Nữ cựu tù kiên trung hai lần vượt ngục
Tôi tình cờ gặp bà Liên trong buổi gặp mặt cựu tù yêu nước tại Quảng Ngãi. Hôm đó, câu chuyện của người đàn bà tuổi đã ngoài 70 kể về những tháng năm bị giặc giam cầm ở trại giam Phú Tài (Quy Nhơn, Bình Định) khiến cho mọi người có mặt đều khâm phục.
Theo lời bà Liên, bà tham gia cách mạng khi vừa tròn tuổi 17. Năm 1966, bà được cấp trên điều chuyển về công tác tại Huyện đội Tư Nghĩa, rồi được đi học lớp biệt đội thành trong thời gian 1 năm và điều chuyển về cơ quan Thị đội Quảng Ngãi. Bà Liên nhớ lại, vào một ngày cuối tháng 3-1969, khi bà cùng đồng đội phục kích đánh bắt bọn Hội đồng xã Nghĩa Kỳ thì bị giặc phát hiện, bắt giữ.
Bà Liên trong ngày gặp mặt cựu tù yêu nước tại Quảng Ngãi. |
“Trên người tôi lúc ấy mang 1 khối thuốc nổ TNT, 3 quả lựu đạn N26 và 1 khẩu súng ngắn. Khi bị bại lộ, trong tôi lóe lên suy nghĩ, thà chết chứ không thể để địch bắt sống, nên lập tức cho khối thuốc nổ tung… Nhưng oái oăm, tôi không chết mà bị thương nặng nên giặc bắt đưa đến nhà thương dã chiến điều trị, nhằm khai thác căn cứ bí mật của ta. Trong thời gian điều trị vết thương, giặc dùng đủ mọi biện pháp mua chuộc, tra khảo nhưng tuyệt nhiên tôi không hé răng nửa lời. Trong tim mình là cách mạng, là Đảng, là Tổ quốc và nhân dân, mình không thể phản bội…”, bà Liên tâm sự.
Trước thái độ cứng rắn của bà Liên, giặc đưa bà ra trại giam Non Nước (Đà Nẵng). Tại đây, ròng rã suốt một tháng trời, chúng nhốt bà vào phòng giam đặc biệt và dùng đủ mọi hình thức tra tấn man rợ, nhưng không khai thác được gì nên chuyển bà ra phòng nhì giam giữ thêm một tháng nữa thì đưa về trại giam nữ Phú Tài (Bình Định)…
Nhớ lại những năm tháng trong trại giam Phú Tài, bà Liên rơm rớm nước mắt: “Chứng kiến bọn quân cảnh, giám thị tra tấn, đánh đập các nữ tù chính trị quá tàn nhẫn, tôi đau xót và căm phẫn vô cùng. Từ đó, tôi nghĩ đến việc phải tìm cách vượt ngục. Nếu thành công thì sẽ được về lại đơn vị, được tiếp tục đánh giặc. Còn chẳng may bị phát hiện bắn chết, thì cũng coi như hoàn thành nhiệm vụ với cách mạng”.
Bà Liên bí mật bàn với nữ tù Lê Thị Thận (lúc ấy bị giam chung phòng giam A6) tìm cách trốn ra ngoài. Sau vài ngày thăm dò địa hình, cùng với 3 đêm bà Liên tập cho bà Thận cách thức vượt hàng rào, cách tránh né địch thì cả hai quyết định thực hiện kế hoạch vượt ngục vào một đêm tháng 10-1969. Tuy nhiên, khi vượt ra khỏi trại giam thì gặp toán giặc đi tuần nên hai người lạc nhau. Một mình bà Liên mò mẫm tìm đường ra khỏi vùng địch. Bà men theo đường rừng mà đi ròng rã suốt 7 ngày 7 đêm.
Trong thời gian này, bà chỉ nhai lá rừng và uống nước suối cầm chừng, ban ngày trốn trong hang vì sợ bị địch phát hiện, còn ban đêm thì băng rừng vượt núi, với hi vọng ra được đồng bằng, tìm về đơn vị. Nhưng khi vừa tới đồng bằng, chưa kịp vui mừng thì bà lọt vào ổ phục kích của giặc. Bọn chúng bắt bà đưa về trại giam.
“Bọn giặc giam tôi ở phòng nhì Sư đoàn 25, dùng mọi hình thức tra tấn khủng khiếp nhất, từ đổ xà phòng, nước ớt đến đánh đập, chích roi điện... buộc tôi khai ra người đứng sau tổ chức vượt ngục. Dù lúc đó thân thể đã kiệt sức và không thể chịu nổi nữa, nhưng tôi vẫn một mực giữ thái độ kiên quyết, nhất định không đầu hàng…”, kể đến đây, giọng bà Liên nghẹn lại.
Theo lời bà Liên, không thu được kết quả gì, địch vô cùng tức tối, chúng còng hai tay hai chân của bà và nhốt bà vào thùng sắt để giữa trời ròng rã suốt 153 ngày đêm. Trời nắng thì như ngồi trong đống lửa, trời mưa thì lạnh buốt thấu xương. Trong thời gian đó, chúng chỉ cho bà ăn cơm trắng trộn với muối sống và tra tấn bằng đòn tâm lý, nhằm khuất phục ý chí của bà.
Nhưng trước ý chí rắn như thép của bà, chúng lại đưa bà vào trại chiêu hồi với âm mưu buộc bà phải chào cờ 3 que, đầu hàng địch. Tại đây, bà đã cùng một số đồng đội đấu tranh không chào cờ địch và thực hiện vượt ngục lần hai. Song, lần này bà bị lính gác phát hiện, bắn thẳng vào ngực, gãy xương ức và xuyên lủng phổi… Sau khi chữa trị lành vết thương, giặc lại đưa bà vào biệt giam, canh giữ nghiêm ngặt.
“Tôi nghĩ, nếu đã không thể thoát ra ngoài để cùng các đồng đội chiến đấu thì mình chỉ còn cách đấu tranh trong tù mà thôi. Vì thế, khi thoát khỏi biệt giam, tôi cùng các chị em nữ tù chính trị lại vạch kế hoạch đấu tranh với giặc, một lòng kiên trung, bất khuất cho tới ngày được trao trả tự do. Đó là ngày 15-2-1973, sau khi hiệp định Paris được kí kết”.
Ra tù, bà Liên được cấp trên cho ra miền Bắc dưỡng thương trong vòng 9 tháng rồi được điều về công tác tại Tỉnh đội Nghĩa Bình (Quảng Ngãi và Bình Định ngày nay).
Đến 1976, bà đảm nhận nhiệm vụ huấn luyện tiểu đoàn nữ tân binh 76 ở Bình Định. Hai năm sau, bà chuyển về Công ty chiếu bóng Quảng Ngãi cho đến lúc nghỉ hưu vào năm 1993. Với những cống hiến của mình, bà Liên vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng 3, Huân chương Chiến công hạng 3...
Giờ đây, kể lại chuyện của những năm tháng đau thương mà anh dũng ấy, bà Liên vẫn không ngăn được những giọt nước mắt tủi hờn. Bà bảo, bà chẳng muốn nhớ lại, vì nó khủng khiếp quá, ám ảnh quá. Dẫu vậy, đối với bà, đó vẫn mãi là miền kí ức rất đáng tự hào, về một thời tuổi trẻ đã cống hiến hết mình cho cách mạng.
Ông Lê Quang Ba, Chủ tịch Hội tù binh yêu nước tỉnh Quảng Ngãi trao đổi, quá trình đấu tranh trong tù của bà Liên cho thấy bà là một người phụ nữ kiên cường, bất khuất. Tuy thất bại sau hai lần vượt ngục nhưng tinh thần anh dũng ấy rất đáng được khen ngợi và nêu gương.
Sau khi về hưu bà tham gia nhiệt tình các hoạt động của Hội. Với tính tình khảng khái, thẳng thắn, bà Liên được nhiều người yêu mến và nể phục.