Quảng Ninh:

Nỗi lo theo mỗi con đò

Thứ Ba, 15/08/2006, 11:00

Do đặc điểm địa lý và tính chất địa bàn, đò ở Quảng Ninh là phương tiện vận chuyển không thể thiếu dưới nhiều hình thức, qui mô khác nhau. Hoạt động của tất cả các loại đò này đều đang trong tình trạng bị buông lỏng về quản lý và nguy cơ TNGT có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, trên tuyến vận tải ven biển và hệ thống đường thủy nội địa của tỉnh Quảng Ninh hiện có 765 phương tiện đò các loại đang hoạt động. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là hầu hết các loại phương tiện này hiện đều đang ở trong tình trạng bị buông lỏng quản lý và vi phạm nghiêm trọng các quy định về đảm bảo TTATGT. Điều tra của lực lượng CSGT đường thủy Quảng Ninh cho biết, hiện có tới gần 70% phương tiện đò đang hoạt động trên địa bàn  phải đăng ký, đăng kiểm nhưng đã không được đăng ký, đăng kiểm. Hơn 80% người điều khiển phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn và trên 80% phương tiện không có phao cứu sinh.

Về bến bãi, hầu như ở địa phương nào cũng có vi phạm; đặc biệt thị xã Móng Cái có tới 20/27 cảng, bến hoạt động trái phép, ngoài tầm quản lý của các ngành chức năng và chính quyền cơ sở. Những vi phạm khác như vạch sơn dấu mớm nước an toàn đối với các phương tiện, quy định chỗ ngồi trên phương tiện, đèn báo hiệu khi phương tiện hoạt động về ban đêm, giấy chứng nhận đăng ký hành nghề... đều là những vi phạm phổ biến và khó có thể thống kê hết.

"Sông sâu, sóng cả, đò đầy..."

Vi phạm về an toàn là một trong những nguyên nhân làm cho tình hình tai nạn gia tăng. Báo cáo thống kê về tình hình TNGT ở Quảng Ninh cho thấy, trong thời gian qua, trên 50% số vụ TNGT đường thủy là do các phương tiện đò gây ra, trong đó trên 70% số người bị thiệt mạng là do đắm đò. Đã có nhiều vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng như vụ đắm đò làm chết 4 người ở huyện Cô Tô, vụ đắm đò ở thị xã Móng Cái làm chết 9 người và vụ đắm đò trên sông Bang thuộc huyện Hoành Bồ làm chết 16 người. Tuy nhiên, những bài học kinh nghiệm rút ra từ các vụ tai nạn này hầu như không được mấy quan tâm, đặc biệt là đối với các chủ phương tiện hành nghề chở đò.

Ở xã Thống Nhất, huyện Hoành Bồ nơi xảy ra vụ đắm đò làm chết 16 người, ông Vũ Trọng Lưu, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, sau vụ tai nạn, xã đã nghiêm cấm việc chở đò dọc cho những người đi chợ trên sông Bang nhưng hiện tại, ở thôn Xích Thổ vẫn còn số người lén lút hành nghề và đương nhiên là có tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường thủy ở thị xã Móng Cái. Trên các tuyến sông Ka Long và  sông Bắc Luân trung bình 1 ngày có từ 400-800 phương tiện thủy hoạt động. Chỉ riêng số đò dọc (có sức chở từ 8-12 tấn hoặc trên 20 tấn/đò), chuyên dùng để chuyển tải hàng hóa xuất nhập cảnh qua biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, cũng có số lượng khoảng 300 phương tiện. Đặc điểm của tuyến sông ở đây là những sông có độ dốc cao, lưu lượng nước chảy mạnh nhất là vào những lúc có lũ từ thượng nguồn đổ về, dòng chảy không ổn định, nhiều thác xoáy, vì vậy TNGT đường thủy xảy ra là thường xuyên, riêng các vụ tai nạn chết người hầu như năm nào cũng có.

Đò vận tải hàng hoá trên sông Ka Long.

Lúc chúng tôi có mặt tại thị xã Móng Cái cũng là lúc cơn lũ đầu mùa của năm 2006 vừa tràn qua; một chiếc tàu vận tải có sức chở trên 200 tấn do ông Lại Thế Dương ở Giao Thủy, Nam Định điều khiển, bị nước lũ cuốn trôi đã đâm thẳng vào đò của gia đình anh Nguyễn Văn Giỏi đỗ phía dưới, con trai anh Giỏi 4 tuổi bị mũi tàu tiện đứt bàn chân phải, toàn bộ tài sản của gia đình anh Giỏi bị nhấn chìm...

Giải pháp nào cho đò?

Một trong những đặc điểm trong hoạt động của các phương tiện đò ở Quảng Ninh là hầu hết số người trực tiếp điều khiển phương tiện tham gia giao thông đều là những người nghèo, sắm phương tiện để kiếm sống, hoặc là những người đi làm thuê, trình độ dân trí thấp. Vì vậy, ngoài việc tăng cường TTKS thì công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, nhất là Luật Giao thông thủy nội địa, cho các đối tượng này luôn là một yêu cầu cấp bách và lâu dài. Năm 2006, ngay từ quý 1, lực lượng CSGT đường thủy và Công an địa phương ở Quảng Ninh đã tham mưu cho Ban ATGT tỉnh mở cuộc vận động những người tham gia giao thông đường thủy phải sử dụng phao cứu sinh với khẩu hiệu "Sử dụng phao cứu sinh là chấp hành pháp luật là bảo vệ an toàn cho mỗi người"; đồng thời tổ chức vận động các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp trên địa bàn mua phao cứu sinh để tặng và giúp đỡ những người nghèo... Đây là những việc làm mang ý nghĩa tích cực.

Tuy nhiên, để hoạt động của các phương tiện đò trên địa bàn đi vào nề nếp, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ tai nạn xảy ra thì rất cần có sự tham gia tích cực, đồng bộ của các cấp, các ngành và chính quyền các địa phương. Trong đó, trước tiên là yêu cầu tuyên truyền giáo dục và quản lý chặt chẽ các phương tiện, các đối tượng hành nghề chở đò ngay từ cơ sở. Đi liền đó là việc tổ chức đào tạo, kiểm tra cấp phát giấy tờ đăng ký, chứng chỉ chuyên môn cho các phương tiện và các đối tượng hành nghề chuyên nghiệp và việc tổ chức sắp xếp lại các cảng, bến theo đúng quy định của pháp luật

Vũ Ninh
.
.
.