Nữ đảng viên ưu tú người Chăm

Thứ Hai, 20/12/2004, 16:33

Đại hội điển hình phụ nữ tôn giáo, dân tộc các tỉnh Nam Bộ ngày 14/12 có một đại biểu đặc biệt. Đó là chị Châu Kho Ly, người đã và đang vượt qua những giáo lý khắt khe của Đạo Hồi để giúp ích cho cộng đồng.

Được đại diện cho hơn 8.000 phụ nữ Chăm ở An Giang đi dự do đại hội do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức, Châu Kho Ly cảm động đến rơi nước mắt. Chị lại nhớ đến lần được chính thức đứng vào hàng ngũ của Đảng: "Tôi là phụ nữ người Chăm thứ ba của cả tỉnh An Giang có được vinh dự này".

"Tôi năm nay 41 tuổi. Là tín đồ theo đạo Hồi, cũng như bao phụ nữ Chăm khác, tôi có niềm tin vào Thánh Ala, tiên tri Mohammad và Thiên kinh Qnr'an. Chúng tôi thực hiện nghiêm túc các giáo luật của Hồi giáo cũng như luật cấm cung, 15 tuổi ra đường phải có người dắt và có khăn the đội đầu, che mặt…", Châu Kho Ly bắt đầu câu chuyện của mình khá thu hút.

Luật lệ ngày đó tương đối nghiêm ngặt nhưng nàng thiếu nữ Châu Kho Ly vẫn có ý thức vươn lên rất nhiều. Riêng trong tình yêu, chị chẳng giấu giếm: "Tôi đã vượt qua nhiều rào cản và kết hôn với một chàng trai người Kinh cùng xã Đa Phước, huyện An Phú".

Kho Ly kể: Phụ nữ Chăm rất ít tham gia vào các hoạt động cộng đồng. "Thấy thiệt thòi điều gì đó nên năm 2000, tôi xin gia nhập vào Hội Phụ nữ xã và trở thành nữ hội viên Chăm duy nhất. Tôi vận động chị em người Chăm vào Hội. Đến nay, trong tổng số 1.470 hội viên cả xã, có đến 200 hội viên là người Chăm".

Để "giữ chân" chị em, chị thành lập hẳn một CLB phụ nữ Chăm, hàng tháng có sinh hoạt định kỳ với nội dung là tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước… và các vấn đề liên quan đến đời sống hàng ngày.

Mặc dù kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng không ít phụ nữ Chăm mang nặng phong tục, tập quán sinh con nhiều. Thế là Châu Kho Ly đến vận động, giải thích. Chị em dần cũng nhận thức được rằng, muốn có được gia đình hạnh phúc, ấm no, chỉ nên có từ 1 đến 2 con, tự giác áp dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình. Chị lại thành lập CLB gia đình hạnh phúc với thành viên là những phụ nữ đã có 2 con, trong độ tuổi sinh đẻ và cả những thiếu nữ chưa lập gia đình. Chị còn vận động chị em có kinh tế khá giúp đỡ cho số chị em có hoàn cảnh khó khăn hơn làm kinh tế.

Châu Kho Ly thấu hiểu giá trị của cái chữ, không có chữ là dốt nát, là nghèo đói. Chính vì vậy, kể từ khi vào Hội đến nay, trung bình mỗi năm, chị vận động trên 2.600 trẻ em đến trường, vận động 40 em bỏ học trở lại lớp. Chị còn phụ trách 2 lớp học phổ cập trung học phổ thông cho 25 học sinh dân tộc Chăm, 1 lớp dạy 3 thứ tiếng Chăm, Malaysia và Ả Rập cho 40 em nữ Chăm khác. Thấy một số em do nhà quá nghèo, chẳng có tiền mua sắm sách vở đến trường, chị bỏ cả việc nhà đi vận động được 8.750.000 đồng và nhiều bộ sách giáo khoa giúp các em. 

Kết thúc mùa mưa lũ năm 2004, cũng như nhiều địa phương khác của An Giang, vùng quê Đa Phước cũng bị thiệt hại. Người dân biên giới Đa Phước vẫn nhớ mãi hình ảnh Châu Kho Ly đội cơn mưa dầm dề, để đi vận động những tấm lòng hảo tâm. Kết quả, được 390 thùng gạo và 160 phần quà chuyển đến 26 hộ đồng bào Chăm gặp khó... Trong muôn vàn công việc bận rộn như vậy, người phụ nữ có vóc dáng nhỏ bé Châu Kho Ly còn tình nguyện chăm sóc 3 bà mẹ Việt Nam Anh hùng neo đơn; trực tiếp vận động 45 triệu đồng để sửa chữa 9 căn nhà gia đình chính sách. Một chị cùng đoàn đại biểu An Giang còn cho tôi biết: "Nhờ nỗ lực của Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Đa Phước Châu Kho Ly, mà giờ đây, Thánh đường IEHSAN vốn chỉ dành riêng cho nam giới đã trở thành điểm sinh hoạt tôn giáo bình đẳng. Giáo cả cũng hết sức tin cậy, mến yêu và ủng hộ những công việc mà Châu Kho Ly làm

T.B
.
.
.