Nỗi niềm ngư phủ miền Trung

Thứ Hai, 02/07/2007, 10:35
Thói thường ai đi biển cũng trông cho trời yên biển lặng, với ngư dân miền Trung biển động cũng chết, mà biển lặng thì cũng chẳng vui vẻ gì vì khi biển lặng câu được nhiều mực thì giá lại rớt thảm hại...

Cha còn lênh đênh trên biển, con đã chuẩn bị xuống tàu. Nhiều người vợ trở thành đá vọng phu khi vừa cắt mái tóc thề. Hàng trăm năm nay, ngư dân dọc bờ biển miền Trung vẫn thường gạt sang một bên những cái rùng mình khi nghĩ tới cái chết giữa mênh mông biển cả để giữ lấy nghề câu mực.

Nước mắt trên biển cả

Cách đây mấy năm, ngư dân dọc bờ biển miền Trung chủ yếu đánh bắt trên biển với nghề giã cào truyền thống, hoặc đăng lưới thuyền đơn chỉ quẩn quanh đánh cá gần bờ. Vài năm trở lại đây, đời sống khấm khá hơn nên ngư dân đã đóng tàu và băng thẳng ra đại dương câu mực. Song cuộc sống bà con vẫn vậy, đổi đời chưa thấy đâu chứ đau đời thì nhiều lắm.

Để đầu tư cho một chuyến ra trùng khơi, các chủ tàu phải chạy tìm mướn nhân công khắp nơi. Thấy được giá trị bản thân nên các nhân công đã lừa gạt làm chủ tàu điêu đứng. Có những nhân công hôm nay ký hợp đồng đi biển cho chủ tàu này, nhận tiền xong nhưng ngày mai trốn đi cho tàu khác.

Chủ tàu Hoàng Tấn Long, Quảng Trạch, Quảng Bình tâm sự: Nhân công họ không chịu ký hợp đồng, toàn là người ở các địa phương khác đến nên việc họ lừa mình cũng chịu.

Có nhân công hợp đồng đi tàu một năm nhưng chỉ đi về một chuyến là biến đâu mất trong đêm tối. Chính vì việc nhân công bỏ trốn hàng loạt sau khi đã nhận tiền đặt cọc nên hiện nay nhiều chủ tàu đang tìm cách bỏ nghề.

Một chuyến câu mực mất từ bốn lăm đến năm mươi ngày nhưng tính lại các ngư phủ phải thức trắng 40 đêm, và công sức dành cho một chuyến đi của họ chỉ đổi lấy 3 triệu đồng. Chấp nhận đi biển là chấp nhận "hồn treo cột buồm", sự thi gan với biển cả không phải ai cũng thắng, có những người mãi mãi ở lại với biển khơi.

Mới gần đây thôi, bạn bè đi biển ở Đức Phổ, Quảng Ngãi vẫn chưa lau khô những giọt nước mắt cho 19 ngư dân xấu số tàu QNg-8731-TS, trong đó có 11 người xã Phổ Quang, 7 người xã Phổ An và 1 người xã Phổ Thuận.

Hôm đó tàu QNg-8731-TS câu từ 5h chiều đến 11h đêm, thời tiết thay đổi bất thường, các tàu bạn phát hiện tàu QNg-8731-TS mất liên lạc, mười ba tàu bạn quay cuồng tìm kiếm giữa sóng to, gió lớn nhưng tàu QNg-8731-TS vẫn mất tích. Trong số ngư dân mất tích có người vợ vừa mang thai, có người cả cha và con đều gặp nạn, có người định đi chuyến câu mực về để có tiền cưới vợ...

Có thể nói, nỗi hiểm nguy của nghề câu mực luôn được so sánh cùng cái chết. Gặp thời tiết bất thường, lật thuyền chết. Không may thuyền trôi dạt sang nước khác nếu không bị phạt thì cũng bị đánh đập.

Ngoài ra, mỗi chuyến ra khơi câu mực đại dương, điều luôn gây hoang mang cho các ngư dân là đau ốm trên biển. Ai không may đau nặng cũng đồng nghĩa với cái chết.

Tháng 3/2006, Nguyễn Văn C, trú tổ 5, phường Xuân Hà, Đà Nẵng, đã ốm chết khi đi câu mực, anh để lại vợ và 4 con nhỏ. Người chết rồi, còn với những người thân còn sống, mỗi khi nghĩ tới chồng, tới cha, lòng họ lại như xát đầy muối biển.

Mấy ngày lăn lộn vật vã cùng sóng biển và các ngư dân, tôi xin theo tàu Dna 5872 về lại đất liền. Tàu Dna 5872 chất đầy mực khô sau 50 ngày đánh bắt, nhìn những gương mặt mệt mỏi của nhân công, tôi động viên "Chuyến này trúng đậm à nghe", chủ tàu xuýt xoa: "Hơn 4 tấn đó anh, nhưng ăn thua gì, giá mực thấp, nhiên liệu tăng... không đi biển thì sống bằng gì? Cực lắm".

Xót xa vị mặn mòi của biển

Để một chuyến tàu ra khơi, nếu như tàu trên 120CV trở lên chủ tàu phải đổ mười ngàn lít dầu với chi phí lên cả trăm triệu đồng. Đó là chưa kể cánh phụ nữ phải chạy đôn, chạy đáo thu mua lương thực, thực phẩm đủ để cho một chuyến tàu rời bờ.

Mấy năm trước, giá nhiên liệu thấp nên người dân câu mực ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi... còn có đồng ra, đồng vào. Nhiều người xây được nhà cao tầng, tiện nghi đắt tiền... Nhưng rồi giá nhiên liệu, nhân công cao trong lúc giá mực ngày một sút giảm, nhiều chủ tàu đã gạt nước mắt bán nhà trả nợ.

Sinh nghề, tử nghiệp vốn chi nghề câu mực, đánh cá đã tồn tại hàng trăm năm nay nên nhiều ngư dân vẫn quyết giữ lấy nghề.

Năm 2003, giá một lít dầu là 4.500 đồng, trong lúc một cân mực khô được bán 25.000 đến 27.000 đồng/kg, nay giá dầu lên đến gần 10.000 đồng/lít nhưng giá mực chỉ còn 23.000 đồng/kg. Lấy dầu trước trả tiền sau, bán mực trước lấy tiền sau đang là hành động cực kỳ mâu thuẫn bóp nghẹt cuộc sống người dân vùng biển ở miền Trung.

Theo như chủ tàu Nguyễn Văn Lượng ở Đà Nẵng thì: "Tụi tui đóng tàu mất cả tỷ tiền, chẳng lẽ để tàu gối bãi nên phải đi biển, và đi thì phải mua giá dầu cao và bán giá mực thấp cho tư thương".

Còn có một nghịch lý đến xót lòng trong cuộc sống người dân đánh mực miền Trung: Thói thường ai đi biển cũng trông cho trời yên biển lặng, với ngư dân miền Trung biển động cũng chết, mà biển lặng thì cũng chẳng vui vẻ gì vì khi biển lặng câu được nhiều mực thì giá lại rớt thảm hại, vì tiểu thương mua theo giá chợ.

Chúng tôi được biết, đầu năm 2005, TP Đà Nẵng có thành lập tổ "Khai thác hải sản trên biển" nhằm tìm sự cộng hưởng giúp đỡ lẫn nhau giữa các ngư dân, các cấp, ngành liên quan nhưng tất cả còn đọng lại ở dạng phương hướng và nhiệm vụ. Hiện toàn thành phố có 50 tổ "Khai thác hải sản trên biển" nhưng tất cả vẫn tồn tại theo kiểu mạnh ai nấy làm, cha chung không ai khóc

Dương Sông Lam
.
.
.