Nữ Phó Giáo sư trẻ nhất Việt Nam

Thứ Sáu, 07/03/2008, 08:37
Đó là PGS.TS Nguyễn Thanh Hải, giảng viên, Bí thư Đoàn trường, Phó trưởng phòng Khoa học công nghệ, trường ĐH Bách Khoa, Hà Nội. Chị được phong tặng chức danh PGS năm 2007.

Năm 24 tuổi, chị nhận học vị thạc sỹ; năm 28 tuổi, chị bảo vệ thành công luận án tiến sỹ Vật lý; năm 37 tuổi, chị đã được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước phong chức danh Phó Giáo sư và đã trở thành nữ Phó Giáo sư trẻ nhất Việt Nam trong đợt phong chức danh 2007. Còn một niềm vui lớn nữa là cũng trong năm 2007, chị vinh dự được Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trao tặng giải thưởng "Phụ nữ tài năng toàn quốc thời kỳ đổi mới 2007".  

Vì công việc của chị quá bận rộn nên tôi phải len vào khoảng thời gian ít ỏi giữa buổi trưa, trước giờ chị lên lớp với sinh viên để cùng trò chuyện với chị. Tôi rất bất ngờ khi biết, thời gian nghiên cứu, giảng dạy của chị đã kín đặc rồi, nhưng hiện chị còn là Bí thư Đoàn trường ĐH Bách Khoa Hà Nội - một cơ sở Đoàn có tới 4 vạn đoàn viên và năm 2006 đã vinh dự được Chủ tịch Nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì. Riêng chị đã 6 lần được TW Đoàn tặng Bằng khen, năm 2007 đã được trao tặng Kỷ niệm chương "Vì thế hệ trẻ". 

Có lẽ vì gắn bó với hoạt động Đoàn, hằng ngày tiếp xúc với các bạn sinh viên năng động và thông minh nên ở chị cũng tràn đầy sự trẻ trung, sôi nổi.

Khi tôi hỏi, vì sao chị lại theo đuổi chuyên ngành Vật lý lý thuyết vốn khô khan, thì chị tâm sự rằng, nhiều khi con đường sự nghiệp mình chọn lựa cũng là do "trời định", nhưng từ khi còn là cô nữ sinh trường chuyên Hà nội Amsterdam, chị đã mê môn Vật lý, luôn nhận ra vẻ đẹp của những công thức vật lý, của những định luật - vì với môn vật lý sau khi xây dựng được các công thức, các phương trình ta luôn phải gắn nó với các sự vật, hiện tượng muôn màu trong cuộc sống.

Tuy nhiên, có lẽ còn một lý do sâu xa nữa để chị gắn bó, thuỷ chung với chuyên ngành này, đó là cha chị - PGS Nguyễn Hữu Bạch, nguyên là Vụ trưởng Vụ Giáo dục của Ban Khoa giáo TW cũng là một nhà Vật lý. Chị đang bước tiếp con đường mà cha mình đã đi.

Đến giờ, chị vẫn nhớ mãi những quyển vở giấy đã ố vàng mà cha chị giữ lại từ thời ông đi học, để cho con gái tham khảo những cách giải bài tập vật lý hay và sáng tạo của mình.

Chị bảo tôi, chính cha chị đã nhen lên trong chị ngọn lửa đam mê khoa học vì thời chị thơ bé, thay vì mua cho con những bộ quần áo đẹp, ông thường mua sách khoa học và sách về cuộc đời, sự nghiệp của những nhà khoa học lừng danh trên thế giới về cho chị đọc, trong đó, in đậm sâu sắc trong lòng chị là những câu chuyện giản dị về nhà phát minh đại tài người Mỹ Edison.

PGS Nguyễn Thanh Hải luôn suy nghĩ khoa học không cần cao siêu mà cần luôn gần gũi với cuộc sống, xuất phát từ cuộc sống để phục vụ cuộc sống. Từ chiêm nghiệm đó, chị đã lựa chọn chuyên ngành Vật lý lý thuyết vì lý do đơn giản: chuyên ngành này có nhiệm vụ lý giải thực nghiệm và tiên đoán thực nghiệm, như vậy, rất cần phải gắn bó, gần gũi với các hiện tượng của đời sống…

Được phong PGS khi tuổi đời còn rất trẻ, đủ thấy để đạt được những thành công trong khoa học và trong giảng dạy, chị đã phải nỗ lực như thế nào, nhất là khi chị vẫn cần phải làm tròn vai trò của một người vợ, người mẹ.

Cũng cần phải nói thêm là để được xét phong chức danh Phó Giáo sư thì số lượng các bài báo được công bố ở trong nước và nước ngoài đối với các "ứng viên" là vô cùng quan trọng.

PGS Nguyễn Thanh Hải tâm sự: "Có những bài báo, tôi vật lộn ngót năm trời mới xong. Ví như bài báo "Tính toán tính chất nhiệt động của kim loại khi sử dụng dạng thế EAM", tôi tính toán mãi vẫn chưa ra được thông số ổn định và thống nhất, lúc ra số bé quá, lúc lại ra số lớn quá.

Có lúc phát nản, nghĩ mình lẩm cẩm vì thời gian này dành cho chồng cho con có lẽ tốt hơn. Công việc thì cũng ổn rồi. Nhưng nghĩ đi thì vậy, đêm nằm lại trằn trọc, các con số, các phép tính cứ ám ảnh mình, thế là lại lao vào tìm tòi tài liệu, đọc sách, hỏi thầy, hỏi bạn bè, đồng nghiệp.

Và bạn biết không, câu "có công mài sắt…" vận dụng vào trường hợp của tôi không sai. Cuối cùng, sau nhiều tháng mày mò, tôi cũng tìm ra được "lời giải" của công trình khoa học đó. Sau này, tôi đăng tải bài báo đó trên một tạp chí của Italia”.

Công tác Đoàn mang đến cho chị sự sôi nổi, tươi trẻ, nhưng khoa học lại mang đến cho chị sự tỉ mỉ, nghiêm túc. Chị còn bảo với tôi rằng: "Tôi thường dạy sinh viên là hãy bớt tính "thực tế, thực dụng" đi, hãy chọn công việc và ngành nghề thật phù hợp với năng lực của mình mà cuộc sống lại đang rất cần, ví như ngành môi trường, công nghệ sinh học thực phẩm, đâu cần phải lao vào những ngành thời thượng”.

Là cộng tác viên của Trung tâm Vật lý lý thuyết quốc tế Abdus Salam của Italia - một Trung tâm Vật lý quốc tế nổi tiếng đã nhiều năm nay, chị có điều kiện tiếp xúc nhiều với các nhà khoa học và môi trường nghiên cứu tiên tiến, nhưng theo PGS Nguyễn Thanh Hải, trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng hầu hết các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu ở nước ta đều đã cố gắng tạo các điều kiện nghiên cứu tốt nhất có thể cho các nhà khoa học, đặc biệt các nhà khoa học nữ phát triển theo các hướng nghiên cứu hiện đại tiến tiến trên thế giới.

Song điều chị trăn trở nhất là những khó khăn hay gặp phải khi sử dụng ngoại ngữ chuyên ngành trong các nghiên cứu và hợp tác trao đổi cũng như khả năng tham gia các hoạt động xã hội chung. Nhiều nhà khoa học nữ ở khối châu Phi mà chị biết, năng lực khoa học của họ còn chưa bằng chúng ta nhưng nhờ có ngoại ngữ chuyên sâu mà họ rất tự tin và có biết bao cơ hội để trao đổi thông tin và học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè ở các nước…

Vì vậy trong khi giảng dạy hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học, chị cũng rất khuyến khích các sinh viên học thêm ngoại ngữ và tập viết các bài báo chuyên ngành bằng tiếng Anh, đồng thời phải tích cực tham gia các hoạt động do Đoàn thanh niên, Hội sinh viên tổ chức nhằm đào tạo thế hệ trí thức trẻ năng động, sáng tạo

Thu Phương
.
.
.