Nỗi niềm đồng muối Tuyết Diêm

Thứ Bảy, 12/01/2008, 11:00
Hình thành từ năm 1870, đến nay đồng muối Tuyết Diêm, xã Xuân Bình, Sông Cầu, Phú Yên đã 138 tuổi, nhưng chưa được quy hoạch phát triển hoàn thiện như những đồng muối Sa Huỳnh, Cà Ná, Hòn Khói… mà vẫn còn manh mún, gò trũng và sản xuất rất thủ công. Nên bao đời nay, người dân ở Tuyết Diêm vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn và những nỗi niềm trăn trở.

Tôi về Tuyết Diêm vào một trưa giữa tháng 1, khi đồng muối vừa kết thúc mùa vụ, diêm dân đang tất bật cải tạo đất để chuẩn bị cho mùa vụ mới. Người đầu tiên tôi tiếp xúc là lão làng Trịnh Minh Thọ đã ngoài 80 tuổi, gần 50 năm tuổi Đảng, hơn 30 năm gắn bó với nghề làm muối, nhưng trông ông vẫn còn khỏe mạnh.

Ông Thọ kể: "Thời Pháp thuộc, quan Tây cho xây một ngôi nhà lớn ngay trên cánh đồng muối, rồi cắt cử chánh chủ thầu, phó chủ thầu rồi thầy cai, thầy đội, lính bồi thay phiên nhau canh giữ từng hạt muối. Hồi đó muối đắt đến mức diêm dân có câu "Muối Cù Mông ba mươi đồng một hạt", còn bây giờ giá muối bấp bênh, nên đời sống diêm dân thật sự khó khăn, nhưng bỏ nghề truyền thống này thì biết làm gì để mưu sinh".

Ngừng một lát, ông Thọ nói tiếp: "Gọi là muối Cù Mông vì ngày xưa tàu thuyền trong Nam ngoài Bắc vào đây mua muối đều nhắm hướng chân đèo Cù Mông, chứ thực ra cả tỉnh Phú Yên này chỉ có một đồng muối Tuyết Diêm. Những hạt muối trắng tinh đã tạo ra cái tên rất đẹp của làng này".

Ông Nguyễn Hồng Hà - Chủ nhiệm hợp tác xã (HTX) sản xuất muối Tuyết Diêm cho biết: Tuyết Diêm hiện có 371 hộ gia đình sinh sống bằng nghề muối với gồm 851 xã viên đảm trách sản xuất 134ha. Tổng sản lượng thu hoạch mỗi mùa vụ từ 15.000 đến 18.000 tấn, nhưng để có được ngần ấy muối không phải chuyện giản đơn.

Nghề muối cực hơn rất nhiều so với nghề nông, mỗi năm diêm dân chỉ trông chờ vài ba tháng nắng. Nắng càng gắt, muối càng thơm tinh khiết và… mồ hôi càng mặn chát trên những đôi vai gầy.

Những năm 1999 - 2004, muối rớt giá thê thảm, mỗi tấn chỉ bán được từ 200.000 đến 400.000 đồng. Kết thúc niên vụ muối năm nay, diêm dân Tuyết Diêm thu hoạch được 12.000 tấn, đầu vụ giá mỗi tấn muối 550.000 đồng, đến cuối vụ tăng vọt lên 1 triệu đồng.

Giá muối tăng cao nhất từ trước đến nay, nhưng vì nhu cầu đời sống nên 70% sản lượng muối đã được diêm dân bán sớm, nên khi giá tăng lên thì lượng muối còn lại rất ít. Kết cục chỉ có một số đầu nậu tung tiền mua muối tích trữ từ đầu vụ mới thu được lãi cao, còn diêm dân vẫn phải chịu thiệt thòi, bình quân một năm mỗi xã viên chỉ thu nhập nghề muối từ 1,5 đến 2 triệu đồng.

Một con số quá thấp so với nhu cầu đời sống sinh hoạt bình thường, trong khi ngoài nghề làm muối, diêm dân ở đây không có nghề phụ nào khác. Nhằm ổn định đời sống diêm dân, khi giá muối tụt xuống quá thấp, HTX phải trích quỹ dự phòng thu mua theo giá sàn mỗi tấn 300.000 đồng.

Để tìm hướng đi cho nghề muối ở Tuyết Diêm, ông Chủ nhiệm HTX sản xuất muối Tuyết Diêm cùng một số xã viên khăn gói ra tận Quảng Nam tìm hiểu mô hình làm muối sạch, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai được vì làm muối theo phương pháp thủ công lâu nay chỉ đầu tư mỗi ha khoảng 15 triệu đồng, còn làm muối sạch thì mức đầu tư tăng lên 80 triệu đồng, trong khi HTX không có nguồn vốn để triển khai thực hiện, đó là chưa nói đến việc đầu tư xây dựng đê bao kiên cố và đường giao thông để vận chuyển sản phẩm sau thu hoạch.

Cách đây mấy năm, một doanh nghiệp đã khảo sát đồng muối Tuyết Diêm để đầu tư dự án nhà máy chế biến muối i ốt, diêm dân háo hức mong chờ, nhưng kết cục nhà đầu tư lặng lẽ rút lui.

Theo ông Nguyễn Hồng Hà - Chủ nhiệm HTX sản xuất muối Tuyết Diêm cho biết, cách đây hai năm, dự án xây dựng đê bao kiến cố và hệ thống kênh mương nội đồng giai đoạn 2005 - 2011 với tổng mức vốn đầu tư 13 tỷ đồng từ nguồn vốn khuyến diêm cũng đã được Sở Nông nghiệp phát triển Phú Yên xác lập, các cấp thẩm quyền đã phê duyệt. Rất tiếc đến nay chỉ mới đầu tư nhỏ giọt 1 tỷ đồng xây dựng ba cống xả lũ.

Lão làng Trịnh Minh Thọ bày tỏ rất chân tình  "Để ổn định sản xuất và đời sống, mong sao nhà nước sớm quan tâm quy hoạch lại đồng muối Tuyết Diêm, đầu tư hoàn thiện đê bao, hệ thống kênh mương nội đồng, tạo cơ chế chính sách cho diêm dân triển khai thực hiện chương trình sản xuất muối sạch, thu hút nhà đầu tư xây dựng Nhà máy Chế biến muối i-ốt hoặc có giải pháp bình ổn giá muối…".

Mong sao ước vọng đó sớm trở thành hiện thực, để hạt muối bớt vị mặn chát mồ hôi, để cuộc sống người dân Tuyết Diêm vượt khó, thoát nghèo

Hữu Toàn
.
.
.