Nữ anh hùng Kan Đơm và chuyện kể về “Đồi thịt băm”

Thứ Năm, 13/10/2011, 16:26
Nhắc đến người con gái Pa Cô anh hùng trong đánh Mỹ ở đất rừng Đông Trường Sơn hẳn nhiều người sẽ nghĩ đến Kan Lịch. Song, vẫn còn một phụ nữ khác từng sử dụng súng trường bắn rơi máy bay giặc, đánh thắng hàng trăm trận, đó là Kan Đơm. Anh hùng Kan Đơm là một trong số nhân chứng sống biết về tội ác tày trời của giặc trên đồi A Bia, ngọn đồi được người Mỹ gọi là "Đồi thịt băm"...

Kan Đơm ra đời trong một gia đình người Pa Kô nghèo ở bản Cần Tôm, xã Hồng Hạ, huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế). "Mệ (mẹ) lớn lên trong kháng chiến chống Pháp. Bố của mệ là du kích đánh Pháp và đánh Mỹ nữa, ông được Nhà nước tặng Huy chương kháng chiến đó. Còn mệ thì đánh Mỹ mới tham gia. Lúc đó mệ còn nhỏ mà hăng lắm!". Nói xong, bà Kan Đơm cười thật sảng khoái.

Với cách nói chuyện thân mật, bà kể rằng: Tuổi thiếu niên, không chịu nổi trước cảnh giặc càn quét, đốt phá bản làng, sát hại đồng bào, bà nhiều lần xin bố cho vào du kích. Song khi bà bước vào tuổi 19, bố của bà mới chấp thuận và chỉ cho bà làm những công việc như nấu cơm, giặt giũ quần, áo giúp các chú bộ đội... Bà ấm ức lắm.

Một hôm lên rẫy, phát hiện giặc đi càn, bà liền chạy về làng báo tin, rồi lẻn vào lán bộ đội lấy một cây súng trường chạy ra nấp sau một mô đất. Thấy 3 lính Mỹ nghênh ngang tiến vào làng, vừa đi vừa xả súng, bà nhắm vào chúng nhả đạn. Bà chỉ kịp nhìn thấy 2 tên giặc trúng đạn ngã gục thì tên lính Mỹ còn lại đã nhằm súng vào chỗ bà nấp mà xả đạn như vãi trấu. May mà bộ đội lúc này kịp thời đến tiếp ứng, đẩy lùi được trận càn.

Chiến đấu trong đội du kích Hồng Hạ cho đến đầu năm 1961, Kan Đơm được cấp trên tín nhiệm cử làm Xã đội phó. Những năm 1961-1968 là thời kỳ ác liệt nhất, giặc đổ quân xây dựng hàng loạt đồn bót, sân bay, điên cuồng đánh phá nống ra hòng cắt đứt giao thông huyết mạch của đường Hồ Chí Minh. Trong những năm tháng đầy cam go, gian khổ đó, Kan Đơm và đồng đội trụ bám giữ làng, cùng đồng bào tăng gia sản xuất cung cấp lương thực cho bộ đội, mưu trí đánh bại nhiều cuộc tấn công của giặc...

Trong căn nhà nhỏ ở thung lũng A Lưới, bà Kan Đơm hướng đôi mắt già nua nhìn ra phía rừng xanh thẳm. Nơi ấy từng hứng chịu những trận mưa chất độc dioxin của máy bay Mỹ, ngay cả cọng cỏ không còn, núi non trọc lóc, khô cằn, thì ngày nay cây lá đã phủ kín trở lại.

Đã hơn một phần ba thế kỷ đất nước hòa bình, núi rừng được bàn tay người chăm chút cũng đã phục sinh... Nhưng, trong tâm khảm của bà Kan Đơm vẫn còn đó một thời chiến tranh trận mạc với bao đau thương mất mát. Bà nói về động lực để làm nên thành tích của bản thân là xuất phát từ lòng căm thù giặc giày xéo quê hương, sát hại đồng bào.

Từ động lực đó mà bà đã cùng đồng đội vào năm 1968, bám trụ trên đèo "Mẹ ơi" của xã Hồng Hạ, phục chặn trận càn và bắn hạ được chiếc trực thăng của giặc đang đổ quân. Để tiêu hao sinh lực địch ở các đồn A Xo, Cà ê... bà cùng các nữ du kích tổ chức hái lá ngón làm thuốc độc tẩm vào chông, bẫy; vây hãm nguồn nước suối chảy qua đồn.

Bà Kan Đơm kể chuyện chiến đấu thời chống Mỹ, cứu nước.

Bà Kan Đơm chậm rãi: "Sáng kiến đó của mệ đã được cấp trên đánh giá rất cao, tạo điều kiện cho du kích bám được thắt lưng giặc, còn giặc cũng bớt hung hăng, càn quét".

Một kỷ niệm trong đời chiến binh của bà Kan Đơm khiến bà nhớ mãi, đó là khi chuyển sang bộ phận trợ lý tác chiến bộ đội huyện, năm 1967, trên đường đi họp ở huyện về, bà gặp giặc đang vây 3 anh bộ đội. Thế là bà nhanh chóng nhảy vào nổ súng ứng cứu. Trận đụng độ quyết liệt, giặc xả đạn như mưa, còn bà và các anh bộ đội chiến đấu dè sẻn từng viên đạn, từng quả lựu đạn...

Sau gần một giờ đồng hồ, 2 anh bộ đội bị trúng đạn, thương tích rất nặng, bà và anh bộ đội còn lại vừa chống chọi giặc, vừa dìu thương binh tìm đường thoát khỏi vòng vây. Trong giây phút sinh tử đó, bà đã dẫn các anh bộ đội di chuyển về phía bãi chông mà du kích và dân làng cài đặt. Giặc hăng máu đuổi theo bị sụp hầm chông hoảng loạn, cuối cùng bà và anh bộ đội cũng cõng thương binh thoát khỏi vòng vây về căn cứ an toàn...

Chúng tôi hỏi bà có biết bộ phim Hamburger Hill (Đồi thịt băm) của đạo diễn người Mỹ John Irvin nói về trận đánh giữa lính Mỹ và quân giải phóng diễn ra ở đồi A Bia không? Cô gái Pa Kô Anh hùng một thời kháng chiến nay đã là bà cụ tóc bạc trắng, tuổi ngoài 70, trầm ngâm nhìn chúng tôi rồi nói rằng, có một chuyện mà ông đạo diễn người Mỹ kia chưa biết, chính là tội ác mà lính Mỹ đã làm với anh Cu Lọi trên ngọn đồi A Bia. Anh Cu Lọi tham gia đánh căn cứ A Bia, trong những ngày cuối cùng của trận đánh chẳng may bị thương nặng.

Trước sự truy sát của giặc, anh nhận nhiệm vụ ở lại cản chân chúng để đồng đội rút lui. Chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, anh hy sinh, nhưng lính Mỹ đã lấy xác anh, chặt đầu cắm lên cọc, băm vằm thi thể anh ra từng mảnh vụn rải khắp ngọn đồi.

"Lính Mỹ làm vậy là để cho người Pa Kô của mệ nhụt chí không còn dám theo Đảng và Bác Hồ đánh giặc nhưng chúng đã lầm. Từ đó, đồng bào Pa Kô đã gọi đồi A Bia là đồi Băm (băm xác) để khắc ghi trong tim mình sự hy sinh anh dũng của anh Cu Lọi mà quyết tâm đánh giặc đến cùng..." - Bà Kan Đơm tâm sự.

Sau ngày đất nước giải phóng, Kan Đơm liên tục được bà con trong huyện tín nhiệm liên tục bầu vào 5 khóa HĐND huyện, tham gia công tác Ban Chấp hành Hội Phụ nữ huyện, Hội Cựu chiến binh...

Long Vân
.
.
.