính quân đội Sài Gòn có vũ khí ngay trên bến sông Nhà Bè. Lần ấy, trên đường đi tuần, tụi lính bắt gặp Liễu giữa đêm hôm khuya khoắt. Tưởng vớ được "mồi ngon" con gái nhà lành, thằng trung úy và đám lính liền xáp vô giở trò. Liễu khôn ngoan kéo giãn đội hình toán lính ra đến sát mép sông.

Khi chỉ còn 4 tên bám sát mình, Liễu giả vờ đồng ý "chiều mấy ảnh" rồi bất ngờ tung chưởng. Bốn thằng đô con, mặt mày bặm trợn lần lượt dính đòn nằm giãy giụa như heo chọc tiết. Khi tụi lính hoàn hồn chĩa nòng súng về phía Liễu thì bóng nai tơ kia đã "ùm" xuống sông lặn một hơi như con rái cá, bỏ lại phía sau những loạt đạn của đám lính như thể trẻ con ném sỏi xuống mặt nước.

20 tuổi Liễu lấy chồng. Người đàn bà này có thêm biệt tài rất ít phụ nữ khác sánh kịp, đó là tài... đẻ. Trong vòng hơn 20 năm, Liễu sòn sòn cho ra đời 15 đứa con, nuôi được 11 đứa. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến cuộc đời Liễu rẽ vào vòng xoáy tội lỗi. Con đông, điều kiện sống khó khăn, việc làm ăn thất bát, Liễu bèn nghĩ cách "nẫng" của người khác.

Liễu tham gia vào một đường dây đưa người vượt biên trái phép và tổ chức cưỡng đoạt tài sản của các đối tượng này. Các con của Liễu lớn lên trong môi trường ấy dần trở thành những tên "hảo hán" có hạng ở vùng sông nước. Dưới sự "đạo diễn" của Liễu, họ tổ chức "ăn nóng" tài sản của người đi buôn dọc các tuyến sông từ Nhơn Trạch đi TP HCM và các vùng lân cận. Để giữ bí mật tung tích, nữ tướng cướp này chỉ kết nạp thành viên là người thân thích ruột thịt.

Quá trình điều tra, Công an phát hiện ra băng cướp này có rất nhiều súng đạn, đó là số vũ khí họ "sưu tầm" được từ thời chiến tranh, tổng cộng đến cả chục khẩu cùng hàng ngàn viên đạn. Với lợi thế thông thạo địa hình sông nước, những khi đi "ăn hàng", băng cướp này thường hành sự rất nhanh và rút rất chóng, làm cho lực lượng truy bắt không kịp trở tay.

Băng cướp này khá "ăn tạp". Dọc đường hành sự, gặp bất cứ tài sản gì đáng giá, có cơ hội cướp được là chúng thực hiện ngay. Người dân dựng chòi chăn nuôi sát mép sông, kênh, rạch từng há hốc mồm trước kiểu cướp heo có một không hai. Chỉ cần một chiếc bao tải đựng một ít tro bếp, tên cướp chụp đầu heo vào bao tải, rồi kẹp nách cả con heo nặng dăm, sáu chục ký bơi qua sông nhẹ tênh. Những kiểu hành sự ấy đều do nữ tướng cướp Tám Lũy "huấn luyện". Bị phát hiện, truy bắt, các tên cướp sẵn sàng nổ súng chống trả quyết liệt.--PageBreak--

Phó Công an xã Phú Đông Nguyễn Hồng Châu kể: “Hồi đó tôi là Ấp đội trưởng ấp Vọng Đông, xã Phú Hữu. Trong một lần truy nóng đối tượng, lực lượng Công an và đặc công rừng Sác đã bắt được nữ tướng cướp Tám Lũy. Tôi và hai đồng chí khác được giao nhiệm vụ áp giải tên cướp nguy hiểm này về đồn Công an.

Lúc này bà Tám vừa mới sinh thằng út (mấy đứa con của bà Tám từ thứ mười trở đi được gọi bằng những cái tên khá ngộ như: Út, Vét, Chót, Hết, Ròm như thể đứa nào cũng là đứa sau cùng, nhưng rồi đẻ lại hoàn... đẻ). Mặc dù đã bị trói hai tay ra phía sau nhưng khi đến đoạn sông vắng, lợi dụng lúc chúng tôi chủ quan, bà ta bất ngờ tung chân tấn công. Bọn tôi bị dính liên hoàn cước vào chỗ hiểm, đành nhìn theo bóng tên cướp mất dạng giữa dòng nước ngầu đục phù sa”...

Trong quá trình hành sự, băng Tám Lũy đã một lần cướp nhầm phải Công an. Lần ấy, ông S., cán bộ Công an tỉnh Long An trên đường đi công tác (mặc thường phục) bị bọn cướp phục ngay ở đầu cầu Cháy. Thấy một ông khách ăn mặc sang trọng, chúng giật luôn chiếc ca táp rồi nhảy xuống sông, lên xuồng tẩu thoát. Lực lượng Công an, xã đội được huy động khẩn cấp truy nóng đối tượng. Bọn cướp bắn trả như vãi đạn rồi mất hút giữa vùng rừng ngập nước.

Với quyết tâm phải phá bằng được băng cướp này trả lại sự bình yên cho nhân dân, Công an tỉnh Đồng Nai đã tung lực lượng trinh sát dày dạn kinh nghiệm bám nắm địa bàn, nhất là những đồng chí giỏi tác chiến ở vùng sông nước, ngày đêm mai phục tại các tụ điểm mà bọn cướp thường qua lại, ẩn náu. Được sự hỗ trợ của lực lượng đặc công rừng Sác và sự phối hợp chặt chẽ của quần chúng, các đợt tấn công truy quét ráo riết của Công an đã lần lượt đưa những tên cướp liều lĩnh xộ khám.

Trong chiến dịch đánh án dài ngày giữa mênh mông đồng nước, hai chiến sỹ Công an bị dính đạn bọn cướp đã anh dũng hy sinh, một số đồng chí bị thương. Tên Tùng, con trai của nữ tướng cướp, kẻ đã bắn chết chiến sỹ Công an, đã tự sát ngay sau khi bị bắt.

Về chốn bình yên

Hốt trọn ổ băng cướp nguy hiểm này đã khó, xử lý các đối tượng sau khi bị bắt càng khó hơn. Vấn đề đặt ra cho các lực lượng thực thi pháp luật chính là ở tính "đặc thù" của băng cướp. Tất cả bọn họ đều là thành viên trong một đại gia đình. Chiếu theo pháp luật để xử lý theo các khung hình phạt là điều hiển nhiên. Nhưng vấn đề quan trọng là cần phải có phương pháp cảm hóa, giáo dục để họ có cơ hội làm lại cuộc đời. Nếu không tương lai của một gia đình, dòng họ coi như chấm hết. Ngoại trừ tên Tùng đã tự sát, các tên cướp còn lại đều nhận những bản án nghiêm khắc, cao nhất là 18 năm tù.

“Vừa rồi đứa cuối cùng đã được ra tù,” bà Tám nói, đôi mắt ánh lên niềm vui. Tụi nó bây giờ đứa nào cũng chí thú làm ăn. Thú thực, khi cả nhà bị vào tù, tui nghĩ thế là hết. Nhưng rồi những năm tháng chấp hành hình phạt, tui ngộ ra rằng dù mình gây nhiều tội ác nhưng từ đội ngũ quản giáo cho đến chính quyền địa phương đều quan tâm giáo dục, định hướng, giúp đỡ mình làm lại cuộc đời. Giờ đây sống những năm tháng cuối đời, tui vẫn thường xuyên được các chú Công an, cán bộ địa phương đến thăm hỏi, động viên. Nghĩ mà đau đáu ruột gan.

Đại úy Nguyễn Chính Tần, Trưởng Công an xã Phú Đông cho biết: Các con bà Tám sau khi ra tù đều được địa phương tạo điều kiện làm ăn, tái hòa nhập cộng đồng. Anh Nguyễn Văn Cư, con thứ hai của bà mở dịch vụ xe tải chở vật liệu xây dựng và kinh doanh nhà ở, đã vươn lên trở thành một trong những “đại gia” ở xã. Một số đứa con và cháu của bà tham gia vào hoạt động đoàn, hội, có những đóng góp tích cực cho phong trào của địa phương.

Còn bà Tám, dù các con khuyên bà về ở với chúng, nhưng bà không chịu. Bà bảo: "Ngày xưa má đã định hướng sai lầm cho các con, bây giờ má cần ở một mình để ngẫm nghĩ về một quãng đời tội lỗi". Bà trở lại giồng Ông Đông, nơi ngày xưa bà ẩn náu làm điều ác, để gieo mầm thiện. Đôi tay ở tuổi "cổ lai hy" của bà trồng cây, lập chuồng trại chăn nuôi. Cây bà trồng tỏa bóng sum suê. Đàn heo bà nuôi lên đến hơn 50 con, cùng hàng trăm con gà, vịt. Bà tâm sự: Cứ mỗi lần nghe tiếng trẻ con khóc, tiếng gà gáy, heo kêu... bà lại chạnh lòng tự hỏi, không hiểu tại sao ngày đó mình lại làm như thế? Nghèo khổ là một chuyện, nhưng không thể cứ nghèo là người ta có thể đi ăn cướp. Sự sám hối ấy khiến bà day dứt.

Dù tuổi cao, sức yếu nhưng bà Tám luôn tích cực tham gia công tác giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương và động viên con cháu cùng tham gia. Bà luôn lấy tấm gương phản chiếu về cuộc đời mình để vận động đám thanh niên tránh xa tội lỗi. Có lần lực lượng Công an xã bắt được một số đối tượng trộm cắp nhưng bọn chúng lì lợm không chịu khai ra nơi cất giấu tài sản. Bà Tám nghe tin tìm đến, nắm lấy tay thằng đầu sỏ mà rằng: "Tụi bây không học lấy cái khôn lại đi học cái dại. Về khoản này chẳng đứa nào trong tụi bây qua mặt được tao đâu. Tài sản cất giấu ở đâu thì lấy ra đi". Bọn chúng nhìn bà Tám rồi ngoan ngoãn gật đầu.

Bà Tám dẫn tôi đi tham quan khu chăn nuôi, trồng trọt xung quanh nhà. Nhìn bàn tay bà gầy yếu, run run chăm sóc những con heo mới đẻ, tôi không thể hình dung nổi ngày xưa bà lại là một tướng cướp khét tiếng. Bà tâm sự: Mọi sai lầm đều có thể chuộc lại nhưng khi bàn tay đã vấy máu thì không gì gột rửa được. Điều ám ảnh, giằng xé tâm can bà suốt những năm tháng cuối đời là cái chết của hai chiến sỹ Công an và của con trai bà. Vì thế nên bây giờ, tất cả những gì liên quan đến mầm sống bà đều nâng niu, cho dù đó chỉ là một mầm cây hay những con gà mới nở...

Phan Tùng Sơn
.
.
.