Nỗi niềm làng… răng đen

Thứ Hai, 24/03/2008, 16:30
Hơn 70 năm sinh ra và lớn lên ở Đại Cát, lão làng Nguyễn Hét tâm sự: "Từ trước tới giờ cả làng này rất ít người may mắn có được hàm răng trắng. Người nghiện thuốc lá, hay thường nhai trầu bị đen răng đã đành, đằng này mấy đứa trẻ con chưa kịp thay răng sữa cũng bị nguồn nước giếng ở đây "nhuộm" đen răng".

Nằm ven tuyến quốc lộ 26 ở lý trình km số 3 đến 4, làng răng đen là một dải dất từ phía Đông thôn Vân Thạch, xã Ninh Xuân đến thôn Đại Cát, xã Ninh Bình, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.

Cách làng về phía Bắc không xa mấy là dòng sông Cái phát nguyên từ hòn Vọng Phu chảy qua Ea KrongHu xuống hồ Suối Trầu trước khi đổ ra biển, nên đời sống kinh tế của người dân ở đây dựa vào sản xuất nông nghiệp với cây lúa nước mỗi năm hai vụ nhờ hệ thống kênh mương tưới tiêu nội đồng tương đối hoàn chỉnh.

Nước tưới cho cây trồng có thừa, nước sinh hoạt cũng không thiếu. Đầu làng, cuối xóm, ở đâu cũng có thể đào giếng khơi tìm được mạch nước ngầm.

Nước không đục, nhưng điều lạ lùng nhất là từ bao đời nay, người già, con trẻ, nam nữ thanh niên ở vùng đất này đều…đen răng, mà nguyên nhân chính là do nguồn nước bị nhiễm Flo. Thực tế đó cũng là nỗi niềm trăn trở của bao thế hệ người dân ở đây.

Hơn 70 năm sinh ra và lớn lên ở Đại Cát, lão làng Nguyễn Hét tâm sự: "Từ trước tới giờ cả làng này rất ít người may mắn có được hàm răng trắng. Người nghiện thuốc lá, hay thường nhai trầu bị đen răng đã đành, đằng này mấy đứa trẻ con chưa kịp thay răng sữa cũng bị nguồn nước giếng ở đây "nhuộm" đen răng. Nhiều đoàn công tác đã trực tiếp xuống hiện trường tiến hành khảo sát, thu thập mẫu nước đem về nghiên cứu, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu nào giúp cho bà con có được nụ cười trắng sáng".

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, trưởng thôn Đại Cát cho biết: "Đến thời điểm này, toàn thôn hiện có 817 hộ gia đình với hơn 4.000 nhân khẩu. Chỉ riêng nguồn nước phục vụ ăn uống, mỗi ngày tiêu thụ ít nhất từ 200 đến 220m3, nhưng do không có nước sạch nên bà con phải chấp nhận sử dụng nước giếng nhiễm Flo".

Tương tự như thế, 305 hộ gia đình gồm 1.400 nhân khẩu ở thôn Vân Thạch, xã Ninh Xuân cũng phải ăn uống bằng nước giếng có hàm lượng Flo khá cao.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết sau khi tiến hành một cuộc khảo sát thực địa, giữa tháng 12/1999, tổ chức UNICEF đã hỗ trợ đầu tư chương trình nước sạch cho hàng trăm hộ gia đình ở hai thôn Vân Thạch, xã Ninh Xuân và thôn Đại Cát, xã Ninh Bình. Năm ngoái người dân ở làng răng đen thấp thỏm mừng vui khi nghe tin một doanh nghiệp tư nhân đặt vấn đề lập dự án đầu tư xây dựng một nhà máy cung cấp nước sạch theo phương án bơm dẫn nguồn nước sông Cái đưa vào xử lý hóa sinh.

Đương nhiên UBND huyện Ninh Hòa sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để sớm giao đất cho doanh nghiệp ngay sau khi dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Thế nhưng sau khi tính toán khả năng thu hồi vốn và hiệu quả kinh tế, chủ đầu tư đã phải lặng lẽ rút lui!

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, qua điện thoại sáng 23/3, ông Võ Tấn Thái - Chủ tịch UBND huyện Ninh Hòa cho biết: "Nước mưa chứa trong lu chỉ là giải pháp tình thế, còn chương trình nước sạch nông thôn chưa vươn tới làng răng đen được vì dân cư rải rác, manh mún, kinh phí đầu tư quá cao. Trong điều kiện ngân sách của huyện còn hạn hẹp, rất cần sự hỗ trợ nguồn vốn đầu tư của tỉnh để tạo điều kiện cho người dân sớm có nước sạch, bảo vệ sức khỏe cộng đồng"

Phan Thế Hữu Toàn
.
.
.