Nữ biệt động Sài Gòn ba lần đạp xe vượt Trường Sơn
Chị là Huỳnh Thị Kiều Thu, sinh ngày 23 tháng Chạp năm 1951 (sau này được tổ chức cải theo ngày thành lập Đảng 3-2) trong một gia đình có truyền thống cách mạng thuộc huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Cha từng là chỉ huy một đội du kích Ba Tơ, mẹ thường xuyên nuôi giấu cán bộ cách mạng thời Pháp thuộc.
Hành trình trở thành nữ biệt động
Năm 1967, khi chưa tròn 16 tuổi, Huỳnh Thị Kiều Thu nằng nặc xin gia đình cho trực tiếp tham gia công tác nuôi giấu cán bộ. Đầu năm 1967, Huỳnh Thị Kiều Thu quyết định trốn gia đình tìm đến Thành đoàn xin tham gia hoạt động trong Hội Thanh niên.
Với tinh thần dũng cảm, đã nhiều lần chị hoàn thành công việc của tổ chức giao một cách xuất sắc nên đến ngày 17/3/1969, người con gái xứ Quảng đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Được kết nạp Đảng như được tiếp thêm dũng khí nên trong chiến dịch đánh phá các trung tâm thông tin của địch (tháng 4/1969), Kiều Thu đã xung phong đảm nhận nhiệm vụ đánh chất nổ Ty Bưu điện Gia Định và công việc này đã được chị thực hiện rất hoàn hảo.
Đến tháng 5/1969, chị lại được tổ chức giao cho việc đặt chất nổ ở Ty Thông tin Gia Định (nay là Nhà Văn hóa quận Bình Thạnh). Trước khi thi hành nhiệm vụ, Kiều Thu đã cải trang thành một nữ sinh Sài Gòn với áo dài trắng, cặp táp rồi tiến hành nghiên cứu rất kỹ địa hình, địa vật mục tiêu và quyết định thực hiện vào ngày 11/5.
Tuy vậy, trước lúc hành động vài phút, từ trong Ty Thông tin Gia Định, một toán lính ra ngoài hút thuốc. Không thể chậm trễ, chị quyết định đốt dây cháy chậm rồi ôm khối chất nổ chạy thẳng vào mục tiêu. Công việc thành công, toà nhà trung tâm thông tin bị sập hoàn toàn, đám lính Mỹ - quân đội Sài Gòn gian ác chết khá nhiều và chị cũng thoát chết trong đường tơ kẽ tóc. Nhưng khi chạy ra đến ngoài đường thì bất ngờ gặp một toán lính đi tuần và Kiều Thu bị chúng truy đuổi quyết liệt.
Sức con gái không thể đua lại được với đám xe nhà binh nên chị đã bị bắt. Bị liệt vào dạng đối tượng nguy hiểm nhưng cứng đầu nên chỉ trong vòng hai tháng, chị Thu bị đế quốc Mỹ đày đi 7 nhà tù như là các trại giam Tiểu khu Gia Định, Trại Cầu Băng Ky, Đề lao Gia Định, Trại giam Thủ Đức, Trung tâm cải huấn Tân Hiệp - Biên Hòa và Trại Long Khánh để khai thác.
Với phẩm chất cách mạng cao cả của người nữ biệt động nên dù chị bị chuyển tới 7 nhà lao nhưng đám quan quân Mỹ kia vẫn không khai thác được gì. Do vậy, chúng để cho đám lính tha hồ tra tấn bằng đủ loại cực hình (trong đó có lần bị đánh dập ngực và gãy tay trái) rồi sau đó đày chị ra nhà tù Côn Đảo và cũng trong thời kỳ này chị phát hiện có nhiều khối u ở ngực.
Tháng 3/1974, trước thế và lực của Việt Nam, đế quốc Mỹ đã phải tiến hành chính sách trao trả tù binh, vì là "tội phạm nguy hiểm" nên chị Kiều Thu cùng những đồng đội khác được trao trả vào đợt cuối cùng.
Ba lần vượt Trường Sơn
Sau khi ra tù, Huỳnh Thị Kiều Thu tiếp tục tham gia hoạt động. Sau giải phóng, chị được bố trí làm việc tại thư viện Nhà Văn hóa Thanh Niên. Hàng tháng, chị dành một phần lương gửi tiết kiệm để hy vọng một ngày nào đó có điều kiện sẽ ra Thủ đô thăm Bác Hồ và thăm chiến trường Điện Biên Phủ.
Nhưng căn bệnh ung thư quái ác từ thời kỳ còn bị cầm tù ở Côn Đảo ngày càng làm cho chị suy kiệt nên đến năm 1995, chị Thu đành xin về hưu để có thời gian đi bệnh viện mổ những khối u ở ngực và tiến hành xạ trị. 10 năm nằm điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh, tuy được các tổ chức xã hội và nhiều bạn bè giúp đỡ nhưng vẫn ngốn sạch số tiền ít ỏi mà chị tiết kiệm để ra Thủ đô thăm Bác.
Mặc dù bệnh tật ngày càng nặng, tiền đã hết, song với nghị lực phi thường vốn có, đồng thời qua báo, đài chị được biết con đường mòn Hồ Chí Minh xưa kia nay đã được trải nhựa phẳng lì nên chị Thu đã ra sức tập luyện rồi quyết định dùng chiếc xe đạp cũ của mình, mang theo đủ thứ lỉnh kỉnh như nồi niêu xoong chảo, ấm sắc thuốc, bếp dầu, bình đựng nước… cùng hàng bao thuốc Đông y.
Tất cả những thứ ấy treo đầy chiếc xe đạp giống như người đi bán tạp hóa dạo và ngày kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/2004) là ngày chị Thu xuất phát từ TP Hồ Chí Minh vượt Trường Sơn ra thăm Bác.
Đạp xe vượt Trường Sơn đối với một người lành lặn đã khó, đối với một người bệnh tật lại bị liệt một tay như chị Thu lại càng khó hơn. Ban ngày, chị tranh thủ vừa đạp xe vừa dắt bộ vượt qua đèo dốc, khi nào đói thì vào nhà dân xin cơm rồi trộn với bột sắn mang theo để lót dạ, tối đến, lúc nào mệt quá, chị tìm vào những mái hiên nhà dân ngủ nhờ.
Nhiều đêm, đạp xe mãi trên đường mà không tìm được nhà dân nào thì chị lại chui vào những ống cống chưa thi công bên lề đường ngủ tạm, còn vết mổ trên ngực chưa kịp lành miệng được rửa bằng nước suối.
Suốt hành trình ấy, nhiều khi chị thoát chết trong gang tấc, điển hình là vào một buổi tối khi chị Thu đang đạp xe đổ đèo tại A Lưới thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong lúc tránh một chiếc xe ôtô chạy ngược chiều thì xe của chị bị lạc tay lái lao thẳng xuống vực. Nhưng may thay, khi trượt dốc khoảng chừng 5-6 mét, cả người và xe lao thẳng vào một con trâu của người dân đang thả ăn đêm.
Lần đến khu vực huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình thì gặp mưa rừng, do không có kinh nghiệm đi rừng nên chị Thu tìm đến một gốc cây cổ thụ ven đường trú mưa. Sau gần nửa giờ trú mưa thì bất ngờ cái cây kia đổ sập xuống chắn ngang đường kéo theo hàng khối đất đá tràn theo. Lần này chị thoát chết nhờ một cành cây trong lúc đổ đã gạt chị cùng chiếc xe đạp văng ra xa.
Nhưng những thử thách trên đường đi vẫn chưa chịu buông tha chị. Buổi tối 20/7/2004, khi đạp xe đến địa phận thị xã Ninh Bình, do quá mệt nên xe của chị va chạm với chiếc xe ôtô của lực lượng Công an đang đi làm nhiệm vụ. Ngay sau khi tai nạn xảy ra, chị được các chiến sĩ Công an Ninh Bình đưa thẳng vào Bệnh viện Quân khu 3 và bảo lãnh cho chị được điều trị miễn phí.
Đến ngày nằm viện thứ 15 thì các bác sỹ không còn giữ được nữa nên đành để chị Thu tiếp tục lên đường với lời dặn: "Cố gắng đừng để bị nhiễm trùng vết thương ở ngực".
Rời Ninh Bình trong sự quyến luyến của các y, bác sỹ Bệnh viện Quân khu 3, chị Thu lại mải miết đạp xe, đến chiều 27/7/2004 thì đến Hà Nội, nhưng đến Lăng Bác thì trời đã xế chiều nên người nữ chiến sỹ biệt động năm xưa đành đứng ngoài viếng Bác. Tối ấy, chị lại đạp xe về khu vực Lăng Bác, tìm đến một trạm gác bảo vệ của lực lượng Công an trình bày hoàn cảnh của mình rồi xin được gửi xe và ngồi dựa vào trạm gác ngủ qua đêm.
Thông cảm với hoàn cảnh của chị Thu, các chiến sỹ Công an đã đồng ý và còn thay phiên nhau mang cơm đến mời chị ăn. Sau 3 ngày đêm nghỉ ngơi tại trạm gác ấy, chị Thu chợt nhớ và đánh liều tìm đến một người chiến sỹ năm xưa vẫn thường lui tới cơ sở bí mật của gia đình chị, đó là bà Võ Thị Thắng - Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch.
Gặp chị Thu, bà Thắng mừng lắm, bà cho người đưa chị về ở tại một khách sạn sang trọng ở trung tâm Hà Nội, nhưng vì chiếc xe đạp lỉnh kỉnh của mình, chị đã cáo từ và chỉ xin bà Thắng giúp cho một chuyến đi thăm chiến trường Điện Biên Phủ. Sáng sớm hôm sau, một chiếc xe du lịch 4 chỗ đời mới đỗ xịch trước cửa trạm gác, một anh lái xe và một người phục vụ là bác sỹ trịnh trọng xuống xe mời chị Kiều Thu lên xe đi thăm Điện Biên trước sự ngỡ ngàng của cả chị lẫn các chiến sỹ Công an đang làm nhiệm vụ tại trạm gác.
Sau chuyến đi thăm Điện Biên, chị lại quay về khu vực Lăng Bác, tại đây chị được một số cán bộ hưu trí thường xuyên tập thể dục buổi sáng quanh khu Lăng Bác kết bạn, mời chị về nhà họ ở và lo thuốc men chữa bệnh cho chị.
Tháng 4/2005, khi chuẩn bị lên đường ra thăm Lăng Bác bằng xe đạp thì chị Thu được một người ở Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh đến mời tham gia chương trình của đài với hành trình đạp xe vượt Trường Sơn của chị.
Khi nhà đài đến đưa cả chiếc xe đạp và mời chị lên xe nhưng chị không chịu. Nhưng vì thời gian của nhà đài có hạn nên cuối cùng chị đồng ý đi xe ôtô, chỉ khi nào có cảnh quay phim thì mới xuống đạp xe. Ra đến Hà Nội, hoàn thành chương trình với Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh, chị Thu đã tìm cách tách khỏi đoàn rồi lại một mình đạp xe về TP Hồ Chí Minh.
Sau hai chuyến đi viếng Bác, chị Thu như được tiếp thêm nghị lực, bệnh tật có phần thuyên giảm, tinh thần rất thoải mái nên đến ngày 3/4/2006, chị lại lên đường thực hiện chuyến vượt Trường Sơn lần thứ 3.
Sau nhiều ngày đêm vượt qua bao đèo dốc, đến 11h trưa 30/4/2006, chị đã về đến trước cửa Dinh Thống Nhất, vừa kịp cùng nhân dân thành phố chào mừng lễ kỷ niệm 31 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Xuân Đinh Hợi 2007, chúng tôi có dịp đến chúc Tết chị. Trong căn nhà nhỏ ven dòng kênh Nhiêu Lộc (chị Thu ở nhờ người chị gái), chị Thu mừng lắm. Chị bảo: Mình không có chồng con gì nên sắm Tết cũng bình thường thôi, quan trọng nhất là việc dành thời gian tập luyện để dịp 30-4 này chị lại lên đường ra thăm Bác, bởi như chị nói thì cứ sau mỗi chuyến hành trình ấy, hình như chị lại được Bác Hồ tặng thêm cho 6 tháng để kéo dài thời gian chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác