Nỗi niềm người chuyên lo hậu sự

Thứ Năm, 13/08/2009, 16:12
Khi các gia đình lo việc "sang cát" cho người thân, những người công nhân thuộc Cty Phục vụ mai táng Hải Phòng thường phải làm thâu đêm trong thời tiết giá lạnh mùa đông, phải mò mẫm dưới hố sâu, tìm đủ và tắm rửa "bộ khung" của người quá cố trước khi trời sáng. Công việc này không phải ai cũng làm được, nhưng sự đãi ngộ lại vô cùng… "mức độ" vì phải tuân theo quy định chung.

Lễ Thanh minh đã qua từ rất lâu nhưng với công nhân Cty Phục vụ mai táng Hải Phòng, công việc lúc nào cũng bộn bề như lúc nào. Ở các nghĩa trang Ninh Hải, Phi Liệt, một khối lượng lớn công việc luôn chờ đợi họ và phải mất khá nhiều thời gian, công sức, những người sống bên miệng huyệt này mới có thể biến nơi yên nghỉ của những người nơi "chín suối" trở nên phong quang, sạch sẽ. Đó là chưa kể mỗi ngày, họ còn phải lo cho hàng chục người trở về cõi thiên thu có được "mồ yên mả đẹp".

Người sống lo chuyện người âm

Có dịp theo chân những người chuyên lo chuyện hậu sự mới thấy hết sự vất vả của họ. Trung bình mỗi năm, khu vực nội thành Hải Phòng có khoảng 3.000 người về cõi vĩnh hằng. Họ ra đi với nhiều lý do khác nhau như: Bệnh trọng, tuổi cao sức yếu, tai nạn giao thông, tai nạn lao động…

Năm 2008, Công ty Phục vụ mai táng thành phố ký hợp đồng tiếp nhận, phục vụ 2.900 người về cõi thiên cổ, trung bình mỗi ngày phục vụ gần 10 đám tang. Những năm trước đây, khi chưa xây dựng Đài hóa thân hoàn vũ Ninh Hải, công việc của cán bộ CNVC công ty rất vất vả, độc hại. Nhưng sự vất vả độc hại còn có thể vượt qua được. Buồn nhất là sự mặc cảm của xã hội đối với nghề nghiệp lẽ ra phải rất đáng được trân trọng này. Công ty có 170 cán bộ CNVC, thì có tới 120 người trực tiếp lo việc đào huyệt, cải táng, hóa thân, trông coi, chăm sóc những phần mộ ở các nghĩa trang Ninh Hải, Phi Liệt.

Nhiều công nhân tuổi đời ngoài 50 nhưng có tới hơn 30 năm công tác ở các nghĩa trang như: Bác Vũ Văn Ngân, Đặng Ngọc Nhã. Bác Ngân hiện vẫn công tác, nhưng bác Nhã đã qua đời ở tuổi 58 do "K phổi". Có lần bác Ngân tâm sự: Nghề nào nghiệp ấy, chúng tôi làm mãi cũng quen, miễn sao cho phần mộ của các gia đình sạch đẹp, khang trang là mình thấy vui nhưng khổ nhất là Tết nhất không được đi thăm ai, đám cưới không được đi dự vì gia chủ kiêng. Thật trớ trêu, ngày vui nhất của đời người mà lại xuất hiện ông "cô-ty ma-ta" thì còn ra sao! Các lãnh đạo công ty còn cho biết, nhiều lúc người thân, anh em bạn bè bị ốm hay gặp tai nạn, những người trong công ty không ai dám đến thăm hỏi, vì sợ đem "điềm gở" cho họ.

Vất vả nhất là vào dịp cuối năm, khi các gia đình lo việc "sang cát" cho người thân. Những người như bác Ngân, bác Nhã thường phải làm thâu đêm trong thời tiết giá lạnh mùa đông, phải mò mẫm dưới hố sâu, tìm đủ và tắm rửa "bộ khung" của người quá cố trước khi trời sáng. Công việc này không phải ai cũng làm được, nhưng sự đãi ngộ lại vô cùng… "mức độ" vì phải tuân theo quy định chung.

Thật khó có thể tin được, thu nhập của những người như bác Ngân, bác Nhã cũng chỉ hơn một triệu đồng/tháng. Mọi người trong công ty đều có chung một mong muốn: Làm sao bà con nhân dân thay đổi phong tục tập quán từ mai táng sang hỏa táng, như vậy nếp sống văn minh trong việc tang vừa góp phần giảm bớt vất vả cho CNVC công ty, vừa tiết kiệm được quỹ đất và cả tiền của cho xã hội. Song, mong muốn là như vậy thực tế lại là vấn đề khá nan giải?

Cần có sự quy hoạch các nghĩa trang và xây thêm đài hóa thân

Thực tế, nhu cầu xin "hóa thân" rất lớn. Giám đốc Công ty Phục vụ mai táng Hải Phòng Trần Văn Phong cho biết: Có nhiều trường hợp công ty không thực hiện hợp đồng "hóa thân" cho người xấu số, khiến tang chủ đành đưa người thân ra mai táng, nguyên do công suất một ngày đài hóa thân chỉ hỏa táng được 11 ca. Do nhu cầu của nhà đám, có ngày cán bộ CNVC ở Đài hóa thân hoàn vũ Ninh Hải phải làm việc đến 11h đêm mới xong.       

Song, nhu cầu của nhân dân khi có người thân mất muốn được hoá thân ngày một nhiều, trong khi công suất hiện nay không đáp ứng hết nguyện vọng của bà con nhân dân. Nếu thành phố tiếp tục đầu tư xây dựng thêm lò hỏa táng nữa mới đáp ứng được yêu cầu thực tế. Hiệu quả kinh tế - xã hội từ khi xây dựng và đưa Đài hóa thân hoàn vũ vào hoạt động là khá rõ ràng.

Hiện, nghĩa trang Ninh Hải rộng khoảng 9ha, Đài hoá thân hoàn vũ chỉ chiếm 1ha, nhưng khi đưa vào hoạt động, diện tích đất dùng cho việc mai táng giảm đi trông thấy. Vì mỗi trường hợp mai táng phải tốn ít nhất 2m2 đất, nhưng với việc hoá thân, tang chủ chỉ cần nhận một lọ tro cốt nhỏ và gửi vào tòa bách linh với diện tích lưu giữ nhỏ hơn rất nhiều.

Một vấn đề nữa cần đề cập đến là TP Hải Phòng cần quy hoạch lại các nghĩa trang. Hiện, trên địa bàn thành phố Cảng mới có 2 nghĩa trang cấp thành phố là Ninh Hải và Phi Liệt, còn lại là hàng trăm nghĩa trang nhân dân nằm rải rác ở các địa phương. Song, hiện nay nghĩa trang Phi Liệt cũng quá tải, vào thời điểm này, nghĩa trang Phi Liệt có 32 nghìn ngôi mộ, trong đó có tới 15 nghìn ngôi mộ thuộc diện vô chủ.

Trong quá trình xây dựng các công trình sản xuất công nghiệp và dự án nhà ở đô thị, nhiều ngôi mộ vô chủ nằm dưới mặt bằng dự án được chủ đầu tư thuê người ngoài Công ty chuyển về Phi Liệt không tuân thủ các quy định khâm liệm trong việc tang, thậm chí di chuyển hài cốt trên các xe không phải loại chuyên dùng. Trung bình mỗi năm nghĩa trang Phi Liệt tiếp nhận từ 300-500 trường hợp cải táng, trong khi diện tích nghĩa trang vẫn giữ nguyên.

Như vậy việc mở rộng diện tích nghĩa trang Phi Liệt đang trở nên bức xúc, hơn nữa từ đường 352 huyện Thủy Nguyên vào nghĩa trang Phi Liệt nhiều năm nay chưa được cải tạo nâng cấp, vừa nhỏ hẹp, vừa gồ ghề rất khó đi. Vào những dịp lễ hội Thanh minh hoặc những ngày cuối năm, tình trạng tắc đường thường xuyên diễn ra khi hàng nghìn người tới đây lo chuyện hậu sự cho người thân đã quá cố.

Điều quan trọng đối với một đô thị loại 1 cấp quốc gia là phải có nhà tang lễ cấp thành phố, xây dựng ở gần bệnh viện trung tâm thành phố với các hạng mục khánh tiết trang nghiêm bảo đảm phục vụ chu đáo các đám tang. Hiện nay, công ty đang triển khai dự án xây dựng Nhà tang tại khuôn viên Bệnh viện Đa khoa Việt - Tiệp, nhưng diện tích vẫn chưa đảm bảo yêu cầu, lại ở gần nhà dân và cạnh một ga rác rất mất vệ sinh, làm giảm tính trang nghiêm trong tang lễ.

Trước đây, khi Trường Đại học Hàng hải tiếp nhận thi thể của hơn mười thủy thủ thiệt mạng trên biển Hàn Quốc, việc tổ chức tang lễ trong mặt bằng vốn chật hẹp của nhà tang lễ hiện tại, không đáp ứng được yêu cầu văn minh, trang trọng, nhân văn.

Tổ chức tang lễ trang nghiêm, chu đáo, văn minh và tiết kiệm là mong muốn của tất cả mọi người, các cấp, ngành có liên quan hãy quan tâm hơn nữa và dành mọi sự ưu tiên cho những người chuyên lo chuyện hậu sự cho cả xã hội, vì một thế giới ngày mai tiến bộ, văn minh

Anh Tú
.
.
.