Hướng tới kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2015)

Nỗi lòng của một vị tướng

Thứ Sáu, 03/04/2015, 12:21
Trong buổi gặp mặt cán bộ, chiến sĩ Công an đã từng công tác tại chiến trường Thừa Thiên - Huế do Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức, tôi may mắn được trò chuyện cùng Thiếu tướng Phan Văn Lai, nguyên Chánh Văn phòng Ban An ninh khu Trị Thiên - Huế. Ông được Bộ Công an chi viện vào chiến trường Thừa Thiên - Huế khói lửa trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Năm nay, Thiếu tướng Phan Văn Lai đã vào tuổi 86, vẻ mặt quắc thước, đôi mắt hãy còn tinh anh. Ông nhớ tường tận từng chi tiết về quãng đời trai trẻ hơn 12 năm gắn bó ở chiến trường Thừa Thiên - Huế.

Ông tâm sự: “Dịp này tôi vào Huế vừa là để gặp anh em cán bộ đã cùng tôi “nếm mật, nằm gai” trong những năm kháng chiến, vừa là để tạ ơn những người đã từng không quản ngại nguy hiểm, bất chấp những trận đòn thù để nuôi dưỡng, đùm bọc, che chở tôi trong những năm kháng chiến. Ơn nghĩa của nhân dân Thừa Thiên - Huế đối với tôi sâu nặng lắm, suốt cuộc đời này tôi không thể nào quên. Với tôi, Thừa Thiên - Huế từ lâu đã là quê hương thứ hai”.

Thiếu tướng Phan Văn Lai đến thăm một gia đình cơ sở cách mạng.

Xúc động trước nghĩa nặng, tình sâu của một chiến sỹ an ninh đã cống hiến cả quãng đời trai trẻ của mình cho quê hương Thừa Thiên - Huế tươi đẹp hôm nay, tôi đề nghị được cùng ông về những nơi ông đã từng sát cánh cùng đồng đội kiên cường bám trụ, gây dựng phong trào và chiến đấu trong lòng địch.

Chúng tôi về với huyện Phú Vang, nơi từng là địa bàn trọng điểm phía Đông Nam TP Huế, là một căn cứ lõm vùng sâu đảm bảo cho các lực lượng cách mạng đứng chân và tiến công vào sào huyệt đầu não của kẻ thù, nhất là trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Bốn mươi năm sau ngày giải phóng, Phú Vang giờ đã khác, trục đường chính nối Phú Vang với TP Huế và các vùng lân cận rộng thênh thang, các tuyến đường liên thôn đều được trải bê tông bên những cánh đồng lúa trải rộng. Vậy mà ông Phan Văn Lai vẫn nhớ từng tên xóm, tên làng, từng bờ tre, giếng nước nơi ông từng gắn bó. Đi đến đâu, gặp bà con như một điều hiển nhiên ông tự giới thiệu mình là con của làng và được bà con vui mừng đón chào. Thắp nén hương trên bàn thờ ông Hoàng Sa ở xã Vinh Thái, ông kể rằng, đây là gia đình đã từng đào hầm nuôi giấu ông và Anh hùng LLVTND Nguyễn Đình Bẩy, nguyên Phó trưởng Ban An ninh khu Trị Thiên - Huế.

Gia đình ông Sa đã chịu những trận đòn tra khảo ác liệt, đánh đập dã man của kẻ thù, chúng hăm dọa đốt nhà, nhưng gia đình ông vẫn một lòng, một dạ cam chịu cực hình để che chở cho ông và đồng đội.

Đến thăm mộ phần Anh hùng LLVTND Lê Văn Trĩ, nguyên Phó trưởng Ban An ninh huyện Phú Vang, ông nhớ như in người đồng đội đã anh dũng hy sinh vào đêm 29/4/1970. Hôm đó, trên đường đi sinh hoạt cơ sở về hầm bí mật, bị lọt vào ổ phục kích, Lê Văn Trĩ đã một mình chống trả lại kẻ địch đến viên đạn cuối cùng.

Thiếu tướng Phan Văn Lai thắp hương tưởng nhớ bà La Thị Giáng.

Dẫn chúng tôi đi qua xã Vinh Hà, ông say sưa kể về gia đình bà La Thị Giáng, Lê Thị Hạnh, là những người đã từng nuôi dưỡng và che giấu ông.

Tên tuổi của các trinh sát vũ trang kiên cường bám trụ, dũng cảm, sắc bén trong diệt ác, trừ gian, chống địch càn quét đã từng gây tiếng vang một thời, làm bọn tề ngụy ở địa phương vừa kính nể vừa khiếp sợ như Anh hùng LLVTND Hồ Ngọc Ba, Bùi Xuân Trưởng vẫn thấm đẫm trong ký ức ông, hay người chỉ huy - Trưởng ban An ninh Bùi Thế Hùng, bị địch xăm trúng hầm, quyết không rơi vào tay giặc, anh đã bật nắp hầm bắn trả lại chúng và anh dũng hy sinh.

Quá buổi chiều, chúng tôi trở về TP Huế, ông lại tìm đến thăm những cán bộ An ninh Thừa Thiên - Huế đã một thời chia lửa cùng ông: Anh hùng LLVTND Hoàng Thức Bảo; Anh hùng LLVTND Trần Phong; ông Nguyễn Trung Chính, nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách An ninh Thừa Thiên - Huế; ông Nguyễn Văn Bòn, nguyên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; ông Nguyễn Thanh Tùng, nguyên Trưởng Công an huyện Phú Vang… và cả những cô giao liên, hậu cần ở chiến khu xưa. Ở đâu ông cũng được mọi người quấn quýt, yêu thương.

Bốn mươi năm sau ngày quê hương Thừa Thiên - Huế hoàn toàn giải phóng, về lại chiến trường xưa lần này tuy người còn, người mất, nhưng trong ông vẫn mãi mãi vang vọng một thời hào hùng.

Đã 38 năm ông trở lại với nhịp sống của Thủ đô Hà Nội, từng giữ những trọng trách như Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND (nay là Tổng cục Chính trị CAND), Chánh Thanh tra Bộ Công an, mang cấp hàm Thiếu tướng, nhưng trong tâm thức ông, những người đồng bào, đồng chí gắn bó một thời gian khó trong những năm chiến tranh ác liệt vẫn luôn hiển hiện. Để rồi đến nắng tháng ba, ông lại về với Huế, cư xử như một người con đi làm ăn xa quê trở về. Xin trân trọng một tấm lòng nơi ông.

Đinh Sen
.
.
.